Cùng với Hogwarts Legacy, tựa game đến từ nhà phát triển Mundfish có tên Atomic Heart là một trong hai trò chơi gây chú ý nhất trong những ngày đầu năm 2023, và gây nhiều tranh cãi vì các lý do khác nhau. Trong bài viết này, hãy cùng Sforum đánh giá Atomic Heart và xem liệu nó có xứng đáng với thời gian chờ đợi.
Khi đến với Atomic Heart, những game thủ gạo cội sẽ lập tức nhận ra ảnh hưởng của bộ ba siêu phẩm BioShock và dòng game Fallout lên nhà phát triển Mundfish. Có thể nói rằng trò chơi này là sự kết hợp giữa rất nhiều BioShock, một chút xíu Fallout với những ý tưởng riêng của đội ngũ phát triển về một xã hội không tưởng trong bối cảnh retro-futuristic (“viễn tưởng hoài cổ”, hay tương lai trong trí tưởng tượng của người xưa). Vậy thì chất lượng của game như thế nào, và nó có xứng đáng để bạn thưởng thức? Mời bạn cùng Sforum đánh giá chi tiết về Atomic Heart trong bài viết này.
Mời các bạn tham gia cộng đồng game thủ S-Games trên Discord, sân chơi mới cho các game thủ có thể trao đổi về các tựa game hot trên thị trường, chia sẻ kinh nghiệm chơi game, bắt cặp leo rank và trò chuyện cùng nhau sôi nổi. Tại Discord S-Games, bạn còn được nhận các code độc quyền những tựa game mới nhanh nhất, hấp dẫn nhất. Còn chờ gì nữa,
THAM GIA NGAY DISCORD S-GAMES!
Nội dung tóm tắt
Bối cảnh và nội dung
Atomic Heart là một tựa game bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) lấy bối cảnh một Liên Bang Soviet tiến bộ, đạt được những thành tựu khoa học vượt bậc, phép màu trở thành hiện thực, và robot xuất hiện khắp nơi với hình dạng của con người. Nhân vật chính của chúng ta là thiếu tá Sergey Nechaev, mật danh P-3, một cựu binh dày dạn kinh nghiệm và cũng lắm lời. Anh bắt đầu cuộc chơi bằng một chuyến tham quan đẹp tuyệt vời, nhưng như các tựa game bắn súng khác, mọi thứ nhanh chóng đi từ hoàn hảo đến tan tành và bạn phải giúp anh chàng mở một con đường máu (hoặc dầu mỡ) qua cả một binh đoàn robot nổi loạn và tiêu diệt bất kỳ con người nào chúng nhìn thấy.
Toàn bộ nội dung của Atomic Heart dài khoảng 15-20 giờ chơi, tùy vào việc bạn chọn độ khó nào và có chịu lùng sục mọi ngóc ngách của game để nhặt các loại nguyên liệu hay không. Thế giới của game tương đối mở, được tạo thành từ các phòng thí nghiệm chật hẹp dưới lòng đất và các khu vực rộng lớn trên mặt đất. Chúng được điểm xuyết bằng nhiều nhiệm vụ chính và phụ khác nhau, tuy nhiên đa phần trong số đó thuộc dạng “filler” đòi bạn đến điểm A, nhặt món B chỉ để kéo dài thời lượng game. Ngay cả nhân vật chính của chúng ta cũng không ngừng phàn nàn về điều này, và bạn sẽ dễ dàng đồng cảm với anh chàng khi làm các nhiệm vụ phụ lặp đi lặp lại của Atomic Heart.
Lối chơi hấp dẫn
Dù là một tựa game bắn súng, Atomic Heart đã học hỏi rất nhiều từ BioShock và Fallout để tạo ra một gameplay khác biệt hơn so với những tựa game FPS thuần túy. Bạn sẽ tìm thấy các siêu năng lực tương tự như hệ thống Plasmid của BioShock và khả năng thu thập nguyên liệu để chế tạo, nâng cấp vũ khí rất giống với Fallout. Tuy nhiên có lẽ là do thiếu kinh nghiệm, Mundfish chưa thực sự thành công trong việc cân bằng sức mạnh của hệ thống chỉ số, nên đôi khi game thủ sẽ phải chờ rất lâu, cày rất nhiều để có thể nâng cấp các món đồ của mình đến mức “sướng tay, đã mắt”. Những game thủ thiếu kiên nhẫn sẽ nhanh chóng nản lòng với hệ thống lên đồ này, và tập trung vào một vài loại vũ khí quen thuộc mà sức mạnh đã được chứng minh.
Các loại vũ khí trong game thực sự rất đa dạng, từ đơn giản như shotgun đến các loại tên lửa và vũ khí cận chiến “made by tự tui” đầy thú vị. Nhưng dù là món nào thì chúng đều đem lại cảm giác khá mạnh mẽ và sướng tay, khác hẳn với ấn tượng ban đầu của tác giả khi xem các trailer mà Mundfish tung ra trước khi game được phát hành. Hơi tiếc là vũ khí cận chiến trong game chưa thật sự “đã” – sau khi dành cả trăm giờ chiến Warhammer 40000: Darktide, khó có tựa game FPS nào có thể gây ấn tượng với tác giả về mảng cận chiến được nữa.
Các “dòng sông” polymer lỏng màu trắng bạc xuất hiện khắp nơi trong các phòng thí nghiệm của Atomic Heart cũng là một tính năng độc đáo không thể không nói đến. Ngoài việc đóng vai trò là đường đi cho game thủ (bởi bạn có thể bơi tự do bên trong chúng), nó còn tạo điều kiện cho những pha combat cực thông minh, bởi nhân vật chính của chúng ta có thể tự do ra – vào ở bất kỳ điểm nào, khiến kẻ địch bất ngờ bằng những pha đột kích từ trên đầu hoặc sau lưng. Đây là một trong những điều mà bạn cần học cách lợi dụng nếu muốn có cơ hội sống sót trước những đàn robot biết cách bọc lót, yểm trợ và hồi sinh lẫn nhau, đặc biệt là ở độ khó trung bình trở lên.
Sau khi cày qua những đàn robot nhỏ lẻ, bạn sẽ được gặp các trận đấu trùm ấn tượng, khi game thủ phải đối mặt với những cỗ máy khổng lồ, cực kỳ linh hoạt và dai sức đồng thời sở hữu nhiều loại vũ khí chết chóc. Ngay cả “sân chơi” mà bạn gặp phải những con trùm này cũng có nét đặc sắc riêng của mình, dù không nhiều vật thể có thể phá hủy được. Kết hợp giữa hình ảnh, âm thanh với những hiệu ứng cháy nổ và đổ vỡ, game thủ sẽ có được những trận đấu hết sức hào hứng và căng thẳng, dù có một điểm trừ nằm ở chỗ nhà phát triển quá lạm dụng Quick Time Event và gia tăng độ khó của trò chơi một cách không đáng có.
Ngoài các màn đọ súng và tìm đường, gameplay của Atomic Heart còn chịu ảnh hưởng rõ rệt từ các câu đố trong những tựa game của Valve như Half-Life và Portal. Nhưng thay vì súng trọng lực hay súng Portal, tất cả những gì bạn cần là chiếc găng tay siêu đa năng Charles (thậm chí còn biết nói) mà P-3 đeo trên tay trái của mình. Nó đem lại cho người chơi hàng loạt năng lực siêu nhiên, được thể hiện qua các chuyển động vui mắt của những “vòi bạch tuộc” nhỏ bé và hết sức linh hoạt. Các năng lực đó bao gồm khả năng phá khóa, scan môi trường, hút và ném các vật thể, phóng băng hoặc điện, nhấc bổng kẻ địch hoặc nện chúng xuống đất,… Nói tóm lại là giống hệt như các Plasmid của BioShock ngày nào.
Khi đã vượt qua tất cả những thử thách mà trò chơi mang lại, game thủ sẽ được lựa chọn một trong hai kết cục cho mình. Theo đánh giá của Sforum thì cả hai kết cục của Atomic Heart đều khá nghèo nàn, nhưng đó là cảm nhận riêng của tác giả và có thể bạn sẽ suy nghĩ khác.
Đánh giá đồ họa và âm thanh của Atomic Heart
Thế giới Atomic Heart trông thực sự đẹp mắt, dù là ở những phút đầu tiên khi bạn khám phá những hòn đảo bay với tông màu sáng rực rỡ hay khi phải lần mò trong các phòng thí nghiệm tăm tối, đầy lũ robot sát nhân. Đội ngũ phát triển game đã tạo ra một trong những nền đồ họa đẹp nhất mà tác giả từng thấy trong vài năm trở lại đây, mặc dù khả năng tương tác giữa nhân vật với môi trường còn khá yếu kém. Bên cạnh đó, Mundfish cũng thể hiện sự chú trọng vào chi tiết, ví dụ khi bạn thay thế một băng đạn trống rỗng, nhân vật chính sẽ vứt nó đi, nhưng nếu băng đạn vẫn còn chưa cạn thì anh chàng sẽ cẩn thận nhét nó vào túi của mình.
Càng tuyệt vời hơn nữa là game thủ không phải trả một cái giá quá đắt để thưởng thức nền đồ họa này. Ngoài dung lượng cài đặt khá lớn (75GB trên máy của tác giả), trò chơi có cấu hình đề nghị khá thấp, chỉ là CPU Ryzen 5 2600X hoặc Core i7 7700K, RTX 2070, và 16GB RAM. Đây là những con số mà những cỗ máy tầm trung của vài năm trước dễ dàng đáp ứng, và sẽ đem lại trải nghiệm mượt mà cho game thủ ở độ phân giải Full HD và chất lượng đồ họa tối đa.
Dù vậy, không phải là game không có các lỗi hình ảnh. Vấn đề rõ rệt nhất là những biểu tượng nhặt vật phẩm đôi khi kẹt lại trên màn hình và ở đó vĩnh viễn chứ không biến mất, ngay cả khi bạn đã thu thập món đồ và rời xa vị trí cũ. Cách duy nhất để sửa lỗi này là load lại trò chơi, một điều hơi phiền hà do game chọn cách save bằng các căn phòng an toàn tương tự Resident Evil. Một số robot có hiệu ứng ánh sáng chói chang khá kỳ lạ, như thể chúng mang một đèn pin rọi thẳng vào mắt game thủ, nhưng may mắn là số lần bug này xuất hiện không nhiều.
Phần âm thanh của Atomic Heart cũng thực sự thành công khi sử dụng những bài nhạc Nga quen thuộc, gợi cho game thủ nghĩ về một quốc gia huy hoàng hơn cả những gì có trong quá khứ. Các âm thanh của súng ống, cháy nổ trong game cũng thực sự đặc biệt, góp một phần quan trọng trong việc xây dựng bầu không khí của các trận chiến và ảnh hưởng đến cảm nhận của game thủ về thế giới xung quanh. Nhờ phần thiết kế âm thanh được làm cực tốt và những bản nhạc nền từ Mick Gordon danh tiếng, người chơi sẽ dễ dàng học được cách chiến đấu với những kẻ địch đáng gờm, cũng như biết sợ hãi khi nghe những tiếng động báo hiệu một trận đọ súng ác liệt đang chờ đợi mình sau những cánh cửa lớn.
Đánh giá Atomic Heart
Qua những gì đã trải nghiệm trong game, tác giả xin được đánh giá rằng Atomic Heart là một trong những game bắn súng hấp dẫn bất ngờ trong những ngày đầu năm 2023, không khiến game thủ tiếc 5 năm chờ đợi. Dù giá trị chơi lại của game không cao nhưng với việc nó được phát hành trên PC Game Pass, chúng ta chắc chắn không lỗ khi thưởng thức tựa game của Mundfish. Sau Atomic Heart, còn có Witchfire sẽ được ra mắt trong tương lai gần, nên 2023 hẳn sẽ là một năm tuyệt vời với các fan của thể loại FPS.
Danh sách PC Gaming đang được quan tâm nhiều tại CellphoneS