Site icon redbattleflyer.com

Các game điện tử băng siêu khó của tuổi thơ mà không ai có thể “phá đảo”

Điện tử băng – hay còn gọi là máy NES – có thể nói là kí ức không thể nào quên cho vô số game thủ. Ngoài những trò chơi cực hấp dẫn và đáng nhớ ra thì còn có những game khó ở mức không tưởng. Bạn có biết đó là những trò chơi nào không?

Với rất nhiều thế hệ game thủ, thì các game điện tử băng luôn gắn liền với tuổi thơ dữ dội, những lần tằn tiện tiền giờ chơi từng 200, 500 đồng một, nhưng với các game dưới đây thì có khi làm gì thì làm vẫn không thể về nước nổi.

Mega Man

Là phiên bản đầu tiên của dòng Mega Man huyền thoại, Mega Man ra đời vào năm 1987 và với game thủ Việt Nam, những ai có dịp tiếp xúc với tựa game này chắc lúc đó còn chưa học hết cấp một. Mặc dù không nổi tiếng lắm ở mấy hàng trò chơi điện tử băng, nhưng Mega Man vẫn là game khó một cách khủng hoảng mà gần như chẳng có ai về nước nổi.

Đây là game được bầu chọn là có phần mở đầu khó nhất trong toàn bộ series, bản thân nó cũng có 2 con trùm được xếp hạng khó nhất mọi thời đại (tính tổng trên toàn bộ hệ máy PC và Console). Và tất nhiên ở cái thời đồ đá đó thì save là thứ không tồn tại, nên việc về nước con game này là bất khả thi. Về sau Mega Man ở Việt Nam còn nổi tiếng một thời gian dài, nhất là nhờ mấy cuốn truyện lậu ăn theo nó được và dòng Mega Man X trên Ps1.

Ghosts ‘n Goblins

Dù cũng là một game dạng đi cảnh màn hình ngang trên điện tử băng, nhưng khác với Mega Man thì Ghosts ‘n Goblins có ít người chơi hơn nhiều, chủ yếu vì nó khó tới cái mức không thể hoàn thành được. Thiết kế của Ghosts ‘n Goblins chỉ cho game thủ có 3 mạng ít ỏi, màn chơi thì dài lê thê và chết thì đi lại từ đầu. Vậy nên đừng nói ở Việt Nam mà ngay cả trên khắp thế giới thì số người hoàn thành được nó cũng siêu ít.

Ghosts ‘n Goblins nổi tiếng tới mức trở thành một tựa game trở thành văn hóa đại chúng, bạn có thể không tin nhưng tới thời điểm hiện tại, vẫn còn rất nhiều game thủ già đang cày cục tìm cách về nước nó, với chính xác cái máy điện tử băng cũ năm nào. Kỉ lục hiện tại được ghi nhận, là một đại hiệp nào đó trên Reddit, đã mất… 28 năm ròng rã tuổi xuân để có thể về nước Ghosts ‘n Goblins, thật sự là đáng khâm phục.

Contra

Nhắc tới tuổi thơ điện tử băng mà không có Contra đúng là thiếu sót, độ nổi tiếng thì không cần phải bàn rồi, nhưng mà về độ khó thì càng khỏi phải quảng cáo. Tôi dám chắc là hơn 90% người đã từng chơi Contra, chỉ có thể về nước sau khi đã chỉnh mã 30 mạng, chứ còn chơi bình thường 3 mạng thì sợ đi hết được cái màn 2 thôi đã là kì tích.

Lối chơi của Contra khó kinh hoàng thì không nói làm gì, nhưng một phần khác khiến nó trở thành huyền thoại, có lẽ chính vì việc có 2 người chơi. Nói một cách hơi phũ thì về nước Contra một mình còn dễ hơn là có “bồ”, vì nó chỉ tổ làm mất mấy cái power-up, chạy lung tung làm rối mắt với kinh điển nhất là “kéo màn hình” làm đồng đội chết oan. Hai game thủ chỉnh mã 30 mạng vẫn không về nước nổi là bình thường, phần nhiều là do tự bóp nhau.

Battletoads

Battletoads, thường được gọi dân dã là “Ếch Phiêu Lưu” hay về sau có thêm “Song Long Ếch”, chắc chắn là tựa game beat ’em up nổi tiếng nhất đối với game thủ Việt Nam. Độ phổ biến của nó khi chơi 2 người có lẽ chỉ thua mỗi Contra, thực tế nhiều người nhớ tới Battletoads chủ yếu vì độ “bựa” của nó, nhất là khi các nhân vật ra đòn hay trúng đòn, với những phần cơ thể phình to đặc trưng kiểu hoạt hình.

Bất kể là phần nào của Battletoads thì nó cũng khó ở mức độ kinh hoàng, hơn cả Contra. Và cũng như Contra, khi chơi Battletoads hai người thì càng khổ sở hơn nhiều. Kỉ niệm mà nhiều game thủ nhớ nhất về mấy con ếch điên, chắc chắn là màn chơi đua xe dài dằng dặc với mấy cái chướng ngại vật mà tông trúng một cái coi như muốn game over luôn. Có thể nói trừ Contra ra, thì Battletoads là cái tên để lại nhiều kí ức “khó quên” nhất trên điện tử băng.

Teenage Mutant Ninja Turtles III

Có tên đầy đủ là Teenage Mutant Ninja Turtles III: The Manhattan Project, nhưng với game thủ Việt Nam thì thường gọi chung là Ninja Rùa. Thực tế có tới 4 phiên bản khác nhau của dòng game này khi đó ra đời trên cả hai hệ NES và SNES, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà Teenage Mutant Ninja Turtles III là nổi nhất, không chỉ vì độ khó mà cả lối chơi cực kỳ cuốn hút của nó.

Teenage Mutant Ninja Turtles III có một hệ thống chiến đấu độc đáo xoay quanh “chiêu cuối” (nhấn đồng thời hai nút AB), cho phép nhân vật ra đòn mạnh hơn bình thường nhưng phải trả bằng máu. Các game thủ Việt Nam hồi đó rất thích lạm dụng trò này bằng việc chọn nhân vật Leo, sau đó spawn AB điên cuồng từ đầu tới cuối. Trong mấy quán điện tử băng thì phải đứa nào chơi giỏi nhất mới được ưu tiên chọn Leo, vì chơi theo cái kiểu này thì chạy sai một phát là chết luôn vì còn có đúng 1 giọt máu. Tôi cũng từng chơi Teenage Mutant Ninja Turtles III suốt cả tuổi thơ, cơ mà chưa bao giờ biết cái khái niệm về nước nó là gì.

Ninja Gaiden

Trước khi nổi tiếng với các phiên bản trên Xbox, thì Ninja Gaiden đã là một game siêu khó trên NES rồi. Điều thú vị là hầu hết game thủ đều không biết mình đã chơi Ninja Gaiden khi còn nhỏ, một phần vì lúc đó thiết kế nhân vật của nó còn khá mơ hồ, nhưng lý do quan trọng hơn là nó khó tới độ không thể chơi nổi. Theo như xếp hạng của 5000 game thủ Mỹ được khảo sát vào đầu những năm 2000, thì Ninja Gaiden nằm ở top game mà họ chưa bao giờ về nước được lần nào.

Có nhiều người cho rằng Ninja Gaiden được tạo ra không phải để hoàn thành, vì nó có những phân cảnh được thiết kế khó ở mức độ phi lý. Tất cả kẻ địch lẫn chướng ngại vật, đều có khả năng one-shot game thủ ngay lập tức, màn chơi rất dài tính theo tiêu chuẩn NES và hoàn toàn không có bảo hiểm. Nhiều game thủ cho rằng độ khó của Ninja Gaiden phải so sánh với 3 cái Dark Souls cộng lại với nhau, một game mà chơi ròng rã bao năm không bao giờ thấy bến bờ “về nước phá đảo”.

Tạm kết

Bởi những tựa game này khó điên cuồng như vậy nên khi có ai đó vượt qua được chúng, người đó sẽ thành siêu sao của cả xóm. Đối với các bạn thì đâu là game điện tử băng khó nhất, hãy cùng chia sẻ ở phần bình luận bên dưới nhé.

Exit mobile version