Thử tưởng tượng bạn đang ngồi trong một buồng ăn nhỏ được bao quanh bởi những tấm rèm đen, mùi nước dùng thịt thoang thoảng lướt qua khứu giác. Bỗng có một đôi tay vươn qua bóng tối và đặt trước mặt bạn một bát mì ramen thịt heo nóng hổi. Bạn bắt đầu ăn trong im lặng, cảm nhận hơi nước bốc lên nghi ngút và rồi ra về khi đã thưởng thức xong bữa ăn mà không nói lấy một lời.
Đây được gọi là “buồng ăn tập trung vào hương vị” và không dành cho những người thích sự ồn ào, náo nhiệt. Chuỗi nhà hàng Ichiran ở Nhật Bản đã phổ biến cách ăn uống ít tương tác như vậy, giúp thực khách có thể đặt đồ ăn và thưởng thức theo cách càng ít tiếp xúc với con người càng tốt.
Được thành lập tại Fukuoka vào năm 1960, Ichiran tin rằng việc ăn uống tách biệt sẽ giúp mọi người tập trung vào bữa ăn của họ. Bên cạnh lý do đây là một cách ăn uống khoa học thì điều quan trọng nhất là Ichiran giúp khách hàng không bị kỳ thị.
Hành trình của phong cách “chỉ có một mình”
Nhật Bản đã phải vật lộn với sự cô lập trong nhiều thế kỷ. Là một quần đảo nhỏ ngoài khơi, quốc gia này đã trải qua hơn 2 thế kỷ (1639-1853) áp dụng chính sách Sakoku (Tạm dịch: Đất nước khép kín) và gần như đã hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của nền văn minh.
Điều đó khiến văn hoá tự nhìn nhận lại bản thân, tập trung cho thực tại phát triển mạnh mẽ vào thời kỳ này, dẫn đến các phương thức nghệ thuật mang tính biểu tượng mà chúng ta vẫn thấy ở Nhật Bản ngày nay, như thơ haiku hay kịch kabuki.
Cuối thế kỷ 19, Mạc phủ sụp đổ, Nhật Bản bước vào thời kỳ hiện đại kéo theo hàng loạt những sự thay đổi về chính trị, sức mạnh quân sự và kinh tế. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai cùng với nhiều bất ổn trong thị trường lao động, các công ty Nhật Bản cung cấp việc làm lâu dài cho nam giới. Trong khi đó, các chuẩn mực văn hoá lại khuyến khích nữ giới ở nhà nội trợ.
Tất cả những điều này đề cao việc lập gia đình, đặc biệt là gia đình hạt nhân và đã tạo nên “văn hoá tập thể”, nhấn mạnh vào nhu cầu và mục tiêu của cộng đồng hơn là của từng cá nhân.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế suy giảm trong những năm 1990 bởi cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc thế giới mới, việc xây dựng gia đình của người Nhật Bản cũng thay đổi. Số hộ gia đình độc thân vẫn đang tăng lên cho đến ngày nay. Quy mô hộ trung bình giảm từ 2,82 người/hộ năm 1995 xuống 2,39 người/hộ năm 2015.
Khi người ta bắt đầu ra ngoài xã hội với trạng thái “đơn thương độc mã”, sự kỳ thị về việc “không có gia đình” hoặc “không có bạn bè” trở nên mạnh mẽ. Mặc dù các nhà hàng như Ichiran hiện nay luôn khuyến khích khách hàng dùng bữa một mình và chỉ tập trung vào tô mì trước mặt nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng ban đầu, họ kiếm tiền bằng sự “xấu hổ” của những thực khách đi ăn mà không có ai sánh bước.
Muôn kiểu ăn một mình
Cách thưởng thức món ăn ở Ichiran rất đơn giản. Sau khi khách hàng chọn xong buồng ăn sẽ chuyển sang đặt món. Vị khách có thể chọn mức độ dai và đậm đà của sợi mì theo ý thích. Người phục vụ sẽ mang đến một quả trứng lòng đào cùng với muối như một món khai vị, sau đó đóng rèm hoặc cửa sổ của buồng ăn lại cho đến khi món chính được hoàn thành.
Buồng ăn sẽ có sẵn khăn ăn và bình nước nên thực khách không cần hỏi nhà hàng để được cung cấp thêm. Và rồi một đôi tay lặng lẽ vươn ra để đặt bát mì xuống bàn. Luôn có một tấm rèm che khuất đi khuôn mặt của cả khách hàng và người phục vụ. Không có chuyện giao tiếp, dù là bằng ánh mắt hay lời nói. Tất cả đều hoàn toàn ẩn danh.
Phong cách ăn một mình này đã phổ biến đến nỗi giúp Ichiran phát triển lên gần 60 nhà hàng. Hiện nay, trải nghiệm ăn một mình không chỉ có mì ramen mà còn thêm nhiều món nữa.
Nếu vẫn có những vị khách không muốn ngồi một mình, Moomin Café ở Tokyo là một sự lựa chọn không tồi. Nhà hàng sẽ giúp thực khách ngồi đối diện với những chú hà mã nhồi bông khổng lồ để xua tan nỗi cô đơn. Hoặc họ có thể tải ứng dụng Dinner With My Boyfriend (Tạm dịch: Ăn tối với bạn trai của tôi) để có hình ảnh những người đàn ông đẹp trai ngồi diện.
Có một cách khác là bật một series DVD cũ có tên Oshokuji no Jikan bao gồm các video có người phụ nữ đang ăn, như vậy thì sẽ không có ai phải ăn một mình nữa. Vào năm 2014, nhà hàng PiaPia ở Tokyo đã cấm các cặp đôi đến vào đêm Giáng sinh. Lý do là bởi họ “sẽ gây tổn thương nghiêm trọng” cho những người ở một mình vào dịp lễ này.
Xã hội Nhật Bản ngày nay đang ngày càng chấp nhận những thói quen và sở thích cá nhân của mọi người, và các quán ăn đang phản ánh điều đó.
Nhà báo du lịch của New York Times tên Stephanie Rosebloom đã viết vào năm 2015: “Bàn cho hai người trở lên không phải là cách sắp xếp mặc định. Không có gì lạ khi ngồi đối diện với một đầu bếp sushi và trò chuyện với họ, hoặc đặt một bữa ăn từ máy bán vé của nhà hàng và thưởng thức các món trên ghế đẩu cùng với những thực khách đơn lẻ khác”. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy các bữa ăn cho một người ở các trung tâm thành phố, nơi thực đơn có những món ăn nhỏ như ngón tay vậy.
Mô hình Ichiran cũng đang được áp dụng tại Mỹ. Chuỗi nhà hàng này đã mở chi nhánh đầu tiên tại Bushwick, Brooklyn, Mỹ, vào tháng 10/2016. Không gian ở đây được phân chia giữa khu vực bàn ăn truyền thống và một căn phòng trong buồng riêng – nơi chỉ có thể gọi món duy nhất là ramin thịt heo.
Các nhà phê bình không hài lòng với chất lượng đồ ăn cũng như trải nghiệm mới mẻ này. Nhà phê bình ẩm thực Robert Sietsema gọi buồng ăn riêng là “nhà tù ramen nhỏ” chỉ phục vụ “một tô mì quá đơn giản.”
Thế nhưng, hàng trăm thực khách sành điệu vẫn xếp hàng dài. Mục đích của họ có thể là chỉ để đăng ảnh lên Instagram, dù nhà hàng đã có biển báo bên trong mỗi phòng với yêu cầu hãy tắt tiếng điện thoại để có thể chỉ “tập trung vào hương vị” mà thôi. Nhưng đó là sự khác biệt giữa phong cách ăn uống ít tương tác của người Mỹ ngày nay: Họ muốn loại bỏ sự phiền nhiễu hơn là muốn yên tĩnh và tránh xa mọi người như người Nhật.