Site icon redbattleflyer.com

Vì sao củ wasabi tươi ăn kèm sushi Nhật luôn thuộc dạng đắt đỏ bậc nhất thế giới?

Có một thực tế là món sushi của Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Cùng với đó, loại gia vị ăn kèm màu xanh có tên wasabi, hay còn được biết đến là mù tạt nguyên chất, có tác dụng giảm bớt mùi tanh và làm ấm bụng khi ăn đồ sống cũng được nhắc đến nhiều không kém.

Củ wasabi là thực vật thuộc họ cải, thường được bán dưới dạng rễ hoặc thân cây và phải nghiền mịn trên dụng cụ đặc biệt bằng kim loại tên là oroshigane trước khi sử dụng. Một vài nơi ở Nhật Bản, người ta thích bào wasabi bằng da cá mập khô. Wasabi có vị cay nồng và kích thích mũi nhiều hơn là lưỡi. Trong chế biến sushi, các đầu bếp thường cho wasabi vào giữa cá và cơm cho đến khi được phục vụ để giữ được hương vị lâu hơn.

 Vì sao củ wasabi tươi ăn kèm sushi Nhật luôn thuộc dạng đắt đỏ bậc nhất thế giới? - Ảnh 1.

Wasabi trên bàn tiệc sushi. Ảnh: Shutterstock

Phổ biến là như vậy, wasabi tươi ngoài ra còn được biết đến là thứ giá vị đắt đỏ, vì nhiều lý do. Năm 2014, giá mỗi kg wasabi tại Nhật Bản rơi vào khoảng 160 USD nhưng ngày nay, nó đã lên đến hơn 250 USD.

Một tác phẩm về wasabi được xuất bản vào tháng 12 năm 2020 tiết lộ có một đầu bếp sushi ở trung tâm Tokyo đã chi hơn 700 USD cho wasabi mỗi tháng. Vì quá đắt, ở nhiều nhà hàng, để tiết kiệm chi phí, người ta thay thế wasabi tươi bằng cải ngựa xay không có nhiều hương vị bằng.

Củ wasabi chính hiệu. Ảnh: Getty

Wasabi rất khó canh tác

Lý do đầu tiên khiến wasabi đắt đỏ là vì nó rất khó trồng. Ở Nhật Bản, wasabi mọc nhiều ở các lòng sông nhiều đá với nhiệt độ lý tưởng từ 8 đến 20 độ C. Đây là loại cây nhạy cảm, thân của nó ngập một phần trong dòng nước đang chảy và rất dễ bị tác động bởi thay đổi của môi trường như độ ẩm, nhiệt độ. Do không có nhiều lòng suối chảy trong các thung lũng ở Nhật Bản, nên việc trồng cây wasabi ở mức độ thương mại là rất khó khăn. Thường phải mất khoảng 12-18 tháng, thậm chí 2 năm để một cây wasabi phát triển và thu hoạch được.

Các tỉnh Nagano, Iwate, Shimane được biết đến là những nơi sản xuất wasabi tại Nhật Bản. Tuy nhiên, khu vực bán đảo Izu ở tỉnh Shizuoka mới là địa chỉ cung cấp wasabi chính, chiếm 80% sản lượng tiêu thụ ở Nhật Bản.

Wasabi rất khó trồng khiến nó trở nên đắt đỏ. Ảnh: Getty

Wasabi có thời hạn sử dụng ngắn

Lý do thứ hai khiến wasabi đắt đỏ là do nó có thời hạn sử dụng ngắn. Theo Eat by Date, củ wasabi nên được ăn luôn, vào khoảng một hoặc hai ngày sau khi thu hoạch nếu không sẽ bị nhão. Với củ wasabi đã được mài nhuyễn thì chỉ có thể dùng trong 15 phút nếu không muốn vị hăng và mùi thơm đặc trưng bị tan biến. Trong khi đó, bột wasabi có thời hạn dùng lâu hơn, khoảng hai năm trong ống kín. Tuy nhiên khi mở ra, người tiêu dùng cần bảo quản trong hộp kín, có thể ăn trong 1 năm.

Wasabi tươi có thời hạn sử dụng ngắn. Ảnh: Getty

Nhu cầu sử dụng quá cao

Với sự phổ biến của đồ ăn Nhật Bản, lượng tiêu thụ wasabi trên thế giới ngày một nhiều trong khi nguồn cung hạn chế cũng khiến giá loại gia vị này luôn ở mức cao. Hiện nay, Trung Quốc cũng trồng được wasabi và phần lớn được xuất khẩu sang Nhật Bản để tiêu thụ. Tại đây, cây wasabi được canh tác trên núi, cao 1.300-2.500 m so với mực nước biển.

Nông dân Nhật Bản cắt củ wasabi. Phần lá cây thường được dùng làm salad hoặc muối chua. Ảnh: Getty

Wasabi thật và wasabi giả

Như đã nói ở trên, các nhà hàng luôn muốn tiết giảm chi phí nên tìm cách dùng cải ngựa xay để thay thế wasabi tươi. Vậy làm thế nào để phân biệt được hai loại gia vị này?

Trước hết là kết cấu của hỗn hợp wasabi. Nếu hỗn hợp đó đặc và nhão, đó là dấu hiệu cho thấy wasabi giả được làm từ cải ngựa (xay nhuyễn để tạo ra kết câu hoàn toàn mịn). Nếu hỗn hợp có hơi gợn thì chứng tỏ nhà hàng dùng wasabi được bào từ củ wasabi thật.

Wasabi thật không đặc mịn mà hơi có lợn cợn. Ảnh: Shutterstock

Exit mobile version