Chưa bao giờ những cuộc bóc phốt, “đấu” nhau trên mạng xã hội lại rầm rộ, khốc liệt như bây giờ. Với chiếc điện thoại thông minh mà gần như ai cũng có, chuyện gì người ta cũng muốn đưa lên mạng, kể cả những chuyện lẽ ra chỉ nên “đóng cửa bảo nhau” như vợ chồng mâu thuẫn, mẹ chồng nàng dâu cãi cọ, anh em đánh chửi nhau, hàng xóm xích mích…
Trên mạng xã hội nhan nhản clip vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu cãi cọ; anh em, hàng xóm xích mích đánh chửi nhau…Bắt đầu cảnh quay là người hàng xóm miệng xoen xoét khuyên nên “đóng cửa bảo nhau” nhưng tay thì cầm chiếc điện thoại quay phát trực tiếp trước hàng trăm, hàng nghìn ánh mắt tò mò thèm khát scandal.
Hiểu rõ sức mạnh khủng khiếp của đám đông trên không gian mạng, người ta muốn sử dụng nó để trừng phạt người mình ghét, hận bằng cách kích động thiên hạ chửi mắng, lăng mạ đối phương trên các hội nhóm, diễn đàn trực tuyến. Họ không lường đến tình huống chính mình cũng bị sức mạnh đó đè bẹp, như thầy phù thủy điều khiển âm binh non tay nên bị âm binh “quật” lại.
Vụ việc “lòng xào dưa” – như cách nói đang phổ biến trên mạng xã hội – là một trong những ví dụ điển hình khi thông tin riêng tư được tung lên môi trường số để cộng đồng mạng “phân xử”. Câu chuyện đáng lẽ là của ba người nhưng sau cơn “lên đồng” của người vợ, thông tin ê chề đã được cả nước biết với tốc độ lan truyền không thể nhanh chóng hơn được nữa.
“Thủ phạm” đăng công khai những tin nhắn nhạy cảm lên mạng xã hội để cộng đồng mạng phán xét bỗng chốc chung số phận với những nạn nhân khốn khổ còn lại. Tin tức ấy giống như miếng mồi cực ngon từ đâu rơi xuống ngay trước bầy kền kền đói mồi. Người ta hả hê xông vào rỉa rói, bình luận, thậm chí chế ra câu nói “để đời”; chế ra những bức ảnh gắn chặt với biến cố của những nạn nhân khốn khổ để hả hê cười cợt.
Khi hả hê cười cợt, liệu trong đầu bạn có nghĩ về nỗi đau của bao nhiêu người có liên quan đến sự việc đó để chùn tay lại chút?
Tương lai của những người trực tiếp liên quan đến sự việc đó sẽ ra sao? Tương lai của con cái, cháu chắt họ sẽ thế nào sau khi trải qua biến cố khủng khiếp về tinh thần ấy? Liệu họ có được sống thanh thản khi sự phán xét của một bộ phận cộng đồng mạng như vết nhơ đeo đẳng họ mãi, không bao giờ xoá hết được? Khi say máu tham gia “thi hành án” các nạn nhân trực tiếp liên quan đến vụ việc, những người “ném đá” có nghĩ đến điều đó không?
Đối với những người trực tiếp liên quan đến sự việc, đành rằng họ gây ra lỗi thì phải nhận hậu quả. Nhưng hình phạt dù có nghiêm khắc đến đâu chắc chắn không phải do cộng đồng mạng phán quyết và buộc họ phải chấp hành bởi đội quân “thi hành án” hùng hậu bừng bừng sự cuồng nhiệt và quyết tâm cao độ.
Có một sự thật là: Những bài đăng “bóc phốt” chồng ngoại tình, tiểu tam cướp chồng, anh chị em sống lỗi… kèm theo clip hay hình ảnh nhạy cảm làm bằng chứng luôn là một trong những nội dung được chia sẻ nhiều nhất, có nhiều bình luận và lượt thể hiện cảm xúc nhất trên mạng xã hội. Sau những bài đăng này, luôn có những người bỗng trở thành tội đồ, bị hàng vạn người xâu xé, làm nhục bằng những lời lăng mạ dù sự thực chưa rõ ràng.
Cái thú vui tự “lột trần” cả những chuyện lẽ ra phải kín đáo nhất luôn kéo theo cơn “lên đồng” của đám đông, nơi một bộ phận cư dân mạng lập tức biến thành những con kền kền đói say mồi lao vào rỉa rói đồng loại trong sự hả hê, thích thú. Sau cơn “cuồng sát” đó, không phải nạn nhân nào cũng đủ nghị lực để sống tiếp, để phát triển lành mạnh.
Vậy mà mỗi ngày, mỗi giờ, vẫn có vô số bài tố khổ, bóc phốt, nhờ dân mạng phân xử… được đăng tải. Dường như chuyện tung hê hết chuyện riêng tư đã trở thành xu hướng bệnh hoạn tự khi nào. Và bệnh đã rất nặng rồi, đã lan rất rộng thành đại dịch, tạo thành một cộng đồng ngày càng kém lành mạnh, và hậu quả xã hội ngày càng đáng để lo sợ.
Cần nhớ rằng mạng xã hội không phải là nơi để đưa những uất ức, mâu thuẫn để mong cộng đồng mạng phán xét, giải quyết giúp. Đa số những người đưa chuyện kín lên mạng để “tiêu diệt” kẻ khác rồi hiểu ra mình đã tự châm lửa đốt mình. Sự mù quáng trong việc dùng mạng xã hội giải quyết mâu thuẫn cá nhân có thể đẩy con người đến phạm tội.
Đã có không ít người chỉ đến khi bị khởi tố, truy tố mới sững sờ nhận ra hành vi của mình là vi phạm quyền riêng tư hay làm nhục người khác. Đã có vô số cư dân mạng âm thầm hối hận, tự vấn lương tâm khi biết tin người mình tham gia “ném đá hội đồng” vì nghĩ quẩn mà làm chuyện dại dột.
Những người đang thèm khát, hả hê phán xét, ném đá người khác trên mạng xã hội đến thân bại danh liệt hãy nhớ, “cười người hôm trước hôm sau người cười”. Hãy biết tôn trọng, sẻ chia, cảm thông với người khác khi họ đang rơi vào bi kịch. Nếu ra sức cổ vũ cho trào lưu bệnh hoạn này, rất có thể đến một ngày, chính bạn sẽ rơi vào tình huống bi kịch đó. Con cháu, người thân của bạn sẽ phải trả giá cho chính những gì bạn hăng say góp công sức tạo ra.
Người xưa có câu: “Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Câu ca dao thâm thuý nhắc nhở mỗi người trước khi chê bai, hả hê với nỗi đau của đồng loại, hãy tự soi vào bản thân xem mình đã tốt đẹp, thanh sạch chưa, hay còn nhiều thói tật xấu xa hơn nhiều người mình đang ném đá.
Hãy chặn đứng, không để căn bệnh đưa chuyện kín lên mạng lan rộng hơn nữa khiến bản thân và cộng đồng bị hủy hoại, bằng cách từ phút này, hãy dừng lại để cân nhắc mỗi khi bình luận về một “phốt” trên mạng. Và quan trọng hơn, đừng tự phơi mình trước những kẻ đói khát bạo lực mạng bằng việc dễ dãi đăng tải những thông tin riêng tư.