Trước khi Hi-Fi Rush ra mắt trên PC vào ngày 25/1 vừa rồi, không một ai biết về sự tồn tại của game này. Nhưng sau khi nó ra mắt, cả thế giới đều được nghe những nhịp điệu của trò chơi.
Trong những ngày qua, hẳn game thủ Việt không ít thì nhiều đều từng nghe về cái tên Hi-Fi Rush. Đây là một tựa game hành động ra mắt đầy bất ngờ, và lan tỏa trong cộng đồng người chơi như một cơn lốc. Tác giả cũng không nằm ngoài tầm phủ sóng của trò chơi này và vì thế quyết định chơi thử game.
Mời các bạn tham gia cộng đồng game thủ S-Games trên Discord, sân chơi mới cho các game thủ có thể trao đổi về các tựa game hot trên thị trường, chia sẻ kinh nghiệm chơi game, bắt cặp leo rank và trò chuyện cùng nhau sôi nổi. Tại Discord S-Games, bạn còn được nhận các code độc quyền những tựa game mới nhanh nhất, hấp dẫn nhất. Còn chờ gì nữa,
THAM GIA NGAY DISCORD S-GAMES!
Nội dung tóm tắt
“Làm game trong âm thầm” lại thành công
Chiến thuật tung game ra mắt một cách bất ngờ không mấy khi được sử dụng, và trong những năm gần đây thì trường hợp duy nhất mà tác giả nhớ được là Apex Legends, tựa Battle Royale của Respawn Entertainment. Trò chơi này được ra mắt vào dịp Tết Âm lịch 2019 và đã khiến cộng đồng game thủ có được bất ngờ thú vị với gameplay mới mẻ, ẩn chứa hàng loạt yếu tố thú vị khiến các tựa game khác như PUBG hay Fortnite phải nhái theo.
Bẵng đi 4 năm, trong những ngày đầu năm mới 2023, game thủ thế giới lại được thấy chiến thuật này được sử dụng một lần nữa, lần này là bởi Microsoft. Họ hợp tác cùng Tango Gameworks, một studio nổi tiếng với các tựa game kinh dị như hai bản The Evil Within và Ghostwire Tokyo để bất ngờ “đột kích” game thủ với Hi-Fi Rush, một tựa game hành động + âm nhạc cực “cháy”. Không một ai trên thế giới biết về trò chơi này ngoài những người tự tay làm ra nó, và trong bối cảnh mà hacker và leaker tràn lan như hiện tại, việc game được giữ bí mật đến phút chót quả là một điều bất ngờ.
Hi-Fi Rush là gì?
Tựa game mới nhất của Tango Gameworks là một game hành động kết hợp với âm nhạc (rhymth action), trong đó game thủ điều khiển nhân vật chính Chai hiện thực hóa giấc mơ làm sao nhạc Rock của mình bằng cách… tháo dỡ lũ robot xấu số bị thả vào chung với anh chàng trong các đấu trường. Chai cần làm điều này theo đúng giai điệu được phát ra trong game và tạo ra những combo thật dài để có thể ghi được điểm càng cao càng tốt. Bạn có thể tìm thấy một số game khác thuộc thể loại này ra mắt trong những năm gần đây như Bullets Per Minute, Rez hay Metal: Hellsinger.
Do là một tựa game âm nhạc, tất cả mọi thứ trong Hi-Fi Rush đều diễn ra theo nhịp điệu, và càng ăn khớp với nhịp điệu này thì game thủ sẽ càng có điểm cao. Thật ra, ngay cả động tác của các nhân vật hay chuyển động của các vật thể trong môi trường cũng “ăn rơ” với nhạc, và đóng vai trò như một manh mối để game thủ dễ dàng xác định thời điểm ra chiêu của mình. Những ai chưa từng chơi qua game âm nhạc (như tác giả) có thể sẽ cần một chút thời gian để làm quen với gameplay này, nhưng chỉ một vài phút trôi qua và bạn sẽ thấy mình điều khiển Chai như một nghệ sĩ đích thực.
Cách chơi của game hoàn toàn tập trung vào việc chiến đấu theo nhịp điệu của âm nhạc trên đấu trường. Game có hai nút tấn công là yếu và mạnh, và khi tung chiêu đúng nhịp (hãy tưởng tượng bạn đang tìm kiếm “Perfect” trong Audition), combo sẽ có thể được kéo dài ra vô tận. Các kẻ địch cũng tuân theo nhịp nhạc, và đòn tấn công của chúng thậm chí còn hiển thị rõ khu vực ảnh hưởng trên mặt đất để giúp bạn có thể né tránh dễ dàng. Càng đánh đúng điệu, né càng “nghệ” và kéo combo càng dài, điểm số bạn nhận được càng cao và mức đánh giá cũng sẽ tăng dần, đặc biệt là khi bạn đối phó với nhiều kẻ địch cùng lúc.
Độ khó của game tăng dần một cách đều đặn, nên khi đến lúc rơi vào những đấu trường với 5 hay 6 con quái cùng lúc, tác giả không cảm thấy “ngộp” mà lại nhận được một thử thách vừa tầm, đòi hỏi kết hợp tất cả những kỹ năng mà mình vừa học được trong những trận đấu trước đây. Đánh bại những kẻ địch này đem lại một cảm giác thỏa mãn tuyệt vời, điều chỉ có được trong những tựa game biết tạo ra độ khó một cách công bằng, chứ không phải đơn thuần là “bơm” chỉ số cho kẻ địch.
Nếu phải tìm kiếm điểm trừ trong lối chơi của Hi-Fi Rush, có lẽ tác giả sẽ chỉ tay về phía các đấu trường của game. Do trò chơi chỉ tập trung vào chiến đấu, phần môi trường hơi bị bỏ quên nên bạn sẽ không tìm thấy những khung hình ấn tượng xứng đáng được dùng làm wallpaper. Tuy nhiên vấn đề này có thể bỏ qua, vì nói tóm lại thì các trận chiến trong game vẫn quá tuyệt vời.
Hình ảnh, âm thanh
Phong cách đồ họa anime của game không có nhiều điểm sáng, bởi nó chỉ tập trung vào việc tạo ra một tựa game “giống manga” hết mức có thể. Bạn có thể nhận ra điều này với các hiệu ứng chiến đấu, tia lửa và ánh chớp hay các hiệu ứng âm thanh được hiển thị dưới dạng chữ (như “boom, bam, clink, zwah”) xẹt qua trên màn hình. Bù lại, nền đồ họa này không đòi hỏi một cấu hình máy cao cấp và game có thể chạy rất mượt mà trên dàn PC 5 năm tuổi.
Đội ngũ phát triển Tango Gameworks đã thực sự dành tâm huyết vào việc thiết kế phần nhìn của trò chơi, bởi dù game chọn phong cách đồ họa anime không chú trọng vào chi tiết, game thủ vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy và ghi nhận những manh mối quan trọng được sắp xếp trên màn hình. Các vật thể quan trọng trong đấu trường được thiết kế một cách nổi bật nhưng không làm rối mắt game thủ, mà lại âm thầm chỉ dẫn người chơi khi nào nên ra đòn, khi nào cần chờ đợi. Có thể nói rằng đồ họa dù chỉ ở mức vừa đủ, nó cũng là một phần quan trọng trong lối chơi của game.
Âm nhạc trong trò chơi lại càng quan trọng hơn nữa. Các bài nhạc được sử dụng trong game đều là những bản nhạc điện tử sôi động, với nhịp trống mạnh mẽ đóng vai trò hướng dẫn game thủ chiến đấu. Ngoài âm thanh thì nhịp trống này cũng được hiển thị qua ánh chớp xanh của chú robot nhỏ luôn bám sát bên cạnh Chai, nên bạn sẽ không bao giờ gặp phải vấn đề khi các hiệu ứng âm thanh của cuộc chiến át mất phần nhạc. Bản thân các bản nhạc cũng đủ thú vị, có thể khiến tác giả cảm thấy muốn nhún nhảy theo dù đang ngồi trên ghế chơi game.
Lời kết
Vào thời điểm tác giả thực hiện bài viết này, Hi-Fi Rush đã có mặt trên Game Pass và vì thế những ai đăng ký dịch vụ này có thể chơi mà không tốn một đồng nào nữa. Game thủ ưu ái Steam có thể mua trò chơi với giá 450,000 đồng, một mức giá không mềm nhưng theo tác giả là thực sự xứng đáng với chất lượng của nó.
Danh sách PC Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS