Site icon redbattleflyer.com

Nữ hoàng cướp biển khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc

Vợ của cướp biển

Zheng Yi Sao tên thật là Shi Yang, sinh năm 1775, trong một gia đình nghèo tại cảng Phong Thành, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 16 tuổi, bà theo chân nhiều người phụ nữ trong làng hành nghề mại dâm trên một con tàu cũ cải tạo thành nhà thổ.

Năm 1802, Shi Yang kết hôn với Zheng Yi – một trong những thủ lĩnh cướp biển đáng gờm nhất lúc bấy giờ. Một năm sau, anh trai của Zheng Yi qua đời, ông liền tiếp quản hạm đội do anh trai quản lý và sáp nhập vào đội tàu của mình. Khi đó, ông Zheng chỉ huy lực lượng gồm 6 hạm đội, mỗi hạm đội có 80 – 100 tàu.

Để phân biệt, Zheng Yi đặt tên cho đội tàu của mình cũng là soái hạm chỉ huy là Hạm đội Cờ đen. 5 đội tàu còn lại lần lượt là Hạm đội Cờ đỏ, Hạm đội Cờ vàng, Hạm đội Cờ xanh, Hạm đội Cờ trắng… Mỗi hạm đội chọn ra một vị chỉ huy hoạt động trong khu vực được phân công trên vùng biển Trung Quốc.

Nữ hoàng cướp biển khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc - Ảnh 1.

Ước tính, Zheng Yi quản lý hơn 40 nghìn người. Quyền lực của ông ở biển ngang với một quan chức trong bộ máy chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ

Là một tên cướp biển quyết đoán, có tài lãnh đạo, sở dĩ Zheng Yi chấp nhận kết hôn với Shi Yang bởi bà nổi tiếng là người thông minh, khôn ngoan. Khi còn là gái mại dâm, Shi Yang đã học lỏm các bí quyết, thủ đoạn kinh doanh của khách hàng và mở rộng quan hệ từ doanh nhân đến quan chức địa phương. Zheng Yi hi vọng Shi Yang có thể cộng tác với mình và bành trướng quyền lực.

Không ngoài sự kỳ vọng của Zheng Yi, Shi Yang đã cùng chồng tham gia các cuộc tranh giành ngoài biển khơi và nhanh chóng nổi tiếng là một nữ tướng liều lĩnh, can đảm. Mục tiêu của họ là những con tàu thương buôn mang theo hàng hoá đắt tiền như vàng, bạc, lụa, gia vị, đồ sứ Trung Quốc, trà và bông. Những vật phẩm này sau đó được bán cho các thương gia trên đất liền.

Trong trường hợp tấn công tàu nước ngoài, họ sẽ bắt giữ các thuỷ thủ đoàn và đòi tiền chuộc. Các thị trấn, thôn bản ven biển cũng bị tấn công hoặc bị cướp và bị ép phải cống nạp đồ vật quý hiếm hoặc tiền bạc để các cướp biển “bảo kê”.

Nhận thấy sự ô hợp của đám cướp biển, Shi đặt ra 6 điều kỷ luật: “Bất cứ ai không tuân lệnh cấp trên sẽ bị xử tử ngay lập tức. Ăn cắp tài sản chung hoặc ăn cắp của những người dân ủng hộ hạm đội cũng bị xử tử. Không được phép giấu giếm vàng bạc cướp được mà phải nộp cho chỉ huy. 20% chiến lợi phẩm sẽ được thưởng riêng cho người tìm thấy, số còn lại cất vào công quỹ...”.

Tháng 11/1807, chiếc soái hạm của Hạm đội Cờ đen đi vào vùng nguy hiểm của bão. Zheng Yi, lúc đó đứng trên boong tàu, bị gió quật ngã và qua đời vì chấn thương sọ não. Sau cái chết của Zheng Yi, Shi Yao cần sự trung thành của các thành viên hơn tất thảy. Dù có năng lực và kinh nghiệm, vị trí của Shi Yao rất dễ bị lung lay.

Shi Yao đã lôi kéo sự hậu thuẫn của Zheng Baoyang, cháu ruột của Zheng Yi và Zheng Anbang, con ruột của Zheng Qi để lên nắm quyền chỉ huy soái hạm. Sau đó, Shi Yao thuyết phục Guo Podai, chỉ huy Hạm đội Cờ trắng và Zhang Bao, chỉ huy Hạm đội Cờ đỏ ủng hộ mình vì đây là hai lực lượng mạnh nhất trong đội quân cướp biển của Zheng Yi. Sau khi lên nắm quyền, Shi Yao đổi tên thành Zheng Yi Sao, có nghĩa là “vợ của Zheng Yi”.

Zheng Yi Sao dẫn đầu Hạm đội Cờ đen.

Thâu tóm quyền lực

Kể từ đó, để bảo toàn địa vị của mình, Zheng Yi Sao đã xây dựng một bộ quy tắc nghiêm ngặt trong hạm đội, đặt yêu cầu về lòng trung thành lên hàng đầu. Tên cướp nào không tuân theo mệnh lệnh của cấp trên có thể bị chặt đầu ngay lập tức.

Hành vi xâm hại tình dục các tù nhân nữ cũng được coi là một tội danh. Cướp biển được phép lấy vợ là người bị bắt giữ nhưng phải duy trì hôn nhân một vợ một chồng. Ai ngoại tình sẽ bị giết chết.

Tuy nhiên, dưới sự quản lý của Zheng Yi Sao, cướp biển được nhận 20% chiến lợi phẩm từ các cuộc tranh cướp. 80% còn lại nộp vào quỹ chung, được phân bổ cho toàn hạm đội. Dần dần băng đảng của Yi Sao còn can thiệp vào việc giao thương muối giữa nhà Thanh và các nước và tiếp quản việc buôn bán muối ở phía Nam Trung Quốc.

Chỉ trong một năm, băng đảng đã tiêu diệt gần một nửa số đoàn cướp biển trên vùng biển Trung Quốc, thậm chí còn đe dọa an toàn của các tàu đến từ Mỹ, Bồ Đào Nha, Xiêm (nay là Thái Lan). Hệ quả là các tàu buôn nước ngoài không dám đi vào các cảng Trung Quốc nếu không có Hạm đội Quảng Đông hộ tống.

Về sau, Hạm đội Quảng Đông phải trang bị đại bác mua từ phương Tây, nạp đạn ở phía sau và bắn bằng cách kích hoạt kim hỏa thay vì phải nhồi thuốc súng, gây chậm trễ trong quá trình giao tranh. Như vậy mới có thể cản đà phát triển của Zheng Yi Sao, thậm chí kiềm hãm sự phát triển của hạm đội cướp biển.

Tháng 9/1808, Zheng Yi Sao chính thức hợp tác với Zhang Bao, chỉ huy Hạm đội Cờ đỏ để phục kích Hạm đội Quảng Đông do Đô đốc Lin Guoliang chỉ huy với 135 chiến hạm. Địa điểm phục kích nằm ở vùng biển đảo Mã Châu, phía Đông quận Bảo An (là thành phố Thâm Quyến ngày nay).

Kế hoạch của Yi Sao là đưa một vài tàu của Hạm đội Cờ đen sau khi đã chất đầy đá, di chuyển rất chậm như thể đang chở chiến lợi phẩm cướp được, còn toàn bộ 2 hạm đội Cờ đỏ, Cờ đen ẩn sau những quả đồi ở đảo Mã Châu. Trúng bẫy của Yi Sao, Lin Quoliang đưa 20 tàu của mình ra chiến đấu với ý định bắt sống hạm đội của kẻ thù.

Khi thấy tàu của Lin Guoliang hình thành thế bao vây gọng kìm, Shi và Zhang Bao ra lệnh xuất kích. Gần 800 tàu của Cờ đỏ, Cờ đen chạy thành vòng tròn, thi nhau nã đạn vào Hạm đội Quảng Đông. Kết quả 7 tàu của Lin Guoliang bị đánh chìm, số còn lại phải đầu hàng. Phía Yi Sao mất 18 tàu nhưng bù lại, họ thu được 40 khẩu đại bác đời mới.

Thừa thắng xông lên, Yi Sao và Zhang Bao tiêu diệt thêm 27 tàu thuộc Hạm đội Quảng Đông do Lin Fa chỉ huy. Chỉ trong vòng 2 tháng, Hạm đội Quảng Đông đã thiệt hại hơn một nửa lực lượng, để lại lỗ hổng cho Yi Sao tiến vào sông Châu Giang, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.

Nếu Yi Sao chiếm được cửa sông này, quân đội Quảng Châu sẽ bị chặn đứng đường thuỷ. Do đó, Tư lệnh Hạm đội Quảng Đông, Sun Quanmou, quyết định huy động 90 tàu chiến để tấn công Yi Sao.

Quân của Yi Sao bỏ trốn sau khi bị quân đội Bồ Đào Nha tấn công.

Cầu viện phương Tây

Tháng 1/1809, Hạm đội Quảng Đông tấn công Hạm đội Cờ trắng và giết chết chỉ huy Liang Bao trên vùng biển Chu Hải. Cái chết của Liang khiến Yi Sao vô cùng tức giận nên chưa đầy một tháng sau, bà trở lại trả thù. Các hạm đội của Yi Sao chia làm ba ngả lần lượt tấn công vào Đông Quản, Thuận Đức và Xinhui. Trong suốt 6 tuần, 3 hạm đội cướp biển đã giết khoảng 12.000 dân thường sống dọc theo sông Châu Giang, đốt cháy, cướp phá nhiều thị trấn.

Số tàu còn lại của Hạm đội Quảng Đông cũng bị đánh tan, buộc Sun Quanmou phải cầu cứu hải quân phương Tây. Tháng 10/1809, Đô đốc Antonio Botelho Homen, chỉ huy Hạm đội Bồ Đào Nha đến viện trợ hải quân Trung Quốc.

Khinh thường lũ cướp biển, Đô đốc Antonio chỉ cử 50 tàu gỗ chạy bằng buồm, trang bị vũ khí nhẹ đến Quảng Đông nên bị hạm đội của Shi bắn cháy 21 chiếc, bắt sống 18 chiếc.

Đến tháng 9/1809, Hải quân Anh Quốc cử một hạm đội 60 tàu đến hỗ trợ Bồ Đào Nha và Trung Quốc. Nhóm đồng minh lợi dụng gió thổi ngược nên chất đầy nhựa thông lên 43 tàu, châm lửa và chỉnh bánh lái để số tàu này lao thẳng về phía hạm đội của Yi Sao trong khi 6 tàu bọc thép của Bồ Đào Nha chờ sẵn để tấn công. Trong cảnh hỗn loạn, lửa khói mịt mù, Shi và Zhang Bao dẫn đội tàu của mình mở đường máu. Lúc ra được Biển Đông, Shi mất 18 tàu và 400 tên cướp.

Từ đó, hạm đội của Yi Sao chỉ còn cách chạy trốn và bị chặn đứng đường làm ăn. Hơn 20 nghìn hải tặc lâm vào cảnh đói ăn, thậm chí cả nước uống. Đến ngày 3/1/1810, Guo Podai, chỉ huy Hạm đội Cờ trắng đầu hàng quân đội Quảng Đông và được phong hàm trung uý, giữ nguyên vai trò chỉ huy Hạm đội Cờ trắng. Kể từ đó, Hạm đội Cờ trắng chuyển sang tấn công Hạm đội Cờ đỏ của Zhang Bao để lập công.

Bị dồn vào chân tường, Yi Sao ra đầu hàng chính quyền Quảng Đông với yêu cầu được giữ lại 5 nghìn tên cướp và 80 tàu để kinh doanh muối và nuôi thuỷ thủ nhưng bị chính quyền địa phương từ chối. Ngày 17/4, Yi Sao đích thân dẫn một nhóm gồm 17 phụ nữ và trẻ em đến Quảng Châu.

Sau nhiều giờ đàm phán, chính quyền tỉnh đồng ý cho phép Si Yao kinh doanh muối nhưng chỉ được phép sở hữu 10 tàu không vũ trang, mỗi tàu không quá 40 thuỷ thủ. 3 ngày sau, Shi cùng Zhang Bao và 17.318 tên cướp biển, 226 tàu, 1.315 khẩu đại pháo và 9.798 súng trường làm lễ hạ vũ khí ở Quảng Châu.

Trở về làm dân thường, Yi Sao kết hôn với Zhang Bao rồi chuyển đến sống ở tỉnh Phúc Kiến. Hai người có một con trai, đặt tên là Zhang Yulin. Sau khi Zhang Bao qua đời khi mới 36 tuổi, Yi Sao dẫn con quay lại Quảng Đông và mở sòng bài xa hoa, tráng lệ.

Trong lịch sử hàng hải quốc tế, Zheng Yi Sao được mệnh danh là “nữ hoàng cướp biển vĩ đại nhất lịch sử”. Tên gọi này không chỉ xuất phát từ việc bà là một nữ cướp biển mà Zheng Yi Sao đã nắm trong tay quyền chỉ huy gần 50 nghìn người và 400 tàu cướp biển. Bà đã truyền cảm hứng cho việc xây dựng hình tượng nữ cướp biển trong loạt phim điện ảnh “Cướp biển vùng Caribe” nổi tiếng toàn cầu.

Exit mobile version