Site icon redbattleflyer.com

Quần đảo có 1-0-2 của Đông Nam Á: “Thiên đường duy nhất còn sót lại trên Trái Đất”

Theo CNN, hơn 30 năm trước, một người Hà Lan đam mê lịch sử tên Max Ammer đã nhận được đầu mối từ chủ nhà của mình, một cựu chiến binh, về những chiếc máy bay Thế chiến II bị nhấn chìm ở vùng biển Indonesia.

Thông tin nhỏ nhoi đó dẫn lối ông đến một cuộc thám hiểm lặn kéo dài tới 4 tháng trời qua các quần đảo khác nhau với chỉ dẫn duy nhất từ việc hỏi đường những ngư dân địa phương.

Trong cuộc hành trình của mình, ông bắt gặp một địa điểm nổi bật hẳn so với số còn lại: quần đảo Raja Ampat, ở tỉnh Tây Papua của Indonesia.

Nằm ở trung tâm của Tam giác San hô, Mạng lưới Khu bảo tồn Biển Raja Ampat trải dài hơn 4 triệu ha và bao gồm khoảng 1.500 hòn đảo lớn nhỏ.

Được ghi nhận là có đa dạng sinh học biển phong phú nhất trên Trái Đất và một vị trí tương đối xa xôi hẻo lánh đã cho phép “thiên đường” này thoát khỏi tình trạng du lịch đại trà. Không có gì ngạc nhiên khi Raja Ampat thường được mệnh danh là “thiên đường cuối cùng trên Trái đất”. Nó là nhà của hơn 1.600 loài cá, trong khi khoảng 75% loài san hô được biết đến trên thế giới có thể được tìm thấy ở đây.

 Quần đảo có 1-0-2 của Đông Nam Á: Thiên đường duy nhất còn sót lại trên Trái Đất - Ảnh 1.

Ammer phải thốt lên: “Có vô số những khu vực đẹp và hàng trăm khu vườn san hô tuyệt diệu“.

Tình yêu với vẻ đẹp thiên nhiên và cộng đồng địa phương đã thôi thúc ông mở resort Kri Eco Dive vào năm 1994, với mục đích đào tạo thợ lặn địa phương và đưa mọi người tới một “thế giới thủy sinh hoang sơ”. Sau đó, một khu nghỉ dưỡng ở Sordio Bay theo chân mở ra, với 2 cơ sở lặn thuộc công ty Papua Diving của Ammer.

Câu chuyện du lịch bền vững

Tuy nhiên, ngay cả khi có cách tiếp cận đúng với du lịch và không phải chịu những “cơn bão” du khách gây nên tình trạng quá tải, thiên đường nhiệt đới này vẫn có những vấn đề riêng về bảo tồn. Một vấn đề lớn từng tồn tại là nạn cắt vi cá mập và săn trộm rùa.

Meizani Irmadhiany, phó chủ tịch cấp cao kiêm chủ tịch điều hành của Konservasi Indonesia, nói với trang CNN Travel: “Khoảng 20 năm trước, Raja Ampat đã suy tàn vì đánh bắt cá thương mại không được kiểm soát và các hoạt động không bền vững“.

Cần rất nhiều sự hợp tác với các bên liên quan khác nhau để xoay chuyển tình thế này“.

Năm 2004, Raja Ampat được đưa vào Chương trình Sáng kiến West Papua’s Bird’s Head Seascape, một dự án được tạo ra nhằm thiết lập mạng lưới các khu bảo tồn biển với sự hỗ trợ của các nhà bảo trợ quốc tế và chính quyền địa phương, với mục tiêu cố gắng bảo tồn các nguồn tài nguyên biển trong khi đảm bảo an ninh lương thực và lợi ích kinh tế bền vững cho người dân.

Irmadhiany cho biết: “Kể từ khi sáng kiến ra đời, quần thể cá đã tăng trở lại; nạn săn bắt trộm của ngư dân bên ngoài giảm khoảng 90%; san hô đang phục hồi; an ninh lương thực và sinh kế lâu dài cho cộng đồng địa phương được cải thiện“.

Những nỗ lực của họ đang được đền đáp. Đầu năm nay, Mạng lưới Công viên Biển Raja Ampat – bao gồm 10 khu bảo tồn trải rộng hơn 2 triệu ha – đã được trao Giải thưởng Blue Parks từ Tổ chức Bảo tồn Biển Quốc tế và được Liên hợp quốc xác nhận.

Có gì đặc biệt đến thế ở Raja Ampat?

Một thiên đường đại dương đầy sắc màu

Một phần không thể không nhắc đến của “thiên đường nhiệt đới” Raja Ampat là đa dạng sinh học đến choáng ngợp của nó, với những rạn san hô sặc sỡ, hàng đàn cá đầy sắc màu, bên cạnh làn nước trong vắt và vô số hòn đảo tươi tốt trù phú.

Khoảng hai thập kỷ trước, khi Tiến sĩ Gerry Allen của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế đến lặn ở Cape Kri thuộc quần đảo, ông đã đếm được kỷ lục 327 loài cá chỉ trong một lần lặn. Một thập kỷ sau, con số đã lên đến 374 loài riêng rẽ quan sát được chỉ trong 90 phút.

Ammer nói: “Khi chúng tôi bắt đầu, có rất nhiều hoạt động rất tai hại tràn lan khắp Raja Ampat: đánh cá bằng chất nổ, đánh cá bằng kali xyanua, câu cá mập, khai thác gỗ.

Tất cả những điều đó đã dần bị xóa sổ. Trong trường hợp của chúng tôi, chủ yếu bằng cách tạo ra các lựa chọn khác cho sinh kế (của người dân). Khi chúng tôi tuyển những người săn trộm rùa, ngư dân đánh bắt cá mập vào làm các khu nghỉ dưỡng, họ không còn phải tham gia vào các hoạt động thiếu bền vững“.

Hơn nữa, 2 địa điểm lặn của Papua Diving trên quần đảo được xây dựng ở những khu vực từng là đồn điền trồng dừa để không ảnh hưởng đến các khu rừng nguyên sinh.

Khi được hỏi về những địa điểm yêu thích để lặn ở Raja Ampat, Ammer nói rằng danh sách này gần như vô tận.

“Tôi thường vẫn không hết trầm trồ khi nhìn xung quanh trong khi lặn. Tôi phải tự hỏi liệu mình có đang mơ không”, Max Ammer cho biết.

Ngoài rạn san hô Cape Kri nổi tiếng của Papua Diving, Sardines Reef được cho là có “nhiều cá đến nỗi chúng đôi khi che lấp cả ánh sáng mặt trời”.

Khu vườn của Melissa, được đặt theo tên của con gái Ammer, là nơi có các rạn san hô nông tuyệt đẹp tuyệt đẹp chứa đầy các loại san hô cứng và mềm.

Một thế giới đa dạng màu sắc văn hóa

Tất nhiên, sự trù phú của mảnh đất “thiên đường” này không chỉ đến từ dưới mặt biển, mà còn cả trên cạn.

Trang chuyên lặn Misool miêu tả: “Vùng nước rải rác với những chồi nhỏ hình nấm, bao phủ bởi cây nắp ấm và hoa lan rừng“.

Loài động vật chân đốt lớn nhất trên cạn, cua dừa, có thể được tìm thấy đang lượn lờ giữa lớp cây cối rậm rạp và các loài chim đặc dị như vẹt mào Sulphur, chim hồng hoàng Blyth và diều lửa rất thường được trông thấy. Rừng ngập mặn dày đóng vai trò là nơi sinh trưởng, ‘ươm mầm’ cá con và như một thiên đường ẩn náu của những con cáo bay, hoặc dơi ăn quả“.

Trên đất liền, có những chuyến đi hiking đường dài sẽ mang lại cho bạn tầm nhìn ngoạn mục ra những hòn đảo karst đặc trưng và những đầm phá màu xanh”. Địa hình karst cũng là dạng địa hình không xa lạ gì với những người từng đến thăm vịnh Hạ Long.

Tất nhiên, một trải nghiệm không thể thiếu khác là những chuyến đi đắm chìm trong văn hóa, lịch sử địa phương.

Luis Kabes, một hướng dẫn viên lặn địa phương cho biết để có trải nghiệm tốt nhất tại Raja Ampat, du khách cũng nên “thăm một ngôi làng và dành chút thời gian tại trường học địa phương”.

Kabes đến từ làng Sawandarek trên đảo Batanta, một trong những hòn đảo chính của Raja Ampat, nói: “Hãy cho chúng tôi biết về đất nước của bạn và học hỏi từ chúng tôi. Cùng sẻ chia một bữa ăn“.

Anh nói rằng mình rất tự hào rằng Raja Ampat hiện là một địa điểm nổi tiếng và tự hào là một hướng dẫn viên lặn ở đây.

Đã trải qua 3 thập kỷ ở Raja Ampat và thăm hơn 400 địa điểm có máy bay rơi trong Thế chiến II, Ammer đồng ý rằng điểm thu hút lớn nhất và đáng giá nhất chính là con người địa phương.

Tương tác với mọi người. Bất cứ nơi nào. Có khi bạn cũng sẽ yêu họ và không bao giờ muốn về nhà nữa.

Ammer kết luận, có lẽ từ trải nghiệm của chính mình.

Nguồn: CNN

Exit mobile version