Giữa một vụ nổ phá hủy cả thiên hà nhưng chỉ tốn 50 mana, hoặc dịch chuyển tức thời bằng một cái đồng hồ, thì đâu là tình tiết nhảm nhí trong game hơn?
Với những thể loại tình tiết nhảm nhí trong game thì có hằng hà vô số, logic “game nó phải thế” được áp dụng triệt để trong trường hợp này, mặc sức cho các nhà phát triển vẽ ra những kịch bản điên rồi nhất, mời các bạn cùng chúng tôi khám phá.
Nội dung tóm tắt
Super Nova – Phá hủy vũ trụ trong 2 phút.
Với các game thủ yêu thích dòng JRPG truyền thống, thì một thứ biểu tượng của dòng game này là những tuyệt chiêu cuối hoành tráng của trùm, những thể loại xé đôi Trái Đất, rạch ngang thiên hà hay thậm chí là phá hủy cả vũ trụ… chỉ để gây sát thương chưa đầy 50% máu của party.
Một trong những chiêu thức như vậy là Supernova của Sephiroth trong FF7, cơn ác mộng 2 phút đồng hồ dài dằng dặc của nhiều người. Nhiều game thủ vẫn thắc mắc kiểu gì mà Sephiroth triệu hồi được một quả thiên thạch tổ bố, phá nát hệ mặt trời và tông vào party của Cloud, hay làm thế quái nào mà hắn có thể cast nó liên tục như vậy. Nhiều giả thuyết cho rằng Supernova thực ra chỉ có trong tưởng tượng của Sephiroth, như kiểu một đòn tấn công vào tâm lý đối thủ mà thôi chứ không có thực.
Thực ra cái chiêu thức nhảm nhí và có phần tốn thời gian này chẳng qua là trò làm màu thường thấy trong các game Nhật Bản thời kì đó. Khi thiết kế ra FF7, giám đốc của nó là Yoshinori Kitase chỉ đơn giản là muốn một thứ gì cực kỳ bá đạo, ngầu lòi tới mức kệ xác nó logic, vì ông ta biết rằng kiểu gì fan cũng sẽ chấp nhận mà thôi.
Ending lãng xẹt – Days Gone
Dù không phải dở, Days Gone vẫn là một trong các tựa game độc quyền bị chê nhiều nhất trên PlayStation 4, chủ yếu vì cốt truyện lằng nhằng, gameplay lặp đi lặp lại với hàng đống lỗi. Xem hai nhân vật chính nấu cơm chó với nhau suốt cả nửa game đã đủ mệt mỏi lắm rồi, nhưng trong Days Gone có đầy các loại tình tiết nhảm nhí khác, đặc biệt là ending của nó.
Virus trong Days Gone được mô tả là một thứ có khả năng kích thích tiến hóa, nó sẽ khiến sinh vật bị nhiễm “đốt cháy giai đoạn” tiến hóa hàng triệu năm để đạt tới sức mạnh tối thượng như siêu nhân chỉ trong vài tháng. Trong trường đoạn cuối cùng khi nhân vật chính Deacon gặp lại O’Brian (một nhà khoa học chuyên về Zombie), anh ta nhận ra rằng virus đã ảnh hưởng tới con người, khi nó khiến cho O’Brian khỏe như Zombie mà vẫn giữ được lý trí, báo hiệu thứ gì đó khủng khiếp lắm sắp diễn ra.
O’Brian cảnh báo cho Deacon bằng một câu nói đầy đe dọa “Chúng đang tới”, những tưởng như đây sẽ là khởi đầu cho một phần hậu truyện hoành tráng, nơi game thủ đối đầu với những chủng Zombie mới, nhưng thực tế là không. Do doanh số của Days Gone không khả quan, nên có trời mới biết phần hai của nó khi nào mới ra mắt, thành ra ending cho ngầu vào rốt cuộc cũng chẳng để làm gì.
Thuốc xanh thuốc đỏ cho em nhỏ nó mừng – Resident Evil
Sự thần kì của mấy cây thuốc bé tí trồng trong chậu đã là một meme nổi tiếng của Resident Evil, đã có thời kì người ta so sánh chúng như một thứ thần dược của học sinh “chuyên cần”. Zombie cắn truyền virus biến người ta thành xác sống, nhưng cứ trộn mấy cái lá xanh đỏ vào là chữa khỏi hết, quả là thần dược!
Một điều nữa là trong hầu hết các game Resident Evil thì vào thời điểm diễn ra đại dịch Zombie, chẳng có đại hiệp nào đào ra thuốc giải với vaccine để chữa virus cả, nhưng bằng một cách nào đó tất cả các nhân vật chính đều sống khỏe, bất chấp có bị Zombie cắn cho muốn thủng cả phổi. Cái tình tiết nhảm nhí này thường xuyên được chấp nhận bằng cụm từ “game logic”, tức là game nó phải thế.
Trên thực tế thì về sau các lập trình viên Resident Evil đã có lời giải thích hợp lý hơn, đó là các nhân vật chính trong game, đã làm một cuộc hành trình kì diệu, đi từ đầu tới cuối thành phố mà không bị Zombie cắn lần nào, đánh trùm thậm chí chỉ cần dùng một cây súng lục duy nhất. Điều này quả thật là khả thi, còn nếu bạn không tin thì hãy lên Youtube gõ “Resident Evil XX Run No dmg” vào ô tìm kiếm nhé!
Batman không giết người, nghĩ lại đi – Batman: Arkham
Một điểm chung của hầu hết các tựa game siêu anh hùng, đó là các nhân vật chính đều là những người hùng đích thực, chỉ sử dụng vũ lực trong trường hợp bắt buộc và không bao giờ giết người trong hầu hết trường hợp. Batman: Arkham cũng là game được định nghĩa như vậy, nhưng thực tế nó khác 180 độ.
Việc game thủ lái chiếc Batmobile phóng như bay trên đường phố Arkham, tông banh cành mọi thứ và cán nát mọi thường dân mà nó đụng phải, thậm chí là còn cán qua cán lại cho chắc tỏ ra hoàn toàn trái ngược với quy tắc của Batman. Rõ ràng khi bạn thấy cái xe của mình tạo ra một vụ nổ như gắn C4 sau lưng, dùng găng tay có kích điện đánh thẳng vào tim đối thủ hay kẹp cổ nó thiếu điều muốn quay 90 độ… thì có điên mới tin đấy là các thao tác “không nguy hiểm tới tính mạng”.
Mấy cái tình tiết nhảm nhí này cũng xuất hiện trong game Spider-Man về sau, khi mà Người Nhện không ngại đổ máu nhưng cũng ít khi giết chóc mà chỉ dán đám tội phạm lên tường. Tất nhiên đó là nếu bạn cho rằng việc quăng một cái thùng phuy nặng 80kg vào người khác, ném vài quả rocket về chỗ cũ hoặc đấm một thằng côn đồ nào đó rơi từ tầng 18 xuống đất là “an toàn”, thì mọi thứ về cơ bản vẫn ổn đấy.
Cưa xích không đáng sợ – Until Dawn
Một điểm hay ở mấy game như Until Dawn, là nó đi theo kiểu cốt truyện tự do, nơi người chơi được lựa chọn cách thức tiếp cận, cứu nhân vật này hay bỏ rơi nhân vật khác để đạt được cái kết mong muốn. Nhưng có một tiết tiết nhảm nhí trong Until Dawn, đó là màn lựa chọn giữa cứu bạn thân hay người yêu, với mở đầu hoành tráng còn cái kết thì lãng xẹt.
Trường đoạn này diễn ra khi nhân vật Chris thấy crush của mình là Ashley cùng anh bạn thân Josh đang bị trói nghiến lên giữa một hệ thống cưa xích. Màn tra tấn thần kinh đậm chất SAW bắt đầu, khi Chris phải lựa chọn cứu một trong hai, game thủ những tưởng sẽ được một pha đổ máu kinh dị kịch tính, nhưng hóa ra lại chẳng có gì cả.
Cái màn hù dọa cũ rích bắt chước Hollywood này về sau được hé lộ, vì bạn có chọn ra sao lưỡi cưa cũng sẽ hướng tới Josh, hơn nữa bản thân Josh cũng chẳng bị sao vì đây vốn là trò lừa đảo mà anh ta nghĩ ra. Rốt cuộc thì đây là một tình tiết khá vô nghĩa, không những lựa chọn của bạn không có tác dụng, mà vốn là đã chẳng có ai gặp nguy hiểm ngay từ đầu.