Án phạt khủng chưa từng có tại LDL đã lột tả rõ mặt tối của việc trở thành một tuyển thủ LMHT, không hề hào nhoáng như chúng ta vẫn nghĩ.
Thời gian gần đây, LMHT Trung Quốc đang xáo trộn hơn bao giờ hết với hàng loạt drama xung quanh giải đấu LDL, giải đấu hạng 2 giống như Challengers tại khu vực LCK. Nổi bật trong đó phải kể để vụ việc 28 tuyển thủ trẻ tại giải đấu này bị phát hiện dàn xếp tỷ số và bán độ. Hình phạt cho họ là cấm thi đấu từ 18 tháng tới 42 tháng, 4 tuyển thủ thậm chí còn bị cấm thi đấu vĩnh viễn trong mọi giải đấu được Riot Games và Tencent tổ chức, tức là Global ban.
Hành vi gian lận, dàn xếp tỷ số hay bán độ không phải là một điều gì quá lạ lẫm đối với những người thường xuyên theo dõi thể thao điện tử hay kể cả là những môn thể thao truyền thống khác. Từ những môn thể thao vua như bóng đá, đua ngựa…, hành vi cá độ đã xuất hiện và phát triển trong một thời gian dài. Các môn thể thao điện tử cũng vậy, CS:GO, LMHT, Dota2… bất kỳ môn thể thao nào có tính đối kháng đều có thể bán độ được. Nhưng liệu hành vi này có thực sự “ghê tởm” như chúng ta vẫn nghĩ về nó và mặt tối của một tuyển thủ LMHT?
Trước chúng ta cần làm rõ bán độ là gì và mục đích của nó. Bán độ được hiểu đơn giản là hành vi thi đấu không hết khả năng của mình, cố tình xử lý những tình huống có lợi cho đối thủ nhằm giúp đội tuyển được đánh giá yếu hơn dành chiến thắng. Bán độ sẽ liên quan đến hành vi cá độ, tức là tỷ lệ cá cược cho một đội tuyển được đánh giá cao thường lớn, hành vi bán độ sẽ tạo ra kết quả ngược lại, người đi ngược so với số đông, đặt cược vào đội yếu hơn sẽ ăn được rất nhiều tiền do tỷ lệ cược cao. Đó là nguyên nhân sâu xa cho việc bán độ.
Mục đích của hoạt động bán độ không gì khác, đó chính là tiền. Trong LMHT ngoài cược kết quả trận đấu, nhiều trang web cá cược còn cược cả số lượng mạng, rồng, baron… khiến hành vi bán độ diễn ra càng dễ dàng hơn. Các tuyển thủ chỉ cần vô tình nằm xuống, vô tình mất mục tiêu cũng được coi như bán độ thành công chứ chưa cần phải “cố tình thua”. Đó cũng là lý do khi bị rà soát, có tới 28 tuyển thủ LDL bị nghi án bán độ, tức là gần 6 đội tuyển với đầy đủ đội hình chính. Bán độ trong LMHT không thể một người là có thể làm được mà đó là cả “sự cố gắng” từ những người đồng đội nữa.
Vậy bán độ có thực sự “ghê tởm” trong LMHT nói riêng và esports nói chung?
Đương nhiên, không một ai trong chúng ta có thể ủng hộ cho hành vi bán độ khiến những trận đấu mất đi tính hấp dẫn và công bằng cả. Nhưng có lẽ còn nhiều lý do đằng sau mà chúng ta – những người theo dõi khó có thể biết được mặt tối của việc trở thành một tuyển thủ LMHT chuyên nghiệp.
Có thể bạn muốn xem thêm: Hủy diệt Misfit, G2 Esports là đội tuyển đầu tiền góp mặt tại CKTG 2022
Những hành vi bán độ chỉ có một mục đích duy nhất đó chính là vì tiền và câu hỏi được đặt ra là liệu tiền có đánh đổi được niềm đam mê với LMHT trong các tuyển thủ. Chúng ta thường hay nói vui với nhau rằng “sẽ không bán rẻ đam mê trừ khi được giá” và có lẽ điều đó đã đúng trong hoàn cảnh này. Nhiều tuyển thủ thực sự cần tiền để chi tiêu và tiếp tục nuôi sống đam mê của mình, ngay cả khi những tuyển thủ đang thi đấu trong một môi trường esports phải nói là hàng đầu thế giới như tại Trung Quốc.
Nhiều tuyển thủ tiết lộ, sự đầu tư và hào nhoáng chỉ xuất hiện tại LPL, dành cho các tuyển thủ xuất sắc nhất. Còn với LDL, tiền lương còn chẳng đủ cho họ chi tiêu, thậm chí còn là nợ lương như phốt của Ale tại LNG thời gian gần đây. Ăn mì tôm, vay nợ để tiếp tục thi đấu, try hard với đam mê và nuôi hi vọng một ngày sẽ được thi đấu tại LPL là điều mà các tuyển thủ trẻ mong muốn. Còn với những tuyển thủ đã thi đấu lâu năm và xuống phong độ như JingYi, Asura, Iceberg… có lẽ đây là điều cuối cùng họ có thể làm để kiếm tiền từ đam mê của chính mình.
Hay tại Việt Nam cũng vậy, thời gian trước đây, drama và các án phạt về cày thuê, bán độ cũng được tố giác rất nhiều. Nhiều tuyển thủ kỳ cựu như Warzone, Baroibeo… cũng đã chia sẻ về mặt tối của LMHT chính là những game thủ chuyên nghiệp đời đầu “nghèo chết mẹ”, tiền lương chẳng có, chỉ bao ăn bao ở, tập luyện hoặc có cũng là khá thấp. Vì vậy, họ cần có những công việc làm thêm để nuôi đam mê hoặc lựa chọn một con đường khác là sử dụng đam mê để nuôi đam mê đó chính là cày thuê hoặc nghiêm trọng hơn là bán độ. Nhiều tuyển thủ còn tiết lộ có tới 50-60% tuyển thủ đời đầu từng cày thuê để kiếm tiền và chưa ai tố giác điều đó thôi vì giải đấu như VCS sẽ không còn nữa.
Đương nhiên phía sau những hành vi bán độ, đâu đó chúng ta vẫn có thể thấy được những người tham lam, những ông chủ, quản lý muốn làm giàu nhanh chóng thông qua chính đội tuyển của mình và đồng ý, thúc giục hành động sai trái trên. Cùng với đó, vẫn tồn tại những tuyển thủ ích kỷ, muốn kiếm nhiều tiền và thành công nhanh hơn thông qua những con đường bán độ, dàn xếp tỷ số… Họ đã chọn con đường dễ dàng hơn chứ không phải con đường đúng đắn và chắc chắn đó là những đối tượng mà không một ai trong chúng ta có thể “yêu thương” được.
Có thể bạn muốn xem thêm: HLV Polt lần đầu lên tiếng về phong độ và hành động phản đối của fan T1, chức vô địch sẽ nói lên tất cả
Tuy nhiên, vẫn sẽ có những đội tuyển giàu thành tích như RNG, V5, EDG… nuôi đội trẻ của họ một cách chuyên nghiệp cùng những điều kiện tốt nhất. Nhưng thực tế đang diễn ra, nhiều tuyển thủ trẻ tại LDL đang chật vật để nuôi đam mê của mình với đồng lương ít ỏi. Thật khó để trách họ trong câu chuyện này vì đam mê chẳng nuôi nổi mình thì đâu còn là đam mê. Dù vậy, đây cũng là một hành vi sai trái nên Riot Games cũng cần ngăn cấm. Một vấn đề luôn tồn tại và không thể giải quyết triệt để nếu việc trả lương cho tuyển thủ không được giải quyết một cách ổn thỏa.