Site icon redbattleflyer.com

Facebook: Hành trình từ startup ra đời trong phòng ký túc xá Harvard đến “gã khổng lồ tỷ dân” đang đối mặt nguy cơ hết thời

Facebook hiện là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới. Tính đến tháng 4/2022, Facebook có hơn 2,9 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Có thể nói, đây là một trong những câu chuyện thành công nổi tiếng và điển hình tại Thung lũng Silicon: Ý tưởng đơn giản của nhà sáng lập, khởi nghiệp từ nơi rất bình thường là phòng ký túc xá đại học và sau đó phát triển thành gã khổng lồ công nghệ hàng đầu thế giới.

 Facebook: Hành trình từ startup ra đời trong phòng ký túc xá Harvard đến gã khổng lồ tỷ dân đang đối mặt nguy cơ hết thời - Ảnh 1.

Facebook ra mắt vào ngày 4/2/2004 do Mark Zuckerberg và một vài người bạn đại học đồng sáng lập. Thời điểm đó, Zuckerberg đang là sinh viên năm 2 tại Harvard. Một lần, anh nảy ra mong muốn xây dựng công cụ để mọi người có thể tìm hiểu và hiểu rõ nhau hơn trên mạng.

Từ đó, Zuckerberg bắt tay vào xây dựng một trang web làm nơi giao tiếp của sinh viên Harvard. Thậm chí, ban đầu, anh còn “hack” vào cơ sở dữ liệu của ban quản trị ký túc xá và đăng hình ảnh của các bạn học lên đó để mọi người bình chọn xem bức ảnh nào “hot” hơn.

Chỉ trong 4 tiếng từ khi được lập ra, trang này đã có 22.000 lượt xem từ 450 người dùng. Tuy nhiên, vài ngày sau, ban giám hiệu nhà trường yêu cầu gỡ bỏ trang này vì lý do bảo mật thông tin cá nhân.

Sau đó, Zuckerberg cùng 3 người bạn là Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes thành lập mạng xã hội giữa các sinh viên Harvard mang tên “FaceMash”, tiền thân của Facebook ngày nay. Có thể nói, FaceMash đã thể hiện khái niệm sơ khai nhất của Facebook – nơi mọi người có thể tìm thấy nhau trên mạng.

Chỉ trong vòng 1 tháng từ khi ra mắt, một nửa sinh viên Harvard đã trở thành thành viên của Facebook. Nhận thấy tiềm năng của Facebook, Mark Zuckerberg quyết định bỏ học để tập trung phát triển kinh doanh.

Công ty rời căn phòng ký túc xá để chuyển đến một văn phòng nhỏ ở Palo Alto, California. Đến tháng 5/2005, họ nhận được tổng cộng 14 triệu USD tiền tài trợ.

Sự giàu có của Mark Zuckerberg tăng lên nhanh chóng nhờ sự phát triển như vũ bão của Facebook. Năm 2008, lần đầu tiên anh góp mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes với tài sản ròng trị giá 1,5 tỷ USD. Thời điểm đó, anh là người trẻ tuổi nhất trong 1.125 tỷ phú của danh sách.

Cùng năm đó, Facebook giải quyết một vụ kiện với những bạn học cũ của Mark Zuckerberg là Cameron Winklevoss, Tyler Winklevoss và Divya Narendra. Họ cáo buộc rằng Mark đã đánh cắp ý tưởng của họ từ nền tảng truyền thông xã hội Connect U. Sau đó, theo thỏa thuận giữa hai bên, họ nhận được 1,2 triệu cổ phiếu Facebook.

Năm 2012, Facebook lần đầu phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York. Ở thời điểm đó, đây là thương vụ IPO công nghệ lớn nhất trong lịch sử. Trong vài năm tiếp theo, Mark Zuckerberg đã thực hiện một số thương vụ mua lại đáng chú ý như mua Instagram với giá 1 tỷ USD năm 2012 và WhatsApp với giá 19 tỷ USD năm 2014. Facebook cũng mua lại công ty VR Oculus vào tháng 3/2014 với giá 2 tỷ USD.

Đến cuối năm 2014, giá trị tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã lên tới 30 tỷ USD. Một giai đoạn mới trong sự nghiệp của Mark Zuckerberg bắt đầu từ năm 2015 khi anh và vợ Priscilla Chan ra mắt Chan Zuckerberg Initiative. Cặp đôi cam kết sẽ trao 99% giá trị cổ phiếu Facebook của họ cho quỹ này để “nâng cao tiềm năng của con người và thúc đẩy bình đẳng”.

Năm 2017, Facebook bị kiểm tra gắt gao vì vai trò của họ trong việc lan truyền tin tức không chính xác và thông tin sai lệch trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Scandal tiếp tục bủa vây Facebook khi năm 2018, công ty tư vấn Cambridge Analytica của Anh bị phát hiện là đã thu thập dữ liệu cá nhân của 87 triệu người dùng Facebook để gây ảnh hưởng đến ý kiến cử tri trong cuộc bầu cử.

Tháng 11/2018, khả năng lãnh đạo của Mark Zuckerberg lại một lần nữa bị đặt nghi vấn khi một báo cáo của New York Times cho biết Facebook biết về những nỗ lực của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016 nhưng một năm sau mới cung cấp thông tin về việc này.

Giai đoạn cuối năm 2018, giá trị tài sản ròng của Mark Zuckerberg đã chạm mức thấp nhất trong 3 năm là 49,4 tỷ USD. Tuy nhiên, sau đó, công ty vẫn “sống khỏe” nhờ lượng người dùng vẫn tăng.

Facebook đã tung ra nhiều dự án và sản phẩm nhằm thu hút người dùng cũng như đa dạng hóa doanh thu. Mặc dù vậy, các nỗ lực không phải lúc nào cũng được người dùng đón nhận. Năm ngoái, Instagram for Kids (Instagram cho trẻ dưới 13 tuổi), đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trước khi được phát hành.

Thậm chí, chưởng lý của 40 bang ở Mỹ đã yêu cầu Zuckerberg từ bỏ kế hoạch ra mắt ứng dụng này với lý do thanh thiếu niên Mỹ “chưa được trang bị đầy đủ để vượt qua những thách thức khi có một tài khoản mạng xã hội”.

Tiền mã hóa Diem (trước đây là Libra) cũng vấp phải làn sóng phản đối khi được công bố năm 2019. Thời điểm đó, nó dự kiến được hậu thuẫn bởi hàng loạt doanh nghiệp quốc tế, mở rộng khả năng kết nối của Facebook với thị trường tiền kỹ thuật số.

Tuy nhiên tháng 2 năm nay, tổ chức quản lý dự án tiền số Diem đã tuyên bố sẽ ngừng hoạt động. Quyền sở hữu trí tuệ và những tài sản liên quan đến dự án sẽ được bán cho Silvergate Capital với giá 182 triệu USD.

Một khó khăn khác mà Facebook gặp phải là những thay đổi đối với điều khoản dịch vụ của WhatsApp, vốn được thiết kế để giúp Facebook biến ứng dụng nhắn tin này thành nền tảng thương mại điện tử. Kế hoạch của Facebook đã bị phản ứng dữ dội trong nhiều tháng, khiến hàng loạt người dùng chuyển sang dùng các nền tảng nhắn tin khác như Signal và Telegram.

Với một doanh nghiệp hoạt động với phương châm “chuyển động nhanh” như Facebook, tất cả những phản hồi tiêu cực trên còn hơn cả bất tiện. Thật khó để phát triển nếu mỗi lần công bố sản phẩm mới, người dùng không những không hào hứng mà còn cảnh giác và phản đối.

Khi là một mạng lưới các nền tảng với tổng cộng 3,45 tỷ người dùng và rất nhiều người dùng quan trọng không muốn tiếp nhận sản phẩm hiện có hoặc sắp ra mắt, Facebook sẽ phải đối mặt với vấn đề mang tính “diệt vong”.

Các nhà chức trách có thể cấm công ty này mua lại công ty khác, doanh nghiệp lớn thường tạm dừng hoạt động mua bán sáp nhập khi đang bị giám sát. Tuy nhiên, một hãng công nghệ không thể ngừng tung ra sản phẩm mới. Trong thị trường công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, điều đó không khác gì nhận “án tử”.

Bên cạnh đó, chính sách mới về quyền riêng tư trên iOS cũng là vấn đề khiến Facebook đau đầu bởi nó hạn chế đáng kể khả năng quảng cáo của họ với người dùng iPhone. Một thống kê vào năm ngoái cho thấy có tới 96% người dùng tại Mỹ đã “cấm” Facebook theo dõi hoạt động của họ để phục vụ mục tiêu quảng cáo.

Có thể nói, Facebook đã xây dựng một trong những cỗ máy kiếm tiền khủng khiếp nhất mà thế giới từng thấy. Nhưng rồi, Apple xuất hiện và chèn ngay một chiếc cờ lê vào các bánh răng của cỗ máy đó.

Đó là một trong những nhận định về tình hình của Facebook vào tháng 2 vừa qua, khi công ty mẹ của Facebook là Meta công bố bản báo cáo thu nhập đáng báo động. Ngay lập tức, vốn hóa của gã khổng lồ mạng xã hội bốc hơi 250 tỷ USD chỉ trong 1 ngày – cú giảm giá trị tới 26%.

Facebook cho biết việc Apple thay đổi cách quảng cáo hoạt động trên ứng dụng iOS – cụ thể là giờ đây các nhà sản xuất ứng dụng và nhà quảng cáo gặp khó khăn hơn trong việc theo dõi hành vi người dùng, sẽ khiến Facebook mất tới 10 tỷ USD doanh thu trong năm nay.

Dù vậy, Facebook vẫn đang kiếm được khoản tiền khổng lồ từ quảng cáo. Dự báo, họ sẽ thu về 129 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong năm nay. Nhưng điều đó có nghĩa là hoạt động kinh doanh quảng cáo của Facebook sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 12% so với mức 36% của năm trước.

Một vấn đề khác có lẽ cũng đang khiến Facebook quan ngại là việc người dùng trẻ đang có xu hướng rời bỏ nền tảng. Trong quý IV/2021, có hơn nửa triệu người dùng rời bỏ Facebook. Đây là quý đầu tiên họ gặp phải tình trạng này.

Mức giảm trên tuy không quá khổng lồ nhưng nó được coi là dấu hiệu cho thấy có vẻ như Facebook đã phát triển đến mức bão hòa trên toàn cầu, số lượng người dùng đã đạt “đỉnh” và không thể tăng thêm được nữa.

Thế hệ người dùng gắn bó với Facebook từ những ngày đầu giờ đây đã ở độ tuổi ngoài 30. Việc kém hấp dẫn với người trẻ là dấu hiệu không mấy tốt lành với một nền tảng luôn muốn tăng trưởng như Facebook.

Theo tờ Economist, giờ đây một bộ phận giới trẻ coi Facebook như một nền tảng dành cho lứa tuổi trung niên. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư cũng lo ngại Facebook đã trở nên quá lỗi thời.

Tờ báo này nhận định Zuckerberg đã chuyển hướng từ việc vực dậy Facebook sang phát triển công nghệ đa lĩnh vực, từ metaverse, bộ kính VR đến đồng hồ thông minh. Trong buổi báo cáo tài chính mới nhất, công ty hứa hẹn sẽ đầu tư hơn nữa vào những dịch vụ giúp các doanh nghiệp dễ dàng liên hệ với khách hàng thông qua quảng cáo.

Exit mobile version