Site icon redbattleflyer.com

Xuân Bắc mắng người chê Táo quân: Cú tát vào mặt khán giả!

Xuân Bắc mắng người chê Táo quân: Cú tát vào mặt khán giả!

Nghệ sĩ Xuân Bắc trong một chương trình Táo quân – Ảnh: Facebook Nguyễn Xuân Bắc

Trước đó, trên trang cá nhân Xuân Bắc đăng tải một “truyện ngụ ngôn” thời hiện đại có tên “Cái tát của mẹ” với ngụ ý mắng những người chê Táo quân giống như người con trai không biết gói bánh chưng nhưng năm nào cũng chê bánh chưng mẹ mình gói, dù vẫn ăn ‘tụt lưỡi’.

Ai mới là người ăn cháo đá bát?

Dư luận và bạn đọc Tuổi Trẻ Online phản ứng gay gắt trước câu chuyện Xuân Bắc mắng người chê Táo quân bằng bài viết “ngụ ngôn” đầy những lời lẽ suồng sã, chợ búa rất khó nghe này.

Theo bạn đọc Nguyên Ngôn, bài đăng trên cho thấy Xuân Bắc đã nhầm lẫn giữa hai vấn đề cốt lõi: sáng tạo nghệ thuật và tiếp nhận nghệ thuật. Việc đặt khán giả (người tiếp nhận) là “con” trong quan hệ với “mẹ” (người sáng tạo) quả thực không ổn kể cả mặt lý luận và đạo nghĩa.

Bạn đọc Lam cho rằng chương trình Táo quân kéo khán giả lại là do cái duyên của dàn diễn viên. “Không ai phủ nhận công sức của anh chị diễn viên ở đây. Cái người ta chê là biên kịch kém, ngôn ngữ thiếu văn hóa.

Anh Bắc ạ, người ta ngóng Táo quân phần vì thói quen, với nhiều gia đình nó như một thứ kỷ niệm ấy. Giờ anh nói như vậy thì đúng là cú tát vào mặt những khán giả quan tâm đến chương trình này” – bạn đọc Lam viết.

Lê Khai bày tỏ nỗi thất vọng về cách ứng xử của Xuân Bắc: “Chúng tôi là khán giả, là đối tượng tiếp nhận và hưởng thụ các sản phẩm nghệ thuật, giải trí thì việc khen chê hay phản ứng tốt xấu cũng là điều bình thường.

Chương trình nào đi nữa thì cũng có “tuổi thọ” tồn tại nhất định, khi không còn phù hợp thì thay thế bởi chương trình khác âu cũng là lẽ thường tình. Việc nghệ sĩ Xuân Bắc phản ứng như vậy là quá chua chát, là coi thường khán giả, là tự đánh mất hình ảnh của mình trong mắt khán giả.

Thiết nghĩ, không riêng gì nghệ sĩ Xuân Bắc mà cả những người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí cũng phải tiết chế, làm chủ chính mình khi phát ngôn chống lại khán giả của mình”.

Trong khi đó, bạn đọc Hoang Huu Loc cho rằng cách Xuân Bắc so sánh, ví von trong câu chuyện nói trên là một sự đánh tráo khái niệm: “Mẹ là người sinh ra ta, dưỡng dục ta nên người, do vậy mẹ có quyền rầy la, quở mắng khi ta ứng xử không phù hợp hay thiếu chuẩn mực.

Quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng/khán giả không phải như vậy, thậm chí là ngược lại: công chúng/khán giả là đối tượng phục vụ của nghệ sĩ; công chúng là người “nuôi sống” nghệ sĩ, giúp họ thành danh, thành đạt… Vì vậy, công chúng/khán giả có quyền phê phán, kể cả chê trách, nếu người được mình nuôi sống lại làm ra sản phẩm hoặc có thái độ ứng xử không đáp ứng được mong đợi của họ.

Có đâu mà người được “nuôi” lại đi gay gắt mắng ngược lại người “nuôi” mình như vậy? Con cái nặng lời với cha mẹ là bất hiếu, vậy người được “nuôi” nặng lời với người “nuôi” mình thì có thể gọi là gì? Ai mới thực sự là kẻ “ăn cháo đá bát”?

“Nghệ sĩ không tôn trọng khán giả thì đổi nghề đi”

“Ngay cả ngôn từ so sánh ẩn dụ cũng xếp mình vào bề trên rồi. Chưa kể cái show hài đơn giản chỉ là một hình thức giải trí cho khán giả thì phải chấp nhận khen chê. Chứ đem lại lợi ích kinh tế gì hay giá trị bản thân gì mà ăn với chả uống, cháo với chả bát. Nói… thì lại tự ái!”

Bạn đọc Dung3K

Bức xúc trước những lời đá xéo chửi mắng trong câu chuyện ngụ ngôn của Xuân Bắc, bạn đọc Tuanbui viết: “Bất cứ một sản phẩm nghệ thuật nào cũng có công sức và trí tuệ của người dựng, người diễn… và tất nhiên sẽ có người thích hoặc không thích, người khen và người chê. Người khôn, khen thì họ đó nhận cảm ơn, chê thì họ tiếp thu và vẫn cảm ơn. Đó là nghệ thuật sống và trong tất cả mọi chuyện, cầu thị luôn luôn quan trọng và làm người khác tôn trọng.

Các bạn, các anh chị cô chú nghệ sĩ nên có thói quen đón nhận tất cả mặt tiêu cực và tích cực với nghề. Đừng chỉ thích nghe lời khen và vuốt ve để rồi phản ứng tiêu cực và nóng giận chửi bới những lời khó nghe.

Nếu nghệ sĩ thấy khó quá thì có thể đổi nghề khác, nhưng nghề nào cũng sẽ có khen chê thôi. Nghề nào cũng cần tôn trọng và đặc biệt chính họ phải có sự tôn trọng nhất định với tất cả các khách hàng của họ. Đó cũng là cách họ tỏ ra tôn trọng chính nghề của họ”.

Bởi theo bạn đọc Hiệp, khán giả mới chính là người nuôi, người trả tiền cho nghệ sĩ. Thử hỏi nếu không có khán giả coi liệu có nhà đài nào đặt anh làm chương trình này? Liệu có nhãn hàng nào đặt quảng cáo khung giờ vàng với giá cao ngất trời như thế không? Khi nghệ sĩ quay lại đá xéo khán giả thì thật sự bên nào mới là ăn cháo đá bát?

Phan Tôm cho rằng nghệ sĩ mà không có show diễn, không có khán giả ủng hộ thì chắc chắn phải bỏ nghề và tìm cách khác mưu sinh. Khán giả không xem nghệ sĩ này thì xem nghệ sĩ khác.

Cùng quan điểm, bạn đọc Tiến cho hay nghệ sĩ cũng là một nghề, đừng tỏ ra là mình quan trọng, ban ơn cho người khác: “Các bạn không hít không khí mà diễn không cho khán giả coi, đều nhận thù lao theo đơn đặt hàng của VTV. Hay khen, dở chê là lẽ đương nhiên, tôi thấy Xuân Bắc dùng từ “ăn cháo đá bát” là quá sai, không tôn trọng khán giả, nên lắng nghe và cầu thị. Không có khán giả các bạn diễn cho ai coi, không có các bạn sẽ có các nghệ sĩ khác thay thế!”.

Không nên tiếp tục “chỉ định thầu” Táo quân!

Táo quân năm nay lại bị nhiều người chê nhảm, nhạt – Ảnh: VFC

Đọc xong bài viết của Xuân Bắc, bạn đọc Liên Nguyễn cảm thấy “tự nhiên bao nhiêu tình cảm quý mến dành cho anh trôi đâu mất tiêu. Riêng tôi đã không xem chương trình Táo quân mấy năm nay rồi, đơn giản vì càng ngày càng không hay”.

Bạn đọc Thiệu nhận xét: “Ê kíp Táo quân đã quá quen thuộc, quá cũ, không còn khả năng sáng tạo thì nên rút lui nhường chỗ cho một ý tưởng khác, nhóm nghệ sĩ mới tài năng. VTV nên mở cuộc thi sáng tác như kiểu mở thầu. Nếu cứ tiếp tục “chỉ định thầu” như hiện nay thì ngày càng nhạt nhẽo nhàm chán”.

Thẳng thắn cho điểm, Lâm Sung đánh giá: “Nếu chấm điểm nghệ sĩ tôi sẽ cho Xuân Bắc 0 điểm! Chương trình Táo quân năm nay là một nồi lẩu tạp pí lù không thể tiêu hóa. Hy vọng năm sau VTV cắt chương trình này!”.

Trong khi đó, theo bạn đọc Thành An: “Khán giả có quyền khen và chê, có khen có chê thì “Táo quân” mới nâng cao được chất lượng. Một người nghệ sĩ có tâm, có tầm thì phải biết lắng nghe, tiếp thu đóng góp ý của khán giả. Có như vậy lĩnh vực nghệ thuật mới ngày càng phát triển”.

Công Dũng tổng hợp

Exit mobile version