Không phải tự dưng mà chăn là một trong những dụng cụ được yêu cầu nhiều nhất bởi hành khách trên các chuyến bay thương mại. Nhiều hành khách giàu kinh nghiệm hoặc có tính cẩn thận còn thường xuyên mang theo áo khoác dự phòng trong trường hợp nhiệt độ trong cabin quá lạnh.
Nhưng tại sao cabin máy bay lại lạnh đến vậy? Đây là câu hỏi mà nhiều hành khách bay đã thắc mắc suốt hàng thập kỷ. Trên một diễn đàn hàng không, một hành khách của hãng bay Southwest Airlines (Mỹ) còn phàn nàn rằng chuyến bay 2 tiếng của người đó lạnh đến nỗi thở được ra sương.
Nhiệt độ thấp như vậy đặc biệt “đáng sợ” với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc chịu lạnh kém. Có nhiều nguyên nhân để máy bay luôn giữ điều hòa lạnh trong cabin, cả khách quan lẫn chủ quan.
Phi hành đoàn giải thích
Theo Frommers, mặc dù người dân ngày càng quan tâm đến chất lượng không khí trên máy bay – nhất là trong thời kỳ đại dịch, không hề có một tiêu chuẩn phổ quát toàn ngành nào cho nhiệt độ bên trong cabin.
Ví dụ, Cục Hàng không Liên bang Mỹ có quản lý một số khía cạnh về lưu thông, như số không khí cần được đưa vào và ra cabin mỗi phút, nhưng lại không đưa ra mức nhiệt tối đa và tối thiểu cho khoang hành khách.
Theo những người dành nhiều thời gian trên máy bay nhất là phi hành đoàn, mức nhiệt trên mỗi máy bay sẽ rất khác nhau phụ thuộc vào loại phi cơ, giai đoạn bay và vô số các yếu tố khác.
Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Mỹ, cơ quan đại diện cho 50.000 thành viên làm việc cho hơn 20 hãng hàng không, đã vận động hàng năm trời để chính quyền liên bang đặt ra một tiêu chuẩn cố định cho nhiệt độ bên trong khoang máy bay, gợi ý mức nhiệt từ khoảng 18 đến 24 độ C – dù khoảng nhiệt này trong điều hòa cũng đủ khiến nhiều hành khách cần áo khoác nhẹ.
Vấn đề đầu tiên là, kiểm soát nhiệt độ trên máy bay là một công việc rất khó. Patrick Smith, một phi công cho hãng bay lớn tại Mỹ và tác giả cuốn sách về ngành hàng không, cho biết: “Chúng tôi cố gắng giữ mức nhiệt ở 21 độ C, nhưng việc đó có thể rất khó“. Chưa kể, giữ nhiệt độ ổn định trong cả chặng bay dài còn khó hơn.
Việc này liên quan đến cách kiểm soát nhiệt độ trong cabin. Theo Smith, cabin máy bay được chia làm nhiều khu khác nhau và mỗi khu đều có bộ điều khiển riêng. Những bộ điều khiển này giống thiết bị điều nhiệt (thermostat) trong nhà, nên nhiệt độ của mỗi khu sẽ có chênh lệch.
Đôi khi phi công sẽ là người quyết định nhiệt độ trong cabin.
Trên một số dòng máy bay, đặc biệt là các thế hệ đời cũ như Boeing 767, hệ thống làm mát và sưởi ấm đều được điều chỉnh bởi phi công và chia ra làm nhiều vùng: trong buồng lái, phía trước cabin, và phía sau cabin. Trong một số dòng phi cơ khác, nhiệt độ lại được điều chỉnh bởi tiếp viên. Tuy nhiên, dù là ai “cầm trịch” thì nhiệt độ trên máy bay sẽ khác nhau tùy vào vị trí ngồi.
Các máy bay đời mới và thân lớn thì càng phức tạp. Ví dụ, Airbus A350 có tới ít nhất 7 khu vực với nhiệt độ được quản lý riêng.
Smith cũng lưu ý họ nhận được những lời phàn nàn rằng cabin quá nóng cũng nhiều ngang với việc ai đó kêu ca cabin quá lạnh, và đó chính là lý do.
Khoang hành khách trên Airbus A350.
Hơn nữa, mức độ nóng lạnh còn phụ thuộc vào cảm quan của hành khách. Nếu đang là mùa hè, trải qua mức nhiệt độ cao ở sân bay trước đó và sự nóng nực, đông đúc thì phản ứng tự nhiên của cơ thể là sẽ thấy lạnh khi máy bay đã cất cánh được một lúc.
Theo Smith, một lý do nữa là do phi công. Khi máy bay đỗ chờ hành khách, nó sẽ được làm mát bởi một luồng khí từ bên ngoài là điều hòa đặt bên dưới ống ra máy bay. Một khi động cơ máy bay được khởi động và hệ thống thông khí cũng bắt đầu công việc của nó, phi công sẽ điều chỉnh nhiệt độ lạnh đi một chút để bù đắp. Đôi khi, họ sẽ không để ý là nhiệt độ đang quá lạnh cho đến khi tiếp viên thông báo.
Hành khách kêu lạnh, nhưng phi hành đoàn “thích thế”
Dù có đang trên chuyến bay thương mại nào, một điều không thể tránh khỏi là hành khách phụ thuộc vào nhiệt độ được điều chỉnh bởi phi hành đoàn. Và theo một tiếp viên giấu tên trả lời Frommers, phi hành đoàn thích nhiệt độ thấp hơn một chút.
Điều này là do các tiếp viên và phi công thường phải mang trang phục nhiều lớp và phải đi lại, di chuyển nhiều trong cabin – việc đó khiến họ cảm thấy dễ nóng hơn những hành khách mang quần áo mỏng và ngồi một chỗ thời gian dài. Quan trọng hơn, trong điều kiện nhiễu động không khí, hành khách sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với nhiệt độ không quá cao.
Cuối cùng, cảm nhận nhiệt độ lại thuộc về mỗi cá nhân và kể cả có ở cùng một mức nhiệt, vẫn sẽ có người thấy nóng trong khi người bên cạnh đang phải xin thêm chăn.
Nguồn: Frommers