So sánh SGB MSI 2022 vs PVB MSI 2019, Bầy trâu nào mạnh mẽ hơn?

Buffalo là đại diện gần nhất của Việt Nam tham dự MSI 2019 và 2022, họ đã thay đổi ra sao, SGB liệu sẽ duy trì được thành tích của PVB?

Mid Season Invitational 2022 chỉ còn ít ngày nữa sẽ khởi tranh, trừ khu vực LPL, các đội tuyển khác đều đã có mặt tại Busan Hàn Quốc để tham dự giải đấu. Đại diện cho khu vực VCS tham dự kỳ MSI lần này chính là Saigon Buffalo, đội tuyển dành hạng 2 tại VCS Mùa Xuân khi GAM Esports nhường slot vì phải tham dự Sea Games 31. Bầy Trâu cũng là đội tuyển tham dự kỳ MSI trước đó là MSI 2019 có sự góp mặt của khu vực VCS nhưng đội hình đã thay đổi hoàn toàn, chỉ còn huấn luyện viên Ren. Vậy Buffalo nào mạnh mẽ hơn, Phong Vũ hay Saigon, cùng quay lại quá khứ và đánh giá sức mạnh của SGB trong kỳ MSI lần này nhé.

Đánh giá các vị trí

Zeros – Hasmed

Tại vị trí đường trên, Zeros luôn được đánh giá là một trong số ít những người chơi đường trên kỹ năng cao và xuất sắc nhất mà khu vực VCS từng sản sinh ra. Năm 2019 cũng là thời kỳ đỉnh cao phong độ của Zeros khi anh cùng PVB thống trị giải đấu quốc nội tại Mùa Xuân, dành tấm vé đi MSI với vị trí thứ 6 và vô địch mùa hè khi trở lại màu áo GAM Esports.

Lối chơi của tuyển thủ nhận án phạt “global ban” thời điểm đó vô cùng hổ báo, Zeros được mệnh danh là “ông hoàng solo kill” và đã từng làm điều đó một lần trước TheShy trong trận đấu tại vòng bảng MSI 2019 với các thành viên IG. Giai thoại “ăn mày quá khứ” này được lưu truyền về sau khi Zeros chuyển sang hoạt động livestreaming nhưng chắc chắn tại 2019, đây vẫn là đường trên đáng gờm và xuất sắc bậc nhất của khu vực VCS cho tới thời điểm hiện tại.

Được mệnh danh là “ông nội” của Zeros – Hasmed hay trước đó là Raizo hiện tại đang thế chỗ người đàn anh tại Buffalo. Trái ngược với Zeros, lối chơi của Hasmed không quá hổ báo để chơi trên đầu đối thủ nhưng trong người đội trưởng của SGB hiện tại đem lại một sự chắc chắn và tỏa sáng khi cần thiết. Trong các kèo đối đầu trực tiếp với Zeros trước đây, “ông nội” Hasmed thường là người chơi kiểm soát thế trận tốt hơn khi Zeros không duy trì được phong độ hủy diệt như những năm 2019. Bể tướng của cả hai cũng được đánh giá là ngang bằng và sử dụng nhuần nhiễn các vị tướng phục vụ lối chơi của mình.

Tuy nhiên nếu để so sánh giữa Zeros tại MSI 2019 và Hasmed MSI 2022, Zeros chắc chắn vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu cả về chuyên môn lẫn kỹ năng, đơn giản vì anh quá xuất sắc tại thời điểm đó.

Mediodas/XuHao – BeanJ

Tại khu vực rừng chúng ta có PVB Meliodas – PVB XuHao và SGB BeanJ.

Tại MSI 2019, cả Meliodas và Xuhao phần nào đó cũng thể hiện được bản thân tại giải đấu quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Mức độ đột biến của cả 2 tuyển thủ đi rừng của PVB thời điểm đó là không phải bàn cãi, Meliodas là Leesin còn XuHao là vị tướng Elise. Tuy nhiên, biệt danh “chú bé đần” không phải từ trên trời rơi xuống khi cả hai cũng cho thấy sự thiếu ổn định trong lối chơi, trận bay trận gãy khiến PVB khó có thể tạo bất ngờ trước các đội tuyển lớn.

Với BeanJ là một câu chuyện hoàn toàn khác khi đây là người đi rừng trẻ, có tư duy tốt, khả năng sử dụng đa dạng chất tướng và sự ổn định cực cao. BeanJ cũng là tuyển thủ có khả năng tạo đột biến và gank sớm tốt với những vị tướng như Volibear, Leesin… Biểu hiện cho điều đó là danh hiệu MVP Vòng bảng tại VCS Mùa Xuân vừa rồi cũng như được đánh giá một vị trí trong top 5 người đi rừng xuất sắc nhắc MSI 2022 khi giải đấu còn chưa bắt đầu khởi tranh. Nên nếu để so sánh, chắc chắn BeanJ sẽ được đánh giá cao hơn khá nhiều so với hai người đàn anh trước đó tại Buffalo và là “viên ngọc sáng” tại khu vực VCS xung quanh Levi và Ego.

Naul – Froggy

Naul thời điểm 2019 thực sự được đánh giá là người chơi đường giữa số 1 tại khu vực VCS, vượt qua cả người đàn anh Optimus và tài năng trẻ Dia1. Sự xuất sắc của Naul thời đó khá giống với Angel khi Naul dù là một người chơi thi đấu với thiên hướng hòa hoãn nhưng luôn biết cách tỏa sáng khi đồng đội cần. Bể tướng của Naul cũng vô cùng rộng, Naul trong năm 2019 có thể sử dụng hiệu quả tất cả các vị tướng pháp sư và sát thủ trong meta, điểm yếu duy nhất của anh chàng có lẽ là meta Đấu Sĩ đường giữa diễn ra sau đó.

Trong khi đó,  Froggy được đánh giá là mắt xích yếu nhất của SGB trong 2 mùa giải gần nhất. Froggy thường xuyên thua đường dù sở hữu các chất tướng có lợi thế hay không. Từ đó, khả năng triển khai thế trận của SBG bị ảnh hưởng rất nhiều vì đường giữa không thể áp lực hay có nhiều tác dụng trong những tình huống quan trọng. Dù đã cải thiện được phần nào đó vấn đề phong độ trong thời gian gần đây như SGB Froggy MSI 2022 khó có thể so sánh với một PVB Naul chắc chắn và bùng nổ tại MSI 2019.

Bigkoro – Shogun

PVB Bigkoro và SGB Shogun, một tuyển thủ đã có kinh nghiệm tại đấu trường quốc tế kể từ CKTG 2017 và một tuyển thủ mới chỉ được đẩy vào đội hình chính từ Mùa Đông 2021. Xuyên suốt MSI 2019, Bigkoro thi đấu ở mức độ tròn vai và thường xuyên thi đấu thủ hòa tại đường dưới khi Zeros tỏa sáng. Những tình huống quan trọng, Bigkoro vẫn sẽ lên tiếng nhưng tại đấu trường quốc tế, chàng xạ thủ với biệt danh “Rô chó điên” chưa thể hiện được nhiều so với khả năng vốn có của mình.

Shogun dù còn rất trẻ nhưng được đào tạo bài bản bởi HLV Ren đã phát triển được tố chất của mình, tố chất của một siêu xạ thủ. Shogun là một tuyển thủ có khả năng đi đường tương đối tốt với việc sử dụng được hầu hết các vị tướng trong meta và “đánh ra chất tướng”. Trong giao tranh, đây cũng là ngòi nổ chính của SGB tại mùa xuân vừa rồi với khả năng bắn cháy máy. Với những gì đã thể hiện, có lẽ nếu so về kỹ năng về đi đường và khả năng bắn trong giao tranh, Shogun sẽ là tuyển thủ có tiềm năng phát triển cao hơn và nhỉnh hơn người đàn anh Bigkoro một chút. 

Palette – Taki

Một điều không thể chối cái đó chính là PVB Palette MSI 2019 và SGB Taki MSI 2022 là hai hỗ trợ xuất sắc nhất mà khu vực VCS từng sản sinh ra, ngoại trừ cái tên Baroibeo đã đi vào ngôi đền huyền thoại. Cả hai đều là những thành viên quan trọng của Buffalo, thi đấu ổn định, khả năng đi đường tốt, mở giao tranh và sử dụng kỹ năng định hướng chuẩn xác. Rất khó để đánh giá là ai hơn ai tại thời điểm cả hai đều đạt được phong độ cao, có lẽ sẽ là ngang bằng khi cả hai đều xuất sắc như nhau.

Kết luận về mặt so sánh cá nhân, PVB vượt trội hơn tại hai Đường Đơn, SGB lại sở hữu Đi Rừng và Xạ Thủ nhỉnh hơn những người đàn anh đôi chút. Sự chênh lệch này là không cân bằng, PVB tại MSI 2019 sẽ được đánh giá cao hơn một chút khi Bigkoro gần như ngang bằng và không kém cạnh Shogun quá nhiều.

Sức mạnh tổng thể và meta

Về sức mạnh tổng thể của hai đội hình, Phong Vũ Buffalo 2019 có phong cách thi đấu tương đối giống với Weibo Gaming thời điểm hiện tại với Đường trên kỹ năng cao thi đấu hổ báo, đường giữa và đường dưới thi đấu thủ hòa, tỏa sáng trong giai đoạn sau. Tuy nhiên, sức mạnh của PVB thiên nhiều về khả năng đọ tay và xử lý kỹ năng, “Zeros Meliodas, Naul hay Palette đều là những người chơi kỹ năng” HLV Ren chia sẻ. PVB cũng phần nào đó thành công với lối chơi này sau chức vô địch VCS Mùa Xuân 2019 nên sức mạnh của họ tại kỳ MSI sau đó được thể hiện khá tốt, dễ dàng lọt vào top 6 đội tuyển xuất sắc nhất.

Saigon Buffalo lại thi đấu với phong cách thiên về macro và kiểm soát khá nhiều để bắt kịp với meta thi đấu của các đội tuyển trên thế giới. Trao đổi mục tiêu, băng trụ hay các tính huống kiểm soát bản đồ được SGB triển khai tốt dù phần lớn các tuyển thủ còn khá trẻ. Lối chơi này đem lại sự chắc chắn cho SGB nhưng phần nào đó thiếu đi sự đột biến khi rơi vào các tình thế ngặt nghèo.

Có thể bạn muốn xem thêm: Bộ đôi của SGB leo rank Hàn cực nhiệt, lọt top 10 tuyển thủ dự MSI 2022

Lối chơi của hai đội tuyển trong hai kỳ MSI có sự khác biệt lớn nhưng phù hợp với meta thi đấu chung của các đội tuyển các khu vực thời điểm đó. PVB sẽ có sự đột biến cao hơn nhưng SGB sẽ có sự chắc chắn với lối đánh kiểm soát. Cả hai đội tuyển đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng nhưng PVB có lẽ sẽ là đội tuyển sẽ được đánh giá cao hơn một chút vì khu vực VCS không quá mạnh so với mặt bằng chung của thế giới nên sự đột biến trong các trận đấu Bo1 là yếu tố cần thiết giúp đội tuyển dành chiến thắng. Lối chơi của SGB dù chắc chắn nhưng sẽ chỉ đạt hiệu quả khi đối đầu với các đội tuyển yếu hơn chứ chưa chắc thi đấu đôi công với lối chơi kiểm soát, macro đã có thể áp đảo được các đội tuyển xuất sắc nhất tại các khu vực khác như LJL, chứ chưa kể đến 4 khu vực lớn.

Vị thế của hai đội tuyển

Về vị thế của hai đội tuyển cũng có sự khác biệt lớn. PVB là đương kim vô địch của VCS Mùa Xuân 2019, bước đến kỳ MSI 2019 được tổ chức tại Việt Nam với vị thế khá cao khi các tuyển thủ trong giai đoạn “chín” về phong độ và kinh nghiệm sau thành công của Young Generation ngày nào. Phong Vũ được cộng đồng nước nhà và thế giới kỳ vọng sẽ góp mặt trong top 6 đội tuyển mạnh nhất. Họ đã đạt được thành tích đó và phần nào làm hài lòng người hâm mộ Việt Nam.

Trong khi SGB lại là đội tuyển về nhì tại VCS Mùa Xuân 2022, được đi MSI vì GAM buộc phải đại diện cho đội tuyển Việt Nam thi đấu tại Sea Games 31. Hơn thế nữa, khu vực VCS đã 2 năm trời vắng bóng trong toàn bộ các giải đấu quốc tế vì dịch bệnh, trình độ và sức mạnh của khu vực VCS so với thế giới đang là dấu hỏi lớn được đặt ra. Các thành viên của SGB cũng rất trẻ, trẻ nhất trong số các đội tuyển thi đấu tại MSI năm nay, kinh nghiệm thi đấu tại các giải đấu quốc tế là chưa có nên tâm lý sẽ là yếu tố vô cùng quan trọng. 

Kết luận

Mọi yếu tố có lẽ đang đứng về phía PVB nhiều hơn từ cá nhân, kinh nghiệm, “độ chín” và tâm lý thi đấu trong khi SGB lại là lớp trẻ nhiệt huyết được đào tạo bài bản, tuy chưa thể so với những người đàn anh đi trước ở thời điểm hiện tại nhưng trong một ngày các thành viên cùng bay, điều gì cũng có thể xảy ra tại kỳ MSI 2022 năm nay. Cùng theo dõi SGB thi đấu trận đấu mở màn với các thành viên T1 vào ngày 10/05 sắp tới nhé.