Dù là con nhà nòi kinh doanh, không ngừng tìm kiếm cơ hội làm giàu từ dầu khí đến bạc, tỷ phú Nelson Bunker Hunk vẫn phải chịu cảnh phá sản cuối đời.
Trong số hơn 7 tỷ người trên thế giới, có tới hàng nghìn người đã ghi tên vào danh sách tỷ phú. Thế nhưng, người kiếm được hàng tỷ USD để rồi trắng tay chỉ sau một phi vụ thất bại thì chỉ có một. Đó là Nelson Bunker Hunt – ông trùm ngành bạc một thời.
Khởi nghiệp nhờ “vàng đen”
Nelson Bunker Hunt sinh ngày 22/2/1926 tại El Dorado, Arkansas. Khi ông còn nhỏ, gia đình đã chuyển tới sống ở Dallas.
Cha ông là H.L. Hunt – một trong những người phát hiện ra dầu sớm nhất ở vùng Đông Texas. Không chỉ là trùm dầu mỏ cực kỳ thành công, H.L. Hunt còn là người theo chủ nghĩa ủng hộ sinh sản. Ông có tới 15 đứa con với 3 người vợ khác nhau.
Trong số này, Nelson Hunt là người giống cha nhất. Ông có chung niềm khao khát làm giàu từ dầu mỏ như cha mình. Vì cha đã khai thác gần hết Texas, Nelson Hunt quyết định thử vận may ở nước ngoài.
Vị doanh nhân này càng nuôi mộng hơn sau khi nhìn thấy tỷ phú Jean Paul Getty “trúng đẫm” ở Saudi Arabia.
Trước năm 1949, 95% lượng dầu mỏ trên Trái đất được đều được tìm thấy ở Mỹ. Saudi Arabia là một vương quốc nhỏ đơn độc, với không tài nguyên thiên nhiên hay tiền bạc.
Tuy nhiên, sau 4 năm tìm kiếm không ngừng nghỉ, Getty đã tìm thấy mỏ “vàng đen” có trữ lượng khổng lồ ở Saudi Arabia. Vùng đất này trở thành một vương quốc giàu có như mọi người vẫn biết ngày nay, còn Getty trở thành người giàu nhất hành tinh.
Nelson Bunker Hunt (Ảnh: Value of Stocks)
Theo chân Getty, Nelson Hunt cũng thử làm giàu ở Trung Đông. Hai hợp đồng thuê dầu đầu tiên của ông ở Saudi Arabia và Pakistan hóa ra lại là những nỗi thất vọng lớn, chẳng đem lại giọt dầu nào mà vẫn tiêu tốn không ít tiền bạc.
Tuy nhiên, phi vụ thứ ba lại thành công ngoài mong đợi. Năm 1961, Nelson chuyển từ Trung Đông sang châu Phi và đặt cược vào Libya. Tại đây, ông đã tìm được mỏ dầu với trữ lượng lớn. Sau đó, vị doanh nhân này tiếp tục phát hiện mỏ dầu Sarir – nơi cho đến ngày nay vẫn là mỏ dầu lớn nhất tại Bắc Phi.
Cùng gia đình thống trị ngành bạc
Mỏ dầu Sarir giúp Nelson Hunt giàu lên trông thấy. Suốt hơn một thập kỷ, nó đã mang lại hàng tỷ USD doanh thu lợi nhuận cho Hunt International Petroleum. Thế nhưng, nguồn thu đột ngột chấm dứt khi Muammar al-Gaddafi lên nắm quyền vào năm 1973. Mọi tài sản của Hunt International Petroleum nhanh chóng bị quốc hữu hóa.
Không nản lòng vì thua lỗ, Nelson Hunt sử dụng tài sản của mình để đầu tư vào các dự án dầu khí quốc tế, các lô bất động sản khổng lồ, đường ống dẫn khí,… Em trai ông, Lamar Hunt, cũng trở nên vô cùng giàu có nhờ mỏ dầu Sarir. Ông cũng chính là người đã thành lập Hiệp hội Bóng bầu dục Mỹ, cũng như sở hữu đội bóng Kansas City Chiefs cho đến tận ngày nay.
Vào thập niên 70, Lamar, Nelson và anh trai William cùng tham gia vào thương vụ đầu tư mới: bạc. Họ bắt đầu tích lũy số lượng lớn các hợp đồng tương lai bạc, cũng như bạc thỏi và bạc xu.
(Ảnh: Montgomery Chandler)
Từ những nhà đầu tư mới nổi, đến năm 1979, anh em nhà Hunt gần như thống trị toàn bộ thị trường bạc trên thế giới. Ở thời kỳ đỉnh cao, chỉ riêng 3 người họ đã kiểm soát tới 1/3 lượng bạc trên thế giới. Phần lớn các thương vụ đầu tư đều được thực hiện bằng tiền đi vay.
Ban đầu, chiến lược này có vẻ hiệu quả. Chỉ riêng trong năm 1979, giá bạc tăng từ 6 USD lên đến 48,7 USD – mốc cao nhất mọi thời đại lúc bấy giờ. Anh em nhà Hunt tích trữ nhiều bạc đến mức Tiffany phải đăng quảng cáo trên New York Times để lên án chiến lược của họ.
“Chúng tôi cho rằng bất cứ ai tích trữ lượng bạc đáng giá cả tỷ USD, rồi đẩy giá lên cao tới mức người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền phi lý để sở hữu sản phẩm bạc là vô lương tâm”, quảng cáo viết.
Lạ lùng thay, trong thời kỷ đỉnh cao này, Nelson Hunt vẫn sống khá tằn tiện. Ông di chuyển khắp nơi bằng máy bay thương mại hạng phổ thông, cũng như thăm thú các thành phố bằng phương tiện công cộng.
“Tỷ phú giàu nhất thế giới” trắng tay chỉ sau một đêm
Jean Paul Getty đã từng là người giàu nhất thế giới, cho tới khi ông qua đời vào năm 1976. Vào thập niên 80, giá bạc vẫn liên tục tăng, giúp anh em nhà Hunt sở hữu khối tài sản khoảng 7 tỷ USD, tương đương với 20 tỷ USD ngày nay.
Chỉ riêng Nelson Hunt đã nắm trong tay 3-4 tỷ USD, tương đương với 8-11 tỷ USD sau khi điều chỉnh mức lạm phát. Nhờ đó, ông được truyền thông trao tặng danh hiệu “người giàu nhất thế giới”.
Tuy nhiên, tất cả đột nhiên biến mất vào 27/3/1980, hay còn được biết đến là “Ngày thứ Năm của Bạc” (Silver Thursday). Thị trường sụp đổ khiến bong bóng bạc vỡ tung. Chỉ trong nháy mắt, khối tài sản trị giá 7 tỷ USD của anh em nhà Hunt bỗng dưng biến thành khoản nợ lên tới 1,7 tỷ USD.
Trong vài năm tiếp theo, anh em nhà Hunt liên tiếp phải hầu tòa. Cuối cùng, một thẩm phán ở Texas đã yêu cầu họ phải trả hàng trăm triệu USD tiền bồi thường cho hàng loạt chủ nợ khác nhau.
Để có tiền trả nợ, 3 vị doanh nhân này buộc phải bán phần lớn tài sản còn lại của gia đình. Tuy nhiên, Lamar vẫn giữ được quyền sở hữu đội bóng Kansas City Chiefs.
Tháng 9/1988, Nelson Bunker Hunt – người từng là tỷ phú giàu nhất thế giới – buộc phải nộp đơn phá sản. Khối bất động sản trị giá 150 triệu USD của ông bị thanh lý toàn bộ. Số tiền thu được dùng để trả hàng chục triệu USD tiền phạt và khoản nợ với Sở Thuế vụ Mỹ. Nelson Hunt cũng bị cấm giao dịch hàng hóa trong suốt phần đời còn lại của mình.
Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Nelson Hunt đã được hỏi về khối tài sản cá nhân của mình. “Tôi không có con số cụ thể nào trong đầu về độ giàu của mình. Những người biết mình trị giá bao nhiêu thường không giá trị đến mức đó. Thế nhưng, 1 tỷ USD không còn giá trị như trước đây”.
Ngoài ra, Nelson Hunt còn bị buộc phải bán sạch 580 con ngựa thuần chủng mà ông sở hữu trên toàn thế giới. Vị doanh nhân này có một niềm đam mê sâu sắc với ngựa, từng nuôi 1.000 con thuộc các giống khác nhau, chuyên giành giải tại các cuộc đua.
Trái ngược với số phận của em trai, William Herbert lại có một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục. Ông không bị ảnh hưởng nhiều bởi “Ngày thứ Năm của Bạc” hay cuộc chiến pháp lý sau đó. William tiếp tục đầu tư vào những mỏ dầu ở Montana, sau đó bán lại cho đối tác vào năm 2012 với giá 1,5 tỷ USD, tương đương với 3 tỷ USD ở hiện tại.
Trong khi đó, Nelson lại không thể quay lại thời kỳ hoàng kim xưa. Ông dành nốt phần đời khiêm tốn còn lại trong một căn nhà nhỏ ở Dallas. Khi sức khỏe xuống dốc, người giàu nhất thế giới một thời đành chuyển đến viện dưỡng lão và qua đời ở đây, hưởng thọ 88 tuổi.
(Theo CN)