Site icon redbattleflyer.com

Marvel mất khách vì… “mất não”!

Nửa đầu 2022, Marvel Studios đã tung hai tác phẩm siêu anh hùng ra rạp là Doctor Strange in the Multiverse of Madness Thor: Love and Thunder với phong thái hoàn toàn đối lập. Doctor Strange (Benedict Cumberbatch) thuộc nhóm trí thức tinh hoa với những chiêm nghiệm sâu xa về nhân sinh, cuộc đời còn Thor ( Chris Hemsworth ) hào sảng, hướng ngoại và thiên về hành động.

Khán giả không tránh khỏi việc ưa thích một tác phẩm này hơn cái còn lại hay yêu mến một siêu anh hùng này hơn người kia. Một cách tương đối, sự ưu ái ấy có thể đọc được qua doanh thu phim. Trong dịp cuối tuần đầu tiên, Doctor Strange in the Multiverse of Madness thu 450 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Phát hành sau đó hai tháng, Thor: Love and Thunder kiếm về 290 triệu USD từ phòng vé trên toàn thế giới.

Marvel mất khách vì... mất não! - Ảnh 1.

Doanh thu khởi chiếu chỉ bằng 64% Multiverse of Madness của Thor: Love and Thunder cho thấy sự lép vế của Thần Sấm trước phù thuỷ tối thượng trong sứ mệnh lấy lòng khán giả. Sự chênh lệch gây ra một phần bởi Multiverse of Madness là cột mốc quan trọng xây nên đa vũ trụ Marvel trong khi Love and Thunder giống như một đoạn quảng cáo vui nhộn trước khi những diễn biến nghiêm trọng sắp xảy ra. Mặt khác, khán giả đang dần khắt khe hơn với những siêu anh hùng thuần tuý bông phèng.

Bộ phim đắt đỏ thứ năm Marvel Studios từng sản xuất

Tính đến ngày 14/7, tròn một tuần kể từ thời điểm có những suất chiếu sớm đầu tiên, doanh thu của Thor: Love and Thunder được thống kê trên trang Box Office Mojo là 329,2 triệu USD từ phòng vé toàn cầu. Với thành tích này, chuyến phiêu lưu riêng thứ tư của nhân vật Thần Sấm đã đặt được một chân vào danh sách 10 phim điện ảnh ăn khách nhất 2022.

Hồi đầu tuần, Variety đã tiết lộ mức kinh phí đầu tư mà Marvel Studios đổ vào dự án Thor: Love and Thunder. Chuyến du hành vũ trụ dưới bàn tay nhào nặn của đạo diễn Taika Waititi tốn 250 triệu USD để thành hình. Con số cao hơn phần lớn các tác phẩm siêu anh hùng mà hãng từng sản xuất và chỉ đứng sau Avengers: Endgame (2019), Avengers: Infinity War (2018), Avegners: Age of Ultron (2015) và Captain America: Civil War (2016) – những bộ phim có sự xuất hiện của nhiều hơn một thành viên chủ chốt trong biệt đội Avengers.

Thor: Love and Thunder đưa khán giả quay trở lại với chuyện tình của Thần Sấm và nữ khoa học gia Jane Foster. Natalie Portman gây ấn tượng mạnh với tạo hình Mighty Thor. Ảnh: Disney

Thor: Love and Thunder chỉ có sự xuất hiện của một gương mặt duy nhất thuộc biệt đội Avengers là Thor (Chris Hemsworth). Nội dung tác phẩm cũng gói gọn trong những chuyến phiêu lưu bên lề, nặng tính cá nhân của Thần Sấm mà ít tiếp sức cho mạch truyện lớn xoay quanh đa vũ trụ Marvel trong Kỷ nguyên IV. Quyết định đầu tư đến ¼ tỷ USD cho Thor: Love and Thunder cho thấy Marvel Studios đang dành nhiều ưu ái cho vị siêu anh hùng.

Kỳ vọng của Marvel Studios vào Thor là hoàn toàn có cơ sở khi Thor: Ragnarok thu về gần 854 triệu USD từ phòng vé toàn cầu trên kinh phí đầu tư ước tính chỉ 180 triệu USD (cao gấp 4,7 lần) và nhận nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình và khán giả, được xem như tác phẩm mang đến cho Thor cuộc đời thứ hai trên màn ảnh. Sau Ragnarok, phiên bản Thần Sấm này tiếp tục được phát triển trong hai phần Avengers và nhận nhiều thiện cảm từ khán giả.

Với mức kinh phí đầu tư lên đến 250 triệu USD, điểm hoà vốn của Thor: Love and Thunder giao động trong khoảng 650 triệu USD. Tuy nhiên, với việc hệ thống rạp chiếu phim trên toàn thế giới đã phục hồi sau đại dịch, và Doctor Strange in the Multiverse of Madness vừa kiếm đến 954 triệu USD hồi đầu hè, đây chưa bao giờ là nỗi lo ngại của Marvel Studios. Câu hỏi đặt ra cho họ lúc này là liệu Thor: Love and Thunder có thể gia nhập nhóm phim có doanh thu trên 1 tỷ USD của MCU hay không.

Mất khách vì… mất não

Sau một tuần phát hành, số điểm của Thor: Love and Thunder trên chuyên trang chấm điểm phim Rotten Tomatoes đã quay đầu giảm. Trong nhóm các cây bút phê bình, tỷ lệ phản hồi tích cực về phim đã tụt xuống còn 67% so với mốc 72% tại thời điểm mới phát hành. Trong mắt giới phê bình, Thor: Love and Thunder đang bị xếp chung mâm với Thor (2011) và Thor: The Dark World (2013) – hay nhóm phim gây thất vọng nhất đến từ vũ trụ siêu anh hùng.

Đây cũng là bước thụt lùi cho thương hiệu phim riêng về Thần Sấm, nhất là khi Thor: Ragnarok từng nhận đến 93% phản hồi tích cực và lọt top tác phẩm được đánh giá cao nhất của MCU. Không chỉ riêng giới phê bình, tỷ lệ phản hồi tích cực của khán giả dành cho Thor: Love and Thunder cũng giảm nhẹ so với Thor: Ragnarok, chỉ còn 80% so với 87%.

Hoàng tử Asgard giờ giống như công chúa Lọ Lem sau 12 giờ đêm, phải trở về với hiện tại u tối. Taika Waititi từng là tiên đỡ đầu, làm nên điều kỳ diệu cho Thần Sấm, nhưng giờ phép thuật ấy đã ít nhiều phai nhạt.

Sự tụt hạng của Thầm Sấm chỉ sau một phần phim khiến khán giả không khỏi băn khoăn vì đâu. Đáp án cho câu hỏi ấy dường như đã nằm trong những hình ảnh quảng bá ngồn ngộn chi tiết, loè loẹt màu sắc của Thor: Love and Thunder. Còn nhớ, thời điểm tấm poster chính thức của bộ phim được tung ra, trên Internet, khán giả đã nhìn nhau hoang mang “đây là đồ thật hả?”.

Ngay cả tên gọi bộ phim, với phần mở rộng “tình yêu và sấm sét”, cũng nhiều phần sến sẩm, lạc quẻ so với mô-típ đặt tên đao to búa lớn của MCU thời gian qua với những “trận chiến vô cực”, “hồi kết”, “huyền thoại Thập Luân” hay mới đây nhất là “đa vũ trụ hỗn loạn”. Tóm lại, trước phần phim riêng thứ tư về Thor ra rạp, khán giả đã được “cảnh báo nội dung” đây sẽ là chuyến hành trình phóng khoáng, hài hước và bông phèng theo đúng tinh thần các tác phẩm của Taika Watititi hay phần phim Ragnarok từng mang lại.

Chuyến phiêu lưu mới của Thor có hài hước, có bất ngờ nhưng cũng không thiếu sự rườm rà, sến sẩm. Phim đã để tiếng cười lấn át tiếng lòng của các nhân vật. Ảnh: Marvel Studios

Tuy nhiên, sẽ hữu ích hơn với khán giả nếu ngay từ đầu Thor: Love and Thunder được gắn nhãn là một bộ phim siêu anh hùng “mất não”. Phim hài hước không? Có. Vui không? Chắc chắn. Vậy còn nội dung? Không đọng lại gì mấy. Chia sẻ với báo chí, Taika Waititi từng nói chủ đề chính của Thor: Love and Thunder là cuộc khủng hoảng tuổi trung niên khi các nhân vật phải đấu tranh để tìm ra mục đích mới trong cuộc đời.

Hình ảnh Thor – chàng hoàng tử Asgard thâm trầm sâu sắc, gánh trên mình biết bao trọng trách nặng nề – từng bị chê là mờ nhạt. Nhưng phiên bản Thor võ biền, chân tay đi trước đầu óc và đôi khi cư xử như thể vừa từ trên trời rơi xuống trong Love and Thunder cũng khó nhận được sự đồng tình của khán giả.

Sự thả lỏng hoàn toàn biến Thor thành một gã lang thang nay đây mai đó, lấy việc đánh quái làm vui. Nhân vật cũng tỏ ra mình không giỏi trong việc nắm bắt tình hình, chớp thời cơ trong các tình huống ngặt nghèo. Trong chuyến phiêu lưu riêng thứ tư, Thor lấy lại được vẻ uy dũng, nhưng cũng mất đi một phần sáng suốt.

Không rõ trong tương lai, khi bị kéo vào cuộc chiến đa vũ trụ, hình tượng vị siêu anh hùng có phải tiếp tục thay đổi một lần nữa để đuổi kịp và tiếp thu khối kiến thức đồ sộ mà Doctor Strange đã tích luỹ được hay không. Trước mắt, với Thor: Love and Thunder, biểu hiện của vị siêu anh hùng đang khiến cho người xem cảm giác anh và những kiến thức uyên thâm ấy không thuộc về nhau.

Khán giả thích một phiên bản Thần Sấm trẻ trung và vui nhộn, nhưng họ không muốn một siêu anh hùng tóc vàng hoe. Trong mắt nhiều nhà làm phim danh tiếng, và cả một bộ phận khán giả, phim siêu anh hùng Marvel chỉ được làm ra cốt để mua vui kiếm tiền. Thor và Thor: Love and Thunder, đáng buồn lại đang đúng với mô tả trên. Bộ phim gây hụt hẫng vì thiếu chiều sâu, đưa lên màn ảnh một dàn nhân vật giàu tiềm năng nhưng lại không khai thác được đến nơi đến chốn.

Nguồn ảnh: Disney, Marvel Studios

https://kenh14.vn/marvel-mat-khach-vi-mat-nao-20220714161643714.chn

Exit mobile version