Tất cả tuyển thủ đều đến và đi, chỉ có Faker là vẫn ở đó, cùng T1 vượt qua bao thăng trầm.
Lee “Faker” Sang-hyeok không chỉ được biết đến là một huyền thoại của tựa game LMHT mà còn là cả nền esports thế giới nói chung. Có lẽ, Faker là tuyển thủ duy nhất trên thế giới chỉ thi đấu cho một đội tuyển, chỉ một đội tuyển mà thôi đó chính là SKT T1 hay hiện tại là T1. 9 năm thi đấu trong màu áo T1, Faker cùng đội tuyển đã dành được tất cả các danh hiệu danh giá nhất mà một tuyển thủ có thể sở hữu bao gồm chức vô địch LCK, MSI hay CKTG, thậm chí đó là cả MVP CKTG 2013 khi chỉ vừa mới 17 tuổi.
Khoảng thời gian thi đấu dài như vậy, Faker cũng được thi đấu với vô số tuyển thủ khác nhau, “già” có trẻ có và cả HLV cũng vậy. Có một điều chúng ta khó có thể phủ nhận chính là HLV kkOma, Bengi, Bang và Wolf vẫn là những người thầy, người đồng đội thân thiết cùng Faker và SKT T1 thống trị nền LMHT thế giới trong hai năm 2015 và 2016.
Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, SKT T1 sau thất bại tại CKTG 2017 đã có hàng loạt sự thay đổi tuyển thủ cho đến thời điểm năm 2021, họ thi đấu với đội hình 10 người cũng như sa thải cặp đôi HLV là Daeny – Zefa, những người đã cùng DWG dành chức vô địch thế giới năm 2020 để tìm kiếm một làn gió mới đưa T1 trở về với thời hoàng kim năm nào.
Điều đó đã đến ngay sau thời gian chưa đầy 1 năm HLV Stardust đảm nhận vị trí HLV Trưởng của đội. Cùng với sự xuất sắc của Faker và 4 tuyển thủ trẻ bao gồm Zeus, Oner, Gumayusi và Keria, T1 đã lần đầu tiên trong lịch sử dành được chuỗi 20 trận thắng hoàn hảo trong một mùa giải để nâng cao chiếc cúp LCK một lần nữa. Đây cũng là một chức vô địch thứ 10 của Faker tại giải đấu quốc nội đúng vào thời gian kỷ niệm 10 năm giải đấu LCK.
Tuy nhiên, Faker và T1 cũng đã có khoảng thời gian khó khăn sau thất bại trong trận Chung kết CKTG 2017 trước SamSung Galaxy tại Trung Quốc. Giai đoạn 2018 – 2021, không có bất kỳ tuyển thủ nào thi đấu dưới màu áo T1 quá 2 năm. Dù Faker vẫn thi đấu ổn định để đưa T1 tới các 2 danh hiệu tại giải đấu quốc nội trong năm 2019 nhưng T1 không đủ mạnh để có thể cạnh tranh với các đội tuyển tại LPL trên đấu trường quốc tế. Thậm chí là còn vắng mặt tại hai kỳ CKTG 2018 và 2020.
Có thể bạn muốn xem thêm: Tóm tắt toàn bộ “drama” KeSPA, T1, Faker và HLV kkOma, ai đúng ai sai?
Khi được hỏi về cách đã giúp Faker thích nghi với HLV, tuyển thủ khác trong khoảng thời gian 9 năm thi đấu tại T1, Faker chia sẻ:
“Tôi cố gắng thích nghi với những thay đổi trong đội tuyển và coi đó là một cơ hội để bản thân có thể học hỏi, tìm ra những điều mới mẻ trong trò chơi. Tôi cũng rèn luyện được khả năng giao tiếp và thấu hiểu người khác nhiều hơn.”
Faker cũng chia sẻ rằng bản thân luôn cố gắng để cải thiện tư duy và không muốn để các yếu tố như tình cảm cá nhân chi phối. Có lẽ đó cũng là lý do dù đã 26 tuổi, Faker vẫn “ế” giống tác giả và một số người đang đọc bài viết này.
Sở thích về game và LMHT cũng là một điểm chung giúp Faker có thể trao đổi và tìm được tiếng nói chung với nhiều tuyển thủ trẻ là đồng đội đang thi đấu tại T1 nhằm tăng khả năng gắn bó và sức mạnh chung của toàn đội khi thi đấu. LMHT còn giúp Faker có thêm nhiều bạn bè hơn như Heechul – thành viên nổi tiếng của nhóm nhạc Super Junior.
“Cả hai thường xuyên trò chuyện về trò chơi. Anh Heechul rất thích chơi game và bản thân tôi cho rằng anh ấy là một trong những người đi tiên phong cho sự phát triển của ngành công nghiệp game và esports của Hàn Quốc. Ngoài anh ấy, tôi cũng không có người bạn nào là Idol Kpop là game thủ cả.” Faker chia sẻ
Vậy để duy trì phong độ thi đấu đỉnh cao như thời điểm hiện tại, Faker phải thực sự yêu LMHT giống như một phần của cuộc sống. Anh cũng phải hy sinh một số nhu cầu cá nhân như tình cảm đôi lứa để tập trung vào sự nghiệp thi đấu và cải thiện bản thân hàng ngày. Một sự đánh đổi xứng đáng cho thành công của Faker ở thời điểm hiện tại, sau chức vô địch lần thứ 10 tại giải đấu quốc nội.