Các thuật ngữ game NFT, Metaverse đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong sự chuyển động của thế giới ở thời điểm hiện tại. Nhiều người cho rằng đây là những công nghệ của tương lai, và sự phát triển của game NFT hay Metaverse chắc chắn là một phần tất yếu của cuộc sống, và thời gian bùng nổ của chúng có lẽ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Trên thực tế, mặc dù vừa trải qua một năm 2021 vô cùng sôi động với vô số những dự án game NFT, thế nhưng, xét theo góc độ phát triển của công nghệ, mọi thứ vẫn còn khá hạn chế. Điều này cũng được bộc lộ rõ qua chất lượng của các tựa game NFT và trên hết, vô số dự án còn lộ rõ mục đích “scam” trắng trợn của mình.
Dù vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thế nhưng, không ít game thủ ở thời điểm hiện tại vẫn rất quan tâm tới những dự án game NFT tiềm năng. Đó cũng là lý do mà mới đây thôi, khá nhiều người có lẽ đã cảm thấy sốc khi biết rằng, một tựa game thậm chí còn chưa ra mắt, thế nhưng đã thu về tới 54 triệu USD (khoảng hơn 1.200 tỷ) dựa trên việc bán các mảnh đất ảo của mình. Đó chính là Legacy – một game NFT được mô tả như “tựa game quản lý kinh doanh blockchain đầu tiên”.
Về cơ bản, ý tưởng của Legacy là khá độc đáo khi cho phép game thủ tự tay sáng tạo ra những sản phẩm, kiến trúc trong game với các công nhân, nhà máy ảo. Và tất nhiên, những thành phẩm này hoàn toàn có thể được giao dịch, trao đổi hoặc mang tham gia các cuộc thi nhằm kiếm về những phần thưởng có giá trị. Legacy cung cấp tới 4.661 mảnh đất ảo, được tạo hình trên một lục địa mô phỏng hình dáng của thành phố London. Và chẳng mất quá nhiều thời gian để 4.500 mảnh đất đã được mua, chỉ còn lại khoảng hơn 160 mảnh “vô chủ”.
Được biết, Legacy sẽ ra mắt vào một “thời gian nào đó” của năm 2022. Tức là, dù vẫn còn chỉ trên giấy tờ, thế nhưng những mảnh đất ảo trong Metaverse của tựa game này đã được bán gần như trọn vẹn. Thực tế, cũng chẳng thể đoán biết được rằng trong tương lai, Legacy liệu có thật sự là lựa chọn phù hợp và đúng đắn không, thế nhưng, có thể thấy rằng, sức hút của các tựa game NFT, Metaverse ở thời điểm hiện tại là lớn tới cỡ nào.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là “tiền ảo” chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư. GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.