Những kỉ niệm game cũ siêu đỉnh mà “game thủ già” chia sẻ cùng nhau còn Gen Z không thể nào biết được

Những lần cả đám bạn bè kéo nhau ra quán để tranh giành 2 cái tay cầm, chí chóe ai được chơi trước, oẳn tù tì chọn lượt, nhờ người chỉnh 30 mạng Contra,… là những kỉ niệm game cũ không thể nào quên trong kí ức của rất nhiều thế hệ.

Ngày nay, công nghệ đã phát triển rất nhiều và game cũng thay đổi theo, nên rất nhiều tính năng trong game đã biến mất hẳn. Nhiều tính năng vẫn tồn tại nhưng cũng “ngắc ngoải” và rất ít người còn được thấy. Đó là lý do mà Sforum thực hiện bài viết này để chia sẻ với bạn đọc về những điều thú vị mà chỉ game thủ đã có tuổi mới nhớ được mà thôi.

Chia đôi màn hình

Việc chia đôi màn hình để chơi game multiplayer ngày nay là rất hiếm khi xảy ra, nhưng với các thế hệ game thủ già thì đây lại là chuyện rất đỗi bình thường, vì nó là cả một trời kỷ niệm. Dù trên thực tế vẫn còn một số game console cho phép nhiều người cùng tham gia trên màn hình, chẳng hạn những game đua xe, đi cảnh beat-em-up, việc nguyên một đám bạn bè ngồi quây quần bên nhau, vừa chơi vừa cãi vã, trêu chọc nhau là thứ gì đó gần như không còn xuất hiện nữa.

Những kỉ niệm game cũ siêu đỉnh chắc chắn Gen Z không biết

Tất nhiên game vẫn là thứ để chơi cùng bạn bè, quán net vẫn là nơi để tụ hội làm vài trận Liên Minh, chúng ta vẫn có thể rủ chiến hữu giao hữu vài ván PES… nhưng cái trải nghiệm 2 thằng ranh cắm đầu vào một máy chơi Heroes 3, nhắm mắt không “hí” chờ cho bên kia kết thúc lượt, nó vẫn là một thứ gì đó cực kỳ đặc biệt mà chỉ có lứa game thủ 8x, 9m mới từng trải qua. Trải nghiệm game như thế này có thể không so được với các màn hình khủng ngày nay, nhưng niềm vui thì chắc chắn không hề thua kém một chút nào cả.

Không DLC cũng không có bản sửa lỗi luôn

Điện tử băng hay các game cách đây 20 năm làm gì có DLC, mà có khi lúc đó khái niệm DLC còn chưa tồn tại. Khác với cái thời đại mà một bản game full bị chặt ra làm 8, nhá hàng 40 giờ chơi đầu trước sau đó vắt sữa bằng vài chục cái DLC các kiểu (như cách EA làm), trải nghiệm game xưa kia hoàn thiện hơn rất nhiều so với hiện tại.

Chắc chắn các game thủ già sẽ hiểu tác giả muốn nói gì. Vào thời của họ, một bản cập nhật (hay bản mở rộng) sẽ đem lại những thay đổi lớn lao cho trò chơi, biến nó thành thứ mới hoàn toàn. Mấy nhà phát hành cũng đừng hòng làm những trò khỉ gió như bán một cái skin với giá 15 xèng để hút máu game thủ được. Đáng buồn là bây giờ điều này lại quá bình thường, gì chứ game FPS mới ra mắt mà không bán skin súng thì đúng là chỉ có bị thiểu năng.

Tất nhiên cái gì cũng có 2 mặt của nó, việc internet còn nghèo nàn dẫn đến việc những thứ xa xỉ như bản patch sửa lỗi chắc chắn là không tồn tại. Thế nên game dở vào thời đó thì chắc chắn là dở muôn đời chứ không thể nào vực dậy được như game được phát hành trong thời đại internet ngày nay.

“Cục save”

Việc save game bây giờ quả thực là tiện dụng tới tuyệt vời, không chỉ có auto-save và check-point, mà chúng ta còn có thể up nó lên cloud và download bất kì lúc nào cần thiết, không cần bất kỳ thiết bị nào cả. Còn với những game thủ già thì kỉ niệm game cũ của họ không thể nào thiếu đi những cục save tổ bố, thứ đáng giá cả một gia tài với lũ học sinh ngày xưa.

Các game thủ Việt Nam đã trải qua thời hoàng kim đầu những năm 2000 khi các quán PS1 mọc lên như nấm khắp hang cùng ngõ hẻm chắc chắn sẽ nhớ tới những kỷ niệm quanh cục save này. Lúc đó thì mỗi quán thường chỉ có 5 tới 6 cục save, mà còn là loại hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc, nên có cục save để dùng là một chuyện, mà save rồi đọc lại có được không lại là một chuyện khác.

Chưa hết, còn có chuyện cả đám xóa save, đè save của nhau. Không còn cái cảm giác gì tuyệt vời hơn khi nguyên bộ bài Yugi hoành tráng của bạn bị thằng chết tiệt nào đó save đè lên, hay 20 tiếng FF7 bị hỏng save để rồi vứt vào sọt rác. Về sau khi công nghệ khá khẩm hơn một chút, các quán bắt đầu trang bị mấy cục save bất tử – hay như bây giờ gọi là mã cheat tức thời. Game thủ thời đó có thể thể hiện đẳng cấp của mình bằng cách vào quán PS1 rồi rút ra một cục đen thui cắm vào máy, mở save full đồ trong con mắt thèm khát cháy bỏng của bọn ranh con xung quanh.

Cheat code viết ra giấy

Lại nói về các kỉ niệm game cũ, thì lúc nhỏ đâu phải nhà nào cũng có điều kiện cho con cái ra tiệm điện tử mà chơi, đôi khi cả lũ phải nhịn ăn sáng vài bữa để chung cho đủ tiền giờ vài tiếng. Việc hoàn thành mấy cái game đi cảnh phiêu lưu mấy chục tiếng hoàn toàn là thứ chỉ có trong giấc mơ. Trừ những đại hiệp hơi lớn bắt đầu có tí kinh tế và trình độ thì đám game thủ ranh con chỉ biết… quậy, và đều thích thú khi được biết đến mấy đoạn mã ăn gian.

Từ khi huyền thoại Contra ra mắt cho đến khi bản GTA Vice City và San Andreas thống trị các phòng máy, nếu bạn thấy một đứa nhóc hào hứng ngồi vào ghế chuẩn bị chơi game thì khả năng rất cao là điều đầu tiên nó làm sẽ là móc một cuốn sớ dài dằng dặc chằng chịt chữ lên để bắt đầu nhập mã. Những game thủ nào từng bước vào quán game chơi GTA thời kỳ này chắc chắn đã từng một lần gõ các đoạn code bất tử tiền, bất tử mạng hay gọi xe tăng để quẩy tung thành phố trong vài chục phút đồng hồ.

Những kỉ niệm game cũ siêu đỉnh chắc chắn Gen Z không biết

Tới thời điểm hiện tại thì mấy cái cheat-code thủ công đó đã gần như bị khai tử, hiếm ai phải lọ mọ đi nhớ mấy dòng mã đó trong khi có cả tỷ công cụ hack tốt hơn. Với một số game có hệ thống mua đồ bằng tiền thật, thì một cái quẹt và nhấn 3 con số sau thẻ ATM nó còn hiệu quả gấp mấy nghìn lần, bảo đảm là tiền đi một phát là nhân vật mạnh như thần luôn.

Kết

Bạn đã từng trải qua các kỉ niệm game cũ nào trên đây chưa, hãy để lại bình luận chia sẻ bên dưới nhé.