Thần Trùng là cái tên đầu tiên trong bộ ba game kinh dị Việt (bên cạnh Tai Ương và Cỏ Máu) được ra mắt. Game đã gây bão trên mạng xã hội nhờ vị thế này, nhưng cũng kéo theo nhiều tranh cãi xôn xao. Trong vai trò là game thủ, chúng ta có lẽ chi nên quan tâm một điều: Thần Trùng có phải là một trò chơi chất lượng?
Trong những ngày vừa qua, sản phẩm kinh dị Việt do DUT Studio phát triển mang tên Thần Trùng là một chủ đề nóng trong cộng đồng game thủ Việt. Khi được phát hành trên Steam, trò chơi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng game thủ, đem lại cho nó những thành công bước đầu. Tuy nhiên sự ủng hộ của cộng đồng chỉ là nhất thời, chỉ có chất lượng mới có thể giữ chân được game thủ lâu dài. Liệu Thần Trùng có thỏa mãn được đòi hỏi của game thủ?
Mời các bạn tham gia cộng đồng game thủ S-Games trên Discord, sân chơi mới cho các game thủ có thể trao đổi về các tựa game hot trên thị trường, chia sẻ kinh nghiệm chơi game, bắt cặp leo rank và trò chuyện cùng nhau sôi nổi. Tại Discord S-Games, bạn còn được nhận các code độc quyền những tựa game mới nhanh nhất, hấp dẫn nhất. Còn chờ gì nữa,
THAM GIA NGAY DISCORD S-GAMES!
Nội dung tóm tắt
Những điểm mạnh của Thần Trùng
Thế mạnh lớn nhất của Thần Trùng với game thủ Việt không gì khác ngoài sự quen thuộc của nó. Trong khi những tựa game kinh dị đến từ Đài Loan, Trung Quốc những năm gần đây đem lại cho game thủ Việt cảm giác gần gũi nhờ bối cảnh Á Đông, chúng vẫn không phải là “hàng Việt” và không thực sự khiến game thủ Việt có được sự liên tưởng đến thế giới quanh mình. Thần Trùng lại khác – nó bao phủ game thủ trong những yếu tố Việt Nam, từ vết sơn “khoan cắt bê tông” trên tường đến hình dáng của bàn thờ, hay bản nhạc nền và thực sự khiến người chơi có cảm giác về một câu chuyện gần gũi hơn những gì mà bất kỳ một trò chơi nào khác có thể làm được.
Câu chuyện của game cũng khởi đầu một cách khá quen thuộc, khi nhân vật chính của chúng ta đi tìm một căn nhà trọ trong hẻm sâu, nhưng liên tục nhận được những người cảnh báo của người xung quanh về những điều kỳ lạ đã diễn ra ở đó. Nhưng đúng với phong cách của một nhân vật chính trong game kinh dị, anh chàng phớt lờ mọi điều kỳ quái đã diễn ra với mình – bao gồm cả những ảo giác đáng sợ, để bước vào trong cánh cổng sắt thay vì móc điện thoại gọi xe ôm áo xanh bỏ đi như một con người bình thường. Câu chuyện của game sẽ diễn ra từ đây, với hàng loạt hình ảnh ma quái, nhiều tình tiết kinh dị và một vài pha hù dọa có thể khiến game thủ yếu bóng vía “đứng tim”.
Sự thành công của một tựa game kinh dị không thể tách rời khỏi các hiệu ứng âm thanh của nó, và Sforum tin rằng game đã làm khá tốt phần này. Những tiếng động cót két phát ra từ những cánh cửa hay tiếng lộc cộc của những cái quan tài, tiếng khóc văng vẳng từ xa và bài nhạc nền đều được sử dụng hợp lý và tạo nên một bầu không khí đáng sợ, nhắc nhở cho game thủ nhớ rằng mình đang bị bao phủ trong những hiện tượng siêu nhiên.
Nhiều nhược điểm rõ ràng
Thời lượng của Thần Trùng thực sự ngắn – một game thủ có thể hoàn tất game và khám phá cả ba kết cục của nó chỉ sau khoảng 3 giờ, ngay cả khi dành thời gian lùng sục mọi ngóc ngách và… nghỉ xả hơi sau các pha hù dọa của nó. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề lớn bởi giá game cũng rất rẻ, chỉ 75,000 đồng và hoàn toàn nằm trong tầm tay của đại đa số game thủ Việt.
Bên cạnh thời lượng ngắn ngủi, Thần Trùng còn có những vấn đề khác không thể không nhắc tới. Trò chơi có số lượng bug khá lớn – điều mà những ai đã chơi thử game đều có thể cảm nhận được. Ngay trong vài phút đầu tiên, game thủ đã được giới thiệu với lỗi game khi nó crash lúc tương tác với một chú quạ. Những lỗi này xuất hiện rải rác trong quá trình chơi, tuy nhiên DUT Studio đã cố gắng khắc phục vấn đề này bằng một số bản hotfix khác nhau, nên có thể trải nghiệm của bạn sẽ khác biệt so với những gì tác giả gặp phải. Việc menu cài đặt không có mặt khi bạn bấm Esc cũng là một quyết định khá khó hiểu của DUT Studio.
Nếu như lỗi game có thể được khắc phục thì vấn đề gameplay của trò chơi có lẽ không thể thay đổi được, và game thủ sẽ phải “sống chung với lũ. Ví dụ cụ thể nhất là tốc độ di chuyển của nhân vật chậm hơn mức cần thiết, có cảm giác hơi cứng và chập chững khiến nhịp độ game chậm lại và trải nghiệm của người chơi không thực sự được suôn sẻ. Nói vui, nếu nhân vật có thể đi với tốc độ bình thường thì hẳn game thủ sẽ “phá đảo” trò chơi sớm hơn nửa tiếng là ít!
Các pha hù dọa và phần lồng tiếng cũng không thể được coi là điểm sáng của trò chơi. Trong khi mảng lồng tiếng có thể thông cảm được do vấn đề kinh phí (dù nó thực sự ảnh hưởng đến khả năng “nhập tâm” của game thủ), các pha hù dọa của trò chơi có vẻ thiếu sáng tạo và chủ yếu dựa dẫm vào các màn jumpscare cùng tiếng gào khủng khiếp, điều hơi trái ngược với những yếu tố tâm linh và bầu không khí âm trầm mà Thần Trùng cố gắng tạo ra.
Lời kết
Như vậy, Thần Trùng có phải là một tựa game đáng chơi hay không? Câu trả lời của Sforum là đáng, nhưng bạn cần phải có sự kiên nhẫn, một đôi kính hồng để nhìn nhận trò chơi một cách vị tha, sẵn sàng bỏ qua những vấn đề nổi cộm mà nó mắc phải để ủng hộ cho một tựa game Việt. Nếu không thể làm được điều này, chắc chắn game thủ sẽ cảm thấy khá bất mãn với những thiếu sót về hình ảnh, âm thanh đến cách chơi mà tựa game của DUT Studio thể hiện một cách rõ ràng ngay trước mắt mình. Nhưng biết đâu sau phiên bản này, chúng ta sẽ có một Thần Trùng 2 hấp dẫn hơn, được phát triển với kinh phí cao hơn và thực sự làm hài lòng đông đảo fan kinh dị Việt?
Thần Trùng hiện được bán trên Steam với giá 75,000 đồng. Game thủ cần một PC có cấu hình tối thiểu như sau để chơi game:
- Hệ điều hành: Windows 7 SP1+ x64
- CPU: Intel/Amd
- RAM: 4 GB
- Card đồ họa: Nvidia/Amd
- DirectX: 11
- Dung lượng ổ cứng: 8 GB
Danh sách PC Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS