Site icon redbattleflyer.com

Mỹ nhân “tình một đêm” của Lưu Bang không ngờ sinh được hoàng đế nổi tiếng của nhà Hán

Lưu Bang là vị hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Hán. Xuất thân từ giai cấp nông dân, Lưu Bang được đánh giá là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trong cuộc đời lẫy lừng của mình, Hán Cao Tổ Lưu Bang có không ít mỹ nhân . Tuy nhiên, mỹ nhân từng được coi là “vô hình” trong hậu cung nhưng có thể sinh ra “thiên tử” lại chỉ có một. Đó chính là Bạc Cơ (? – 155 TCN). Bạc Cơ còn được gọi là Bạc phu nhân, một trong những người thiếp của Lưu Bang. Bà chính là sinh mẫu của Hán Văn Đế Lưu Hằng, vị hoàng đế thứ 5 của nhà Hán.

Mỹ nhân “vô hình” trở thành sinh mẫu của hoàng đế

Mỹ nhân tình một đêm của Lưu Bang không ngờ sinh được hoàng đế nổi tiếng của nhà Hán - Ảnh 1.

Bạc Cơ tuy có nhan sắc nhưng lại không được Lưu Bang sủng ái.

Trước khi là thiếp của Lưu Bang, Bạc Cơ là phi tử của Ngụy vương Báo. Bạc Cơ từng được một thầy bói phán rằng sau này sẽ sinh ra “thiên tử”. Sau khi biết tin, Ngụy vương Báo quyết định không giao tranh với Lưu Bang. Kết quả, Ngụy vương Báo bị Lưu Bang tiêu diệt. Sau đó, Lưu Bang nạp Bạc Cơ làm thiếp.

Tuy có nhan sắc nhưng Bạc Cơ không được ân sủng, gần như là người “vô hình” trong hậu cung của Lưu Bang.

Trong khi đó, có 2 người thiếp của Ngụy vương Báo cùng nhập cung với Bạc Cơ là Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi lại được sủng hạnh. Cả ba trước đó từng có hẹn ước rằng ai có được sủng hạnh thì sẽ không quên những người còn lại. Nhưng hai người này đã bỏ mặc Bạc Cơ.

Đến năm thứ 4, tức năm 203 TCN, khi Hán Cao Tổ ở Cao Linh đài, Quản phu nhân và Triệu Tử Nhi đi theo hầu hạ. Cả hai trò chuyện và giễu cợt về lời ước hẹn khi xưa với Bạc Cơ.

Sau khi biết chuyện, Lưu Bang cảm thấy thương xót nên mới sủng hạnh Bạc Cơ một đêm.

Hán Cao Tổ Lưu Bang nghe thế nên bèn hỏi rõ sự tính. Biết chuyện và cảm thấy thương xót nên tối hôm đó, Lưu Bang đã cho gọi Bạc Cơ đến sủng hạnh. Vào đêm đó, Bạc Cơ đã nhỏ to với Lưu Bang rằng: “Đêm qua, thần thiếp có một giấc mơ kỳ lạ. Thiếp mơ thấy có một con thương long ở trên bụng”. Lưu Bang nghe xong liền cười lớn và cho rằng đây là điềm lành hiển quý.

Thật không ngờ sau đêm đó, Bạc Cơ có thai và sau đó sinh ra Lưu Hằng, vị hoàng tử thứ 4 của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

Đến năm 196 TCN, sau khi bình định xong quân làm phản ở nước Đại phía Bắc, Hán Cao Tổ Lưu Bang đã lập Lưu Hằng (khi đó mới 6 tuổi) làm Đại vương, đóng đô ở Tấn Dương.

Mỹ nhân trở thành Thái hoàng Thái hậu đầu tiên

Một năm sau (năm 195 TCN), Hán Cao Tổ qua đời, Thái tử Doanh, con của Lã hậu, lên ngôi hoàng đế, tức Hán Huệ đế. Lúc bấy giờ, đại quyền của nhà Hán đều nằm trong tay của Lã Thái hậu.

Lã Thái hậu đã ra tay chèn ép những vị phi tần từng được Lưu Bang sủng ái. Đặc biệt là Thích phu nhân đã bị Lã Hậu ra lệnh giết chết rất tàn bạo. Ngoài ra, vị thái hậu này còn bức hại nhiều vị hoàng tử là con trai của Lưu Bang.

Lúc bấy giờ, vì muốn tránh khỏi mâu thuẫn nên Bạc Cơ đã cầu xin được ra khỏi cung để về đất phong cùng với con trai Lưu Hằng. Do chưa từng làm mất lòng nên Lã Thái hậu đã đồng ý để cho Bạc Cơ đi tới nước Đại với con. Bạc Cơ nhờ vậy mà được xuất cung, sống yên ổn, trở thành Đại Vương Thái hậu và được sống bên con trai.

Sau khi Lã Thái hậu qua đời vào năm 180 TCN, các vị quan trong triều cũng đã lật đổ sự thống trị của gia tộc họ Lã. Sau đó, họ bàn bạc về việc đưa người con nào của Hán Cao Tổ Lưu Bang lên ngôi. Sau khi suy xét, họ thấy rằng Lưu Hằng, người con trai duy nhất của Bạc Cơ là người phù hợp nhất để kế vị.

Lưu Hằng lên ngôi hoàng đế và tôn mẹ mình làm Hoàng Thái hậu.

Cùng năm đó, Lưu Hằng lên ngôi hoàng đế khi mới 23 tuổi, sử gọi là Hán Văn đế. Bạc Cơ nhờ vậy cùng được tôn làm Hoàng Thái hậu.

Đến lúc này, lời phán năm xưa cho rằng Bạc Cơ sinh được “thiên tử” cuối cùng cũng trở thành sự thật. Hán Văn Đế được sử sách đánh giá là một vị minh quân khi có thể thiết lập và cai trị nhà Hán trở nên thái bình thịnh trị. Thời gian ông cùng con trai là Hán Cảnh Đế Lưu Khải cai trị được xưng là “Văn Cảnh chi trị”.

Lưu Hằng nổi tiếng là người con hiếu thảo với Bạc Thái hậu. Tương truyền, khi mẹ ốm, mỗi lần uống thuốc, ông đều tự nếm trước rồi mới đưa cho mẹ.

Hán Văn đế Lưu Hằng rất hiếu thuận với Bạc Thái hậu. Thậm chí trước khi qua đời, ông còn căn dặn Đậu Hoàng hậu cùng các con phải hiếu thuận với Bạc Thái hậu.

Sau khi Hán Văn đế qua đời vào năm 157 TCN, Thái tử Lưu Khải lên ngôi, lấy hiệu là Hán Cảnh Đế. Ông đã tôn phong cho Bạc Cơ là Thái Hoàng Thái hậu. Bà cũng chính là người đầu tiên được phong làm Thái Hoàng Thái hậu trong lịch sử của Trung Quốc.

Hai năm sau (năm 155 TCN), Bạc Cơ qua đời và được an táng trong Bạc lăng, lăng mộ nằm ở phía Nam của Bá lăng, nơi con trai bà là Hán Văn đế yên nghỉ.

Đến thời Hán Quang Vũ đế Lưu Tú, Bạc Cơ đã được truy tôn làm Cao Hoàng hậu và sau đó được hợp táng cùng Hán Cao Tổ ở trong Trường lăng.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu

https://soha.vn/my-nhan-tinh-mot-dem-cua-luu-bang-khong-ngo-sinh-duoc-hoang-de-noi-tieng-cua-nha-han-20220424142220976.htm

Exit mobile version