Site icon redbattleflyer.com

4 âm thanh của tự nhiên được lưu thành đĩa nhạc: Tiếng hót của loài chim sắp tuyệt chủng cùng tiếng vọng của trái đất, quá khứ và cá voi

Vào tháng 9, Downtown Records sẽ phát hành một album vinyl (đĩa than) quy mô lớn với 242 bản nhạc lấy cảm hứng từ tiếng chim hót.

Trong thời gian đại dịch bùng phát, con người sống trầm lắng hơn, gửi hy vọng vào vũ trụ bao la…

Trước đó, một bảo tàng trực tuyến đã bắt đầu lưu giữ âm thanh của công nghệ trong quá khứ: từ máy đánh chữ, máy cạo râu, máy ghi âm cassette, đến máy ảnh và Nintendo cổ điển.

Vào tháng 8 của 52 năm trước, một album về tiếng kêu của cá voi đã trở thành bản “hit” toàn cầu, là xúc tác cho các quy định cấm săn bắn cho đến ngày nay.

The Birdsong Project – Nơi ghi lại tiếng hót của các loài chim có nguy cơ tuyệt chủng

Một hộp đĩa than lớn chứa 242 bản nhạc và một tuyển tập thơ 60 trang sẽ được phát hành vào tháng 9/2022.

Các bài hát lấy cảm hứng từ tiếng chim hót đã được phát hành trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến từ đầu năm 2022.

“Các loài chim tạo ra âm nhạc vì những lý do giống như chúng ta. Đó chính là cách giao tiếp của chúng”.

 4 âm thanh của tự nhiên được lưu thành đĩa nhạc: Tiếng hót của loài chim sắp tuyệt chủng cùng tiếng vọng của trái đất, quá khứ và cá voi - Ảnh 1.

Randall Poster ở công viên Gramercy (New York).

Randall Poster, người khởi xướng dự án “The Birdsong Project”, là một nhạc sĩ trong lĩnh vực điện ảnh, đã từng làm việc với các đạo diễn như Wes Anderson, Martin Scorsese và Todd Haynes.

Một trong số ít những điều tích cực từ tình trạng dịch bệnh đóng cửa là không ít cư dân thành phố bắt đầu nhận thấy mối liên hệ với những loài động vật hoang và Randall là một trong số đó.

Ông đã sống ở The Bronx 60 năm và chưa bao giờ ngó ngàng đến những con chim. Cho đến mùa đông năm 2020, khi dịch bệnh hoành hành khắp thế giới, mọi thứ trôi qua chậm chạp, ông bắt đầu thích lắng nghe tiếng chim hót trong thành phố yên tĩnh. Vì vậy, ông quyết định làm điều gì đó để giải quyết tình trạng môi trường sống của loài chim đang dần biến mất.

Nhà chim được thiết kế bởi họa sĩ Olalekan Jeyifous, có tên “Birdega”.

Tác phẩm “Stand Still Like a Hummingbird” của nghệ sĩ Aaron Rose, lấy cảm hứng từ màu lông chim ruồi.

Cùng với Rebecca Reagan, Randall đã tạo ra một chương trình đa ngành mang tên “For the Birds” và chiêu mộ các ngôi sao như Mark Ronson, Nick Cave, Beck, Sean Penn và Tilda Swinton tham gia.

Nếu bạn đến Vườn bách thảo Brooklyn từ nay đến tháng 10/2022, bạn cũng có thể thấy vô số nhà chim được thiết kế bởi 33 nghệ sĩ. Randall nói: “Chúng tôi muốn du khách cảm nhận được niềm vui của sự sáng tạo và cảm hứng từ tiếng chim hót”.

Các nhà thơ từ khắp nơi trên thế giới tạo ra những bài thơ về loài chim.

Trái: Nhà chim “Swiss” của Tom Sachs. Phải: Nhà chim “Cho tôi một người hàng xóm” của Joyce Hwang.

Tại Mỹ, mèo nhà giết 1,3 – 4 tỷ con chim mỗi năm và 365 – 988 triệu con chim bị chết do va vào cửa kính. Ở Canada, số lượng chim chết lên đến 16 – 42 triệu. Chưa cần tính trên phạm vi toàn cầu, nhưng từ 2 quốc gia này đã có ít nhất hàng tỷ con chim chết mỗi năm.

Khi nói về tiếng chim hót và những dự án đang thực hiện, Randall đã tìm hiểu thông tin và số liệu từ một người bạn là nhà bảo vệ môi trường. Từ đó, ông đã nghĩ ra một ý tưởng: Nếu sử dụng lợi thế trong mối quan hệ giữa các lĩnh vực để huy động vốn làm ngân sách bảo vệ loài chim thì sao?

Sau đó, Randal liên hệ với National Audubon Society và quyết định quyên góp tất cả số tiền thu được từ album cho Hiệp hội bảo tồn loài chim. Ông cho biết dự án có tiềm năng lan tỏa thông điệp cao vì dường như mọi người đều dành một tình yêu nhất định cho loài chim.

Randall nói: “Trong đại dịch, mọi người đã học cách dành nhiều thời gian hơn để nhìn ra ngoài cửa sổ. Được nhìn ngắm những chú chim ngoài kia là điều may mắn. Chúng ta được thiên nhiên chữa lành những vết thương trong tâm hồn”.

Randall cho biết ông không thể tính toán “For the Birds” có thể quyên góp được bao nhiêu tiền hay liệu sức mạnh người nổi tiếng có đẩy nó lên các bảng xếp hạng âm nhạc hay không. Nhưng ông rất mong chờ hàng loạt sự kiện của dự án, bao gồm triển lãm tổ chim tại Vườn bách thảo Brooklyn từ tháng 6 đến tháng 10 và “bữa tiệc âm thanh” ở Miami, London…

“Chúng tôi cũng sẽ tạo cơ hội để nhiều người rút ngắn khoảng cách với loài chim, đồng thời nuôi dưỡng mối quan tâm của thế hệ trẻ đối với thế giới chim muông”.

Robin Perkins (2015).

Một nhà tài trợ khác của dự án, Robin Perkins, người đã đồng hành cùng Tổ chức Hòa bình Xanh trong 10 năm, đã gom quỹ hơn 50.000 USD và mời hàng chục nhạc sĩ cùng sáng tác, hòa tấu ca khúc lấy cảm hứng từ những loài chim có nguy cơ tuyệt chủng ở đất nước của họ.

Earthling Project – Thanh âm của nhân loại gửi vào vũ trụ

Trong dãy núi Cascade ở phía bắc California, 42 kính viễn vọng vô tuyến chĩa lên bầu trời để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.

Viện Tìm kiếm Trí thông minh Ngoài Trái đất (SETI) đã lắng nghe và thu thập một số loại tín hiệu ở đây kể từ khi thành lập vào năm 1984.

Người đồng sáng lập Jill Tarter, một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng và là nguyên mẫu cho nhân vật của Jodie Foster trong bộ phim “Contact” (Tiếp xúc) năm 1997. Dự án này không chỉ nhằm mục đích “giao lưu” với các nền văn minh xa xôi, mà còn nhắc nhở chúng ta chỉ là sự tồn tại bình thường và mỏng manh trong vũ trụ bao la.

Năm 2021, dự án bắt đầu thu thập những thanh âm trên trái đất.

Ý tưởng mang tên Earthling Project, được ra đời bởi nhạc sĩ kiêm nhà soạn nhạc người Mexico, Felipe Pérez Santiago. Ông cũng là nghệ sĩ tại SETI.

Felipe cho rằng các bài hát không chỉ dành cho con người. Ông kêu gọi mọi người trên khắp thế giới cùng tải lên một bài hát và đoạn nhạc này đã được hòa lên bản hợp ca của cả nhân loại. Cùng với Wikipedia và Rosetta Project, bộ sưu tập 1.500 mẫu ngôn ngữ của con người đã được ghi lại trong một chiếc đĩa không thể phân hủy và được đưa lên vũ trụ vào mùa hè năm 2021.

Hàng trăm họa sĩ đã lấy đây làm nguồn cảm hứng để tạo ra hàng loạt bức tranh độc đáo.

Felipe nói rằng bản nhạc này không chỉ là một thông điệp gửi đến vũ trụ, mà còn là một tấm gương phản chiếu: “Liệu chúng ta có thể dùng 30 giây ca hát để đoàn kết nhân loại không?”.

Felipe cảm thán: “Đại dịch đã giúp nhân loại xích lại gần với nhau hơn. Trong thời gian tăm tối này, tập hợp mọi người từ khắp nơi trên thế giới để đóng góp cho dự án, truyền tải thông điệp cùng nhau phấn đấu và gắn kết. Thế là sứ mệnh của chúng ta đã hoàn thành”.

Nhóm thực hiện dự án còn kế hoạch gửi thông tin này đến sao Hỏa trong tương lai.

Conserve the Sound – Bảo tàng trực tuyến lưu giữ “Nước mắt của thời đại”

Âm thanh quay số của chiếc điện thoại cổ, tiếng lách cách của máy chơi game Nintendo cũ, tua máy ghi âm…

Với sự phát triển của thời đại và khoa học kỹ thuật, những thanh âm của đồ công nghệ xưa cũ này sẽ không còn nữa. Song, một bảo tàng trực tuyến đã ghi lại được những loại âm thanh này.

Dự án có tên Conserve the Sound, là một bữa tiệc của thị giác và thính giác. Mỗi đồ vật được chụp trên nền trắng tinh khiết. Máy ảnh phim cầm tay, máy đánh chữ, tay nắm cửa sổ ô tô, máy cạo râu, loa, đồng hồ bấm giờ…

Vào phần “Âm thanh” ở đầu trang website conservethesound.de, người dùng có thể tận hưởng âm thanh của đồ dùng công nghệ đã tồn tại trong từng thập kỷ từ những năm 1910 đến những năm 2000.

Xem xét kỹ hơn thông tin sản phẩm cho thấy nhiều đồ vật trong số này đến từ châu Âu, chẳng hạn như đầu robot của Kassettenrekorder Weltron Model 2004, mà người tiêu dùng ở các quốc gia và khu vực khác có thể thấy lạ lẫm.

Conserve the Sound là chủ yếu giới thiệu các sản phẩm được sản xuất tại châu Âu.

Hàng chục âm thanh độc đáo được điều chỉnh kèm theo hình ảnh tương ứng. Tất cả đều lấy sự đơn giản làm chủ đạo.

Những âm thanh này sẽ đưa bạn trở về khoảnh khắc của thời đại trước, giúp bạn mường tượng rõ ràng hơn về cuộc sống xưa cũ.

Bài hát của cá voi lưng gù – Thanh âm chữa lành từ biển sâu

Hơn 50 năm trước, một album hiếm hoi về tiếng kêu của cá voi đã trở thành bản “hit” toàn cầu, từ đó khởi động lệnh cấm săn bắn trên quy mô lớn.

Trong 52 năm qua, Roger Payne đã giới thiệu âm thanh của cá voi lưng gù cho hàng nghìn người và việc làm này vẫn đang tiếp diễn. Trường học, nhà thờ, chương trình trò chuyện trên truyền hình… với nhiều đối tượng như ca sĩ, nhạc sĩ, chính trị gia và nhà khoa học…

30 giây đầu tiên khi đoạn nhạc phát lên, có người tò mò lắng nghe, có người cười khúc khích.

Nhưng 1 phút, rồi 5 phút, thậm chí là nửa giờ, Payne nhận ra rằng điều kỳ diệu đã xuất hiện. “Trong quá trình bản nhạc phát lên, khán giả sẽ hoàn toàn im lặng, đắm chìm trong âm thanh cho đến phút cuối”.

Năm 1970, Payne phát hành album gồm 5 ca khúc, tổng thời lượng dài 34 phút có tên “Song of the Humpback Whale” (Bài hát của cá voi lưng gù).

Điều bất ngờ là, Payne không phải là một nhạc sĩ, mà là một chuyên gia về âm học, người nghiên cứu định vị bằng tiếng vang của dơi và cú. Anh tình cờ quan tâm đến tiếng kêu của cá voi.

Năm 1960, Roger đang nghe đài thì biết tin một con cá heo chết dạt vào bãi biển Revere (gần Đại học Tufts nơi ông làm việc) và ông đã lái xe đến đó. Sau đó, ông mới biết ngư dân đã cắt vây lưng, ai đó đã khắc tên lên phần đầu và lỗ thở của cá heo bị nhét vào một điếu xì gà.

Sau đó, ông nói: “Tôi dập điếu thuốc và đứng đó rất lâu với tâm trạng không thể diễn tả. Mỗi người đều có một hoặc vài trải nghiệm để đời và đối với tôi chính là đêm hôm đó”.

Vào những năm 1960, hàng chục nghìn con cá voi bị giết mỗi năm, đa số lấy mỡ làm xà phòng, dầu và thức ăn cho vật nuôi. Số lượng cá voi lưng gù khoảng 100.000 con vào năm 1900 và sau đó giảm còn 7.000 con. Cá voi xanh lên tới 250.000 con vào đầu những năm 2000 và chỉ còn 500 con vào những năm 1980.

Payne nói: “Chúng gần như tuyệt chủng, nhưng thế giới dường như chẳng thèm quan tâm”.

Theo báo cáo năm 2018 của Financial Times, Nhật Bản đã khởi động lại hoạt động thương mại đánh bắt cá voi và rút khỏi Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế.

Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh cá voi bị sát hại dã man, Payne quyết định làm điều gì đó.

Nguồn cảm hứng này còn xuất phát từ đoạn ghi âm tiếng cá voi rên rỉ của kỹ sư hải quân Frank Watlington khi đang ở trong tàu ngầm Nga ngoài khơi bờ biển Bermuda.

Payne cảm thấy tiếng kêu này như một bài hát thực thụ vì có vần điệu và lặp lại.

Điều đáng chú ý là trong khi nhiều loài cá voi sử dụng âm thanh để giao tiếp thì cá lưng gù lại dùng để “hát”. Ngoài ra, bài hát của cá voi thay đổi một cách tinh tế mỗi năm và không bao giờ trùng lặp.

Khi nghe đoạn ghi âm rên rỉ này, Payne đã khóc và nhận ra đây có thể là bí quyết để ngăn chặn việc tàn sát cá voi.

“Bài hát của cá voi lưng gù” đã bán được hơn 125.000 bản, trở thành bản ghi âm thiên nhiên phổ biến nhất mọi thời đại. Bài hát cá voi sau đó đã đi vào văn hóa đại chúng và trở thành cảm hứng cho những sáng tác đến ngày nay.

Vào năm 1977, khi NASA tung ra một bản thu âm 12 inch mạ vàng trên tàu du hành Voyager, bao gồm các bài hát cá voi lưng gù ở Bermuda của Payne, cùng với Johann Sebastian Bach, Mozart và Lewis.

Năm 1986, Ủy ban Săn bắt cá voi Quốc tế đã cấm tất cả hoạt động săn bắt cá voi thương mại (mặc dù Na Uy và Nhật Bản vẫn cấp giấy phép đánh bắt cá voi thương mại và Iceland trước đó đã công bố kế hoạch ngừng đánh bắt cá voi thương mại vào năm 2024).

“Nếu cá voi du nhập vào văn hóa nhân loại thì chúng ta có thể cứu được chúng và tôi nghĩ điều đó đã và đã diễn ra”, Payne nói.

Nguồn: Thepaper

Exit mobile version