Những quốc gia từng thay đổi tên gọi

Ngày 2/6, Liên Hợp Quốc thông báo tên gọi “Türkiye” sẽ thay thế cho “Turkey” khi nhắc tới Thổ Nhĩ Kỳ.

“Türkiye là cách thể hiện tốt nhất về nền văn hóa, văn minh và các giá trị của người Thổ Nhĩ Kỳ”, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết hồi tháng 12/2021 khi chính phủ công bố bản ghi nhớ về việc thay đổi tên gọi.

 Những quốc gia từng thay đổi tên gọi - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (Ảnh: AA)

Türkiye là cách viết tên nước theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, đã được sử dụng từ năm 1923, khi Thổ Nhĩ Kỳ thành quốc gia mới sau khi Đế chế Ottoman tan rã. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ dùng tên Turkey trên trường quốc tế.

Turkey và Türkiye có phát âm tương tự, song Türkiye có thêm âm tiết “yay” ở cuối. Tổng thống Erdogan nhiều năm qua đã thúc đẩy đổi tên đất nước vì cho rằng cái tên Türkiye sẽ thể hiện tốt hơn về văn hóa, giá trị so với Turkey, từ còn mang nghĩa là gà tây.

Hà Lan

Chính phủ Hà Lan đã tìm cách thay đổi hình ảnh đất nước khi bỏ tên gọi Holland. Đến năm 2020, các lãnh đạo doanh nghiệp, các ủy ban du lịch và chính phủ trung ương đều sử dụng tên gọi Netherlands.

Hiện nay Bắc Holland và Nam Holland chỉ là 2 trong số 12 tỉnh của quốc gia châu Âu này.

Việc thay đổi tên được cho là một phần của nỗ lực thoát khỏi mối liên hệ quốc gia này với việc sử dụng ma túy giải trí và mại dâm hợp pháp, một yếu tố mạnh mẽ kéo người nước ngoài đến thủ đô Amsterdam, nằm ở tỉnh Bắc Holland.

Bắc Macedonia

Năm 2019, Cộng hòa Macedonia chính thức đổi tên thành Bắc Macedonia vì lý do chính trị.

Bắc Macedonia tìm cách cải thiện quan hệ với Hy Lạp và muốn gia nhập NATO cũng như EU. Hy Lạp phản đối việc nước láng giềng sử dụng tên gọi Macedonia vì đây cũng là tên gọi một khu vực địa lý ở Hy Lạp. Macedonia cũng là một vương quốc Hy Lạp cổ đại. Tranh cãi về tên gọi thậm chí còn góp phần gây bất ổn trong khu vực.

Hy Lạp muốn quốc gia Balkan từ bỏ việc sử dụng tên gọi Macedonia và đã đề xuất các tên gọi “Cộng hòa Vardar” hoặc “Cộng hòa Skopje” để thay thế. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán kéo dài, quốc gia Balkan chính thức đổi tên thành Bắc Macedonia. Tên gọi cho ngôn ngữ chính thức và công dân vẫn là Macedonia.

Eswatini

Tháng 4/2018, Vua Mswati III đổi tên Swaziland thành Eswatini, một nỗ lực nhằm thoát khỏi quá khứ thuộc địa của đất nước.

Nhà vua Mswati III cũng không hài lòng về việc tên gọi Swaziland đôi khi khiến một số người nhầm lẫn với Thụy Sĩ (tiếng Anh là Switzerland). Được công bố vào dịp kỷ niệm 50 năm hình thành đất nước châu Phi, Eswatini – tên gọi thời tiền thuộc địa của Swaziland – có nghĩa là “vùng đất của người Swazis”.

Cộng hòa Séc

Lý do thay đổi tên gọi của Cộng hòa Séc, một quốc gia Trung Âu, là để quảng bá hình ảnh. Năm 2016, chính phủ Séc chính thức sử dụng tên gọi Czechia. Cũng giống như tên chính thức của Pháp là Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Séc có thể được gọi là Czechia. Tên gọi này dễ gắn cho các sản phẩm hơn.

 Những quốc gia từng thay đổi tên gọi - Ảnh 2.

Cộng hòa Séc. Ảnh: Czech Tourism

Mặc dù Liên minh châu Âu, Liên Hợp Quốc và một số công ty lớn sử dụng tên gọi Czechia, nhưng tên gọi này vẫn chưa được biết đến rộng rãi trên trường quốc tế. Một lý do có lẽ là vì tên gọi Czechia dễ bị nhầm lẫn với Chechnya, một nước cộng hòa thuộc Nga ở Kavkaz.

Năm 2020, Thủ tướng Séc Andrej Babis nói với Wall Street Journal rằng ông không thích tên gọi Czechia.

Cabo Verde

Quốc đảo nằm ở Đại Tây Dương, cách bờ biển Senegal khoảng 700 km, đã đệ trình yêu cầu chính thức về việc đổi tên vào năm 2013.

Trước đây được gọi là Cape Verde, cách gọi tiếng Anh của từ gốc tiếng Bồ Đào Nha “cabo verde”, có nghĩa là “Mũi Xanh”. Mặc dù không phải là một mũi đất, những quốc đảo này nằm ngay bên ngoài điểm cực Tây của lục địa châu Phi.

Bộ trưởng Văn hóa vào thời điểm đó cho biết đất nước của ông đang tìm kiếm một cái tên tiêu chuẩn hóa mà không cần phải dịch. Ông hy vọng Cabo Verde sẽ gợi lên những liên tưởng tích cực với mặt trời và biển cả và những con người hạnh phúc.

Sri Lanka

Cũng giống như Eswatini, Sri Lanka đã thay đổi tên gọi để thoát khỏi quá khứ thuộc địa. Mặc dù việc đổi tên chính thức được thực hiện vào năm 1972 sau khi độc lập khỏi Anh, nhưng phải đến năm 2011, Sri Lanka mới chính thức xóa tên thuộc địa cũ là Ceylon trong chính phủ.

Tuy nhiên, nhãn hiệu Trà Ceylon nổi tiếng vẫn được sử dụng./