Không thể phủ nhận rằng, trào lưu game NFT đã và đang thật sự tạo ra một cơn sốt ở thời điểm hiện tại. Tới mức mà những thuật ngữ như GameFi, Game NFT, Metaverse còn đang dần trở thành xu thế quan tâm, đầu tư mới của giới trẻ. Bắt đầu tạo dựng được sự chú ý sau thành công nổi trội, gây được tiếng vang của Axie Infinity, và tới tận bây giờ, số lượng dự án game NFT mới được ra mắt đã nhiều tới mức khó lòng thống kê hết. Thế nhưng, dù đã trải qua quá trình hình thành và phát triển tương đối lâu, đa số các tựa game NFT vẫn mắc phải một số vấn đề nan giải dưới đây.
Vấn đề “lạm phát” trong game
Trên thực tế, trong mọi tựa game, dù là các tựa game truyền thống đi chăng nữa, việc những người chơi bắt đầu từ sớm luôn là một lợi thế vượt trội hơn phần nào so với những người chơi sau. Đây là điều khó tránh khỏi trong mọi trò chơi, dù có thuộc thể loại MOBA, MMORPG đi chăng nữa. Trong game NFT, điều này thậm chí còn được thể hiện rõ ràng hơn.
Hãy cứ nhìn vào thành công của Axie Infinity. Sẽ chẳng quá khó để tìm ra những game thủ đã từng thu được lợi nhuận lớn với trò chơi này. Nhưng rồi theo thời gian, khi “kinh tế” trong game không được vận hành đúng cách, lạm phát xảy ra, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy thực tế rằng Axie Infinity đã không còn là miền đất hứa cho các game thủ như trước. Chi phí đầu tư ban đầu cao lên rất nhiều, trong khi giá trị của token trả thưởng lại xuống dốc thậm tệ, dẫn tới thời gian thu hồi vốn ngày càng tăng đã khiến cho những newbie mới muốn gia nhập Axie Infinity cũng phải ngao ngán. Đó chính xác cũng là một trong những vấn đề nan giải của dòng game NFT ở thời điểm hiện tại.
Vấn nạn lùa gà, scam ngày càng xuất hiện nhiều
Số lượng dự án game NFT là rất nhiều, nhưng nếu để ý, không ít người sẽ nhận ra rằng số lượng tựa game thật sự phát hành được phiên bản chính thức lại ít hơn tương đối so với những “dự án” được quảng cáo trên giấy. Điều này cũng xuất phát khá nhiều từ tư duy “ăn xổi” của không ít dự án game NFT mà trong đó, đáng kể nhất phải nói tới nạn lùa gà, scam.
Có rất nhiều dự án game NFT huy động số tiền gọi vốn ở mức khủng với biết bao kỳ vọng, nhưng những gì sau đó lại hoàn toàn trái ngược. Điển hình như trường hợp của Pixelmon mới đây, gọi vốn tới 70 triệu USD nhưng lại tạo ra một trò chơi mà đồ họa của nó như tác phẩm của công nghệ game cách đây 20 năm về trước vậy. Câu hỏi đặt ra là số tiền 70 triệu USD đó đã được sử dụng vào mục đích gì, ra sao thì có lẽ, tự chúng ta sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Nhưng chắc chắn, ở thời điểm hiện tại, các dự án game NFT vẫn đang trong tình trạng “thật giả lẫn lộn” và cũng tạo nên vô số vấn đề nhức nhối cho các game thủ.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là “tiền ảo” chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư. GameFi (viết tắt của Game + Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.