Site icon redbattleflyer.com

9 công trình kiến ​​trúc nổi tiếng và đắt giá trên thế giới hiện đã bị bỏ hoang trong tiếc nuối

Trên khắp thế giới, những công trình kiến trúc khổng lồ có thể tốn hàng triệu đô la để xây dựng, bao gồm các công viên giải trí, sân bay, khu nghỉ dưỡng và đấu trường Olympic. Nhưng cũng có những công trình hiện đang bị bỏ hoang trong cảnh tiêu điều. Từ các địa điểm tổ chức Olympic ở Brazil đến một công viên giải trí được coi là lớn nhất châu Á, những công trình này đã bị bỏ hoang do các vấn đề tài chính, quản lý yếu kém, chiến tranh hoặc thậm chí là thảm họa hạt nhân.

Dưới đây là một số công trình kiến trúc đắt tiền nhất từng được xây dựng hiện đang ở trong cảnh đổ nát.

Nội dung tóm tắt

Sân bay quốc tế Hellenikon ở Hy Lạp từng là sân bay chính của Athens, phục vụ hơn 12 triệu lượt khách mỗi năm.

 9 công trình kiến ​​trúc nổi tiếng và đắt giá trên thế giới hiện đã bị bỏ hoang trong tiếc nuối - Ảnh 1.

Tuy nhiên, sân bay này đã đóng cửa vào năm 2001 sau khi được thay thế bởi Sân bay Quốc tế Athens, và nó đã bị bỏ hoang kể từ đó.

Một số kế hoạch tái phát triển sân bay đều đã thất bại. Năm 2019, một nhóm phát triển gần đây đã hứa sẽ bắt đầu chuyển đổi địa điểm này thành một công viên đô thị bao gồm các khu dân cư, khách sạn, trung tâm mua sắm, công viên giải trí, bảo tàng, cơ sở thể thao,… Thế nhưng tiến độ đến nay vẫn chưa khả thi là bao.

Công viên giải trí Pripyat ở Ukraine dự kiến mở cửa vào ngày 1 tháng 5 năm 1986, nhưng ngày mở cửa đã bị hủy bỏ khi thảm họa hạt nhân thảm khốc Chernobyl diễn ra chỉ cách đó vài dặm vào ngày 26 tháng 4.

Một số báo cáo nói rằng công viên đã được mở cửa một thời gian ngắn để giải trí cho người dân thị trấn vào ngày 27 tháng 4 khi lệnh sơ tán được ban hành.

Cả công viên đến ngày nay vẫn ở trong mức độ bức xạ cao nên không ai có thể đến đây, dù là để tham quan.

Sân vận động Aquatics được xây dựng cho Thế vận hội Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil, hiện đang trong tình trạng hư hỏng.

Những vũng nước khổng lồ, bẩn thỉu này là nơi các vận động viên Olympic từng bơi qua.

Thành phố Rio đã chi khoảng 13 tỷ USD cho Thế vận hội, và một số địa điểm đã bắt đầu tan hoang.

Công trình kiến trúc hình kim tự tháp cao chót vót này có biệt danh là “Khách sạn của ngày tận thế”.  Khách sạn Ryugyong hiện không có người ở tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên bắt đầu được xây dựng vào những năm 1980.

Khách sạn 105 tầng được coi là một trong những công trình kiến trúc cao nhất thế giới, nhưng khi việc xây dựng tạm dừng vào những năm 1990, Ryugyong đã trở thành tòa nhà không có người ở cao nhất thế giới. Nó cao khoảng 1.082 feet và tiêu tốn ước tính 583,7 triệu USD để xây dựng. Nguyên do công trình bị dừng là do các vấn đề kỹ thuật và thiếu kinh phí.

Nhiều tin đồn cho rằng khách sạn có thể sẽ sớm hoàn thành và khai trương, đặc biệt là khi nó được thắp sáng trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên. Nhưng hiện tại, chưa có dấu hiệu Ryugyong sẽ được đưa vào sử dụng.

“Wonderland” là một công viên giải trí rộng 120 mẫu bị bỏ hoang cách Bắc Kinh 20 dặm. Các vấn đề tài chính đã khiến việc xây dựng bị dừng lại vào năm 1998. Năm 2008, việc xây dựng được tiếp tục trong một thời gian ngắn, nhưng sau đó lại dừng lại.

Những công trình xây dựng đã hoàn thiện một nửa, mục nát trong nhiều năm trên khu đất từng tham vọng trở thành công viên giải trí lớn nhất ở châu Á. Vào năm 2013, phần lớn công viên, bao gồm cả pháo đài theo phong cách thời Trung cổ này, đã bị phá bỏ.

Ngày nay, lâu đài Disney chưa hoàn thiện là một trong số ít công trình kiến trúc vẫn còn sót lại.

Dự án San-Zhi Pod mang phong cách tương lai với thiết kế độc lạ ở Đài Loan (Trung Quốc) được hình thành vào những năm 1970 để trở thành một khu nghỉ mát bãi biển cao cấp dành cho những người giàu có.

Ngôi làng đầy những ngôi nhà màu sắc trông giống như UFO, không bao giờ được hoàn thành do thiếu kinh phí và một số vụ tai nạn xây dựng.

Đã có nhiều tin đồn về việc ngôi làng sẽ bị phá hủy, nhưng hiện tại, những căn nhà rực rỡ sắc màu vẫn ở đó, thỉnh thoảng có dân du lịch vãng lai thích phiêu lưu ghé thăm.

Đảo Hashima của Nhật Bản, có biệt danh là “Đảo chiến hạm”, từng là một trong những khu vực đông dân cư nhất trên thế giới. Nhưng kể từ giữa những năm 1970, đã không còn ai sinh sống ở đây.

Hòn đảo này được biết đến với các mỏ than khổng lồ dưới lòng biển. Năm 1959, hơn 5.000 người sống ở đó, chủ yếu là công nhân mỏ và gia đình của họ.

Nhưng khi các mỏ than đóng cửa vào năm 1974, người dân đã bỏ đảo mà đi. Bây giờ, khách du lịch vẫn tham quan nơi đây vì thích khung cảnh hoang tàn đặc biệt này. 

Lee Plaza ở Detroit (Mỹ) được xây dựng vào năm 1927 như một khách sạn căn hộ sang trọng với các tiện nghi xa xỉ. Khách sạn trang trí theo phong cách nghệ thuật này phải đối mặt với nhiều vấn đề tài chính và pháp lý trong nhiều năm, đặc biệt là trong thời kỳ Đại suy thoái.

Khách sạn sang trọng một thời đã bị đóng cửa vào năm 1997 sau khi được chuyển đổi thành nhà ở dành cho người cao tuổi có thu nhập thấp. Kể từ đó, nó đã bị bỏ mặc. Nhưng thành phố Detroit hiện đang tìm kiếm các nhà phát triển để tân trang lại công trình.

Sòng bạc Constanta từng được coi là Monte Carlo của Romania, nơi dành cho những du khách giàu có và tổ chức những bữa tiệc hoàng gia lộng lẫy.

Công trình kiến trúc theo trường phái Tân nghệ thuật được xây dựng vào khoảng năm 1900, do Vua Carol I xây dựng và mở cửa phục vụ công chúng như một sòng bạc vào năm 1910. Nó đã sống sót sau các vụ đánh bom trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới.

Nhưng tòa nhà cuối cùng trở nên quá đắt để bảo trì và đóng cửa vào năm 1990. Theo Tạp chí Kinh doanh của Romania, mái nhà của sòng bạc có nguy cơ sụp đổ do ăn mòn và gỉ các bộ phận kim loại kết cấu.

Nguồn: Business Insider

https://kenh14.vn/9-cong-trinh-kien-truc-noi-tieng-va-dat-gia-tren-the-gioi-hien-da-bi-bo-hoang-trong-tiec-nuoi-20220729102121854.chn

Exit mobile version