Cách kiểm tra nhiệt độ khi máy tính hoạt động

Khi sử dụng máy tính, mọi linh kiện đều sản sinh ra một lượng nhiệt. Nếu thời gian sử dụng máy tính, laptop kéo dài thì nhiệt độ sẽ không ngừng tăng lên. Việc để nhiệt độ quá cao cũng sẽ dẫn tới một số tình trạng như máy chậm, màn hình lỗi, tự động khởi động lại. Đặc biệt nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ CPU và các bộ phận khác trong máy. Chính vì vậy, việc đo nhiệt độ CPU, ổ cứng và VGA card màn hình trên máy tính và laptop là điều cần thiết.

Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đọc cách kiểm tra nhiệt độ CPU, ổ cứng, card màn hình trên máy tính.

Cách kiểm tra nhiệt độ khi máy tính hoạt động - Ảnh 1.

Bước 1: Tải phần mềm HWMonitor miễn phí về máy tính.

Bước 2: Cài đặt HWMonitor. Bạn nhấp đúp vào file hwmonitor_x.yy.exe (x.yy là số phiên bản của phần mềm) để khởi chạy chương trình HWMonitor. Việc cài đặt rất đơn giản do phần mềm không có nhiều tùy chọn, cũng như những chương trình kèm theo.

Bước 3: Nhấp vào biểu tượng HWMonitor trên desktop, hoặc nhập HWMonitor vào thanh tìm kiếm để mở giao diện chương trình. Tại đây, các thông tin về ổ cứng, CPU, card màn hình và các thiết bị khác trong máy sẽ được hiển thị.

Bước 4: Chọn lựa từng bộ phận trong máy tính để kiểm tra nhiệt độ.

Như đã nói khi để nhiệt độ máy tính quá cao sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của thiết bị, CPU cũng như những linh kiện trong máy. Vậy nhiệt độ bao nhiêu là “lý tưởng” để thiết bị có thể hoạt động ổn định? Tùy từng thiết bị mà nhiệt động hoạt động an toàn của máy tính khác nhau, nhưng bạn có thể tham khảo nhiệt độ phù hợp như sau.

Với CPU, nhiệt độ hoạt động phù hợp nhất nằm trong khoảng 50 độ. Trường hợp dưới 70 độ nằm trong mức tạm ổn. Tuy nhiên khi bạn đo nhiệt độ CPU trên 70 độ, chúng ta cần kiểm tra lại máy tính, bôi keo tản nhiệt, hoặc sử dụng quạt tản nhiệt… Nhiệt độ ổ cứng sẽ khoảng dưới 50 độ. Còn với card màn hình sẽ trong khoảng 70-80 độ.

(Tham khảo QTM)