Dù cố giữ, pin điện thoại sau thời gian dài sử dụng vẫn bị chai.
Pin điện thoại là một trong những linh kiện quan trọng và được nhiều người quan tâm trong quá trình sử dụng thiết bị hàng ngày, đặc biệt là smartphone. Vậy làm sao để giữ cho pin thường xuyên trong điều kiện hoạt động tốt nhất, không gây ảnh hưởng tới tác vụ mỗi ngày cũng như ngăn hư hỏng đột ngột?
Để hiểu rõ hơn, trước hết người dùng cần biết về khái niệm “chu kỳ sạc” – yếu tố ảnh hưởng tới sự chai pin. Một chu kỳ sạc được tính khi người dùng sạc pin điện thoại từ 0% đến 100% (theo Phone Arena) và khi đạt số lần càng cao, tuổi thọ pin càng giảm. Trong khi đó, Apple tính một chu kỳ sạc là khi tổng lượng điện năng đưa vào máy đạt 100% dung lượng pin, bất kể sạc bao nhiêu lần. Ví dụ, mỗi lần sạc 10% thì 10 lần mới đủ 100%, tương đương 1 chu kỳ.
Nhưng dù cách tính chu kỳ sạc ra sao, khi đạt một mức giới hạn nào đó, người dùng sẽ cần thay viên pin mới cho điện thoại để đảm bảo công năng cũng như an toàn sử dụng.
Theo SlashGear, công nghệ pin Lithium-ion (gọi tắt Li-ion) đang dùng trên smartphone hiện đại có khả năng sạc từ 400 tới 500 chu kỳ trước khi bước vào giai đoạn suy yếu. Để kéo dài tuổi thọ pin, người dùng có thể áp dụng một số biện pháp khác nhau nhằm tránh linh kiện này chạm ngưỡng 100%.
Ở smartphone cao cấp, đa phần nhà sản xuất trang bị những tính năng sạc thông minh, tự ngắt dòng hoặc giới hạn sạc ở mốc 80% và kéo dài thời gian cần để đạt tới 100% nhằm tránh làm mất một chu kỳ sạc. Nhiều dòng máy có sạc nhanh cũng chỉ cho khả năng sạc tối đa ở 50% đầu tiên, sau đó giảm dần tốc độ khi tiến sát ngưỡng 80% và về sạc chậm sau mốc này, từ đó tiến dần tới 100%.
Nhiệt độ thiết bị trong suốt quá trình sạc cũng là yếu tố ảnh hưởng tới độ bền của pin. Theo PCMag, nền nhiệt thích hợp cho điện thoại trong khi sạc dao động từ 0 độ C tới 35 độ C. Người dùng không nên sử dụng thiết bị trong thời gian này, đồng thời nên tắt bớt tác vụ không cần thiết. Hiện nay, đa phần smartphone có tính năng cảnh báo người dùng nếu nhiệt độ máy lên quá cao trong quá trình sạc, thậm chí tự ngắt dòng nếu vượt mức nhiệt cho phép.
Để máy trên giường có phủ ga, trên đệm, chăn, gối… hay các vật bằng vải mềm có thể gây ra cháy nổ do các vật liệu này sẽ bao phủ điện thoại, làm giảm khả năng thoát nhiệt ra môi trường chung quanh. Bề mặt khuyến nghị khi đặt điện thoại trong lúc sạc là nơi thoáng khí, bề mặt cứng. Khi thấy điện thoại quá nóng nên rút sạc và để cho máy tự nguội thay vì đưa vào nơi có nhiệt độ thấp độ ngột (ví dụ tủ lạnh). Hành động này sẽ gây hư hỏng linh kiện, trong đó có pin.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người dùng nên có chu trình sạc – xả pin hợp lý, đồng thời nên khởi động lại máy sau thời gian dài sử dụng. Máy móc cũng như con người, sẽ cần thời điểm để “tự làm mới mình”, giúp mọi thứ vận hành trơn tru và đảm bảo độ ổn định của linh kiện. Người dùng không nên thường xuyên để máy trong tình trạng kiệt pin (về 0%), nhưng đôi ba tháng xảy ra 1 – 2 lần cũng không phải vấn đề đáng ngại.
Khánh Linh