Nhiều người ngưỡng mộ khi thấy người khác xài hàng hiệu, nhưng nhiều người lại chê phí tiền khi thấy ai đó dành 1 khoản khá lớn cho giày dép, túi hiệu hay xa xỉ phẩm. Việc mua và dùng hàng hiệu vẫn gây tranh cãi khắp nơi ở 1 mức độ nào đó. Tuy nhiên, tìm hiểu mới biết hàng hiệu bây giờ không chỉ là những món đồ khiến bạn trở nên sành điệu, sang chảnh hơn; cũng không hẳn chỉ là sở thích cá nhân mà với không ít người – nó còn là một khoản đầu tư hậu hĩnh.
Thực tế có thể khiến bạn bất ngờ. Hàng hiệu hiện nay được coi là một hình thức đầu tư sinh lời hiệu quả. Nhất là gần đây khi “cơn bão” Chanel tăng giá khiến chị em đứng ngồi không yên, chuyện mua hàng hiệu để đầu tư lại được nhắc lại.
Như mới đây, ca nương Kiều Anh cũng nhắc đến chuyện Chanel tăng giá túi. Cô cho biết chiếc Classic Beige của mình mua 2 tuần trước có giá 223 triệu và bây giờ đã tăng lên hơn 240 triệu, tăng sương sương có gần 20 triệu thôi đó! Hoa hậu Hương Giang cũng khoe mới tậu 2 chiếc Chanel cũng lời hứa sẽ làm 1 vlog nói về việc mua túi, dùng xong mà vẫn lời.
Cùng tìm hiểu xem vì sao hàng hiệu lại trở thành loại hình đầu tư “hot” đến vậy thời gian gần đây.
Nội dung tóm tắt
Về lý thuyết, đầu tư vào hàng xa xỉ luôn là một lựa chọn tốt
Ngay cả khi một số hàng hoá cao cấp có thể giảm dần giá trị theo thời gian, phần lớn hàng hoá xa xỉ “thực sự” vẫn tăng lên hoặc ít nhất là ổn định theo thời gian. Đối với một số mặt hàng, giá trị “cảm nhận” (the perceived value) có thể tăng vọt làm cho các khoản đầu tư sinh lời hơn. Giá trị tiền tệ của bất kỳ hàng hoá nào tại một thời điểm nhất định phụ thuộc vào giá trị cảm nhận của nó tại thời điểm đó.
Giá trị cảm nhận có thể hiểu đơn giản là giá trị của một sản phẩm dựa trên mức độ khách hàng muốn hoặc cần nó, chứ không phải dựa trên giá trị thực (chi phí sản xuất ra sản phẩm). Đó là “con số” vô cùng mong manh có thể dao động tuỳ thuộc vào các biến số như độ nổi tiếng của thương hiệu hiện tại, chất lượng cảm nhận của mặt hàng, độ hiếm, độ “cổ” cũng như nhu cầu thị trường hiện tại,…
Thị trường hàng hiệu thường được kích thích bởi một cộng đồng lớn các nhà sưu tập và sự hợp tác giữa các thương hiệu cao cấp với nhau. Một trong những ví dụ về sự hợp tác “giới hạn” này có thể kể đến Dior x Jordan và Prada x Adidas. Vì là các mặt hàng “limited”, các sản phẩm này thường được săn lùng trên “chợ đen”. Chúng có thể được bán lại với giá 300% ngay sau khi ra mắt.
5 sản phẩm hàng hiệu đáng đầu tư vào
1. Túi xách thiết kế
Khi nói đến các khoản đầu tư xa xỉ, chúng ta thường nghĩ ngay đến túi xách – vốn chiếm vị trí tối cao. Cụ thể là những chiếc túi xách được thiết kế bởi những “kẻ khổng lồ” của ngành thời trang.
Ví dụ, vào năm 2016, một chiếc túi Hermès Himalayan Birkin, với màu vàng trắng và trang trí kim cương, được bán với giá 372.600 USD. Những mức giá đáng kinh ngạc này không chỉ vì thương hiệu mà là do nguồn cung được kiểm soát chặt chẽ. Chỉ khoảng 12.000 chiếc Túi Birkin đó được sản xuất trong một năm và chỉ được bán cho khách hàng “VIP”. Tức là không phải bạn có tiền muốn là mua được. Sự uy tín và khan hiếm này đã giúp Hermès Birkin Bags tăng giá trị trung bình hàng năm là 14,2%.
Hay mới đây, thông tin túi Chanel tăng giá đợt đầu tiên trong năm 2022 và đợt thứ 4 từ năm 2021 đến nay khiến hội chị đẹp “chơi” túi đứng ngồi không yên. Dù đây lần tăng đầu tiên vào năm 2022, nhưng Chanel đã từng tăng giá mẫu túi cổ điển đến 3 lần trong năm 2021. Trong hơn 2 năm qua, mức giá dành cho mẫu túi cổ điển trung bình của Chanel đã tăng 52% trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.
Trong mười năm qua, một số túi xách hàng hiệu đã tăng 83% giá trị, vượt trội so với hầu hết các mặt hàng xa xỉ khác.
2. Đồng hồ
Tại một cuộc đấu giá của Sotheby vào năm 2020, chiếc đồng hồ Patek Philippe Ref 2499 được bán với giá 818.600 USD. Đồng hồ được bán với giá lên đến hàng triệu đô la không phải là điều gì mới mẻ.
Đặc biệt, Rolex luôn là một khoản đầu tư tuyệt vời, với một số đồng hồ thường có lợi tức mỗi năm gần 10% hoặc cao hơn. Các thương hiệu đáng chú ý khác bao gồm Audemars Piguet, Patek Philippe và Hublot.
Mặc dù giá có thể khác nhau, nhưng một chiếc đồng hồ hàng hiệu dùng để đầu tư có thể sẽ có giá trị ít nhất là 5.000 đô la.
Không nói đâu xa, mới đây, nữ đại gia Quận 7 – Đoàn Di Băng khoe mình lời 3 tỷ trong vòng 3 tháng nhờ mua 1 chiếc đồng hồ. Cụ thể, Đoàn Di Băng chia sẻ thông tin chiếc đồng hồ đính kim cương Patek Philippe được mua với giá 6,1 tỷ của mình đã tăng giá lên đến 9,4 tỷ. Tính sơ qua, nếu chốt lời luôn nữ đại gia sẽ thu về lợi nhuận lên đến 3,3 tỷ.
3. Giày thể thao
Nghiên cứu phân tích 50 thương hiệu giày thể thao khác nhau trong nhiều thập kỷ đã chỉ ra rằng một số đôi giày thể thao đã tăng giá trị hơn 60 lần so với giá chào bán ban đầu của chúng.
Tại sao giày thể thao lại tăng nhanh hơn cả vàng (thứ mà người Việt đặc biệt hay dùng để tích sản và chống lạm phát)? Lý do chủ yếu là những đôi giày này thường có sự giao thoa văn hóa và hoài cổ gắn liền với chúng. Ví dụ: Nike Air Jordans không chỉ là giày thể thao, chúng thực sự là những vật phẩm có ý nghĩa văn hóa trong cả văn hóa bóng rổ và hip hop.
4. Rượu “cổ điển”
Bạn có biết từ cổ điển (vintage) lần đầu tiên được dùng để chỉ rượu vang? Có một lý do để bạn có thể nhìn thấy “cây nho” (vine) trong từ “cổ điển”. Điều này có thể làm cho rượu vang cổ điển trở thành đồ sưu tầm sang trọng từ xa xưa!
Trong khi rượu vang đã được sưu tầm từ thế kỷ 19, thì đến những năm 90, rượu vang mới bắt đầu phát huy tác dụng như một khoản đầu tư. Một chai rượu có thể dễ dàng tăng giá trị lên 30% trong vòng 5 năm, nếu không muốn nói là có thể cao hơn!
Rượu vang là một khoản đầu tư hàng hiệu hấp dẫn vì sự đa dạng giá cả mua vào. Vì rượu được dành để uống nên bạn có thể thấy nó thường có nhiều phân khúc khác từ tầm trung cho đến “cực kỳ xa xỉ”. Tuy nhiên, một loại rượu đáng để đầu tư có lẽ phải ít nhất là vài trăm đô la, và từ một nhà máy rượu vang có tên tuổi.
Về lợi nhuận kỳ vọng, những loại rượu đắt tiền nhất có thể được bán đấu giá với giá từ $10.000 – $100.000. Tất nhiên, lợi nhuận cao hơn có xu hướng dành cho những chai có lịch sử độc đáo.
5. Xe cổ
Trong 10 năm qua, xe cổ đã cho thấy mức lợi nhuận khổng lồ 404%. Sự tăng trưởng đáng kinh ngạc này liên quan đến thực tế là xe cổ hiếm khi bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường. Xe cổ là một tài sản đã tăng giá ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Điều này một phần có thể là do những người sưu tập xe cổ nổi tiếng và thường là một nhóm người tiêu dùng rất giàu có. Nhược điểm của việc đầu tư vào ô tô là nó không phải thứ bạn có thể “tích trữ” dễ dàng như rượu hay túi xách. Bạn sẽ cần một nhà để xe thích hợp để cất giữ nó và thường phải thuê một người nào đó để giúp tân trang và bảo trì. Tuy nhiên, nhà đầu tư “mát tay” trong buôn bán coi việc tân trang lại như khoản chi phí để bán được chiếc xe với giá cao hơn.
Ảnh: Tổng hợp
https://kenh14.vn/doan-di-bang-loi-3-ty-trong-3-thang-huong-giang-khang-dinh-mua-tui-nhu-dau-tu-vi-sao-hang-hieu-len-gia-nhung-dai-gia-khong-bao-gio-tiec-tien-20220305164125791.chn
Rika