Nếu là một fan của tiểu thuyết kiếm hiệp, thì không ai là không biết tới phái Cái Bang với danh xưng “Thiên hạ đệ nhất bang”, nhờ tinh thần quật cường và người đông thế mạnh, phái này luôn chiếm một vị trí đáng kể trong võ lâm Trung Nguyên.
Việc trong tiểu thuyết cũng như trên phim ảnh mô tả kỹ về lịch sử và hoạt động của Cái Bang qua các giai đoạn lịch sử, khiến cho nhiều người lầm tưởng Cái Bang là một bang phái có thật trong lịch sử.
Cái Bang được võ lâm xưng là “Thiên hạ đệ nhất bang”.
Có học giả còn đưa ra quan điểm về sự ra đời của Cái Bang trong lịch sử như sau. Vào năm 522 trước công nguyên, Sở Bình Vương giết toàn gia của Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư trốn khỏi nước Sở, giả làm ăn mày lẩn trốn giữa trăm vạn ăn mày của Ngô – Sở ở Quân Sơn rồi sáng lập ra Cái Bang và trở thành bang chủ đầu tiên của Cái Bang. Ngũ Tử Tư từng mượn sức Cái Bang để giúp công tử Quang giành lại bảo toạ của nước Ngô.
Chín năm sau, Ngũ Tử Tư lại hiệu triệu trăm vạn bang chúng Cái Bang trong thiên hạ trợ giúp trong cuộc chiến tranh Ngô – Sở. Sau mười tám năm kế, Phù Sai thấy thế lực của Cái Bang dần dần cường thịnh nên lập kế giết hại Ngũ Tử Tư nhằm kiềm hãm Cái Bang, vì vậy nên Cái Bang quay đầu sang ủng hộ Việt Vương Câu Tiễn. Mười năm sau, phá Ngô giết Phù Sai để báo thù cho Bang Chủ đầu nhiệm, từ đó thanh uy của Cái Bang lan rộng khắp nơi, trở thành “Thiên hạ đệ nhất bang”.
Tuy nhiên tính xác thực của câu truyện trên vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Vì sự thật trong các tài liệu lịch sử không có ghi chép về bang phái này. Và số đông đồng tình với quan điểm Cái Bang là một bang phái giả tưởng xuất phát từ tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, người có công đầu trong việc xây dựng hình tượng bang phái này là cố nhà văn Kim Dung .
Cái Bang trong thế giới kiếm hiệp Kim Dung
Theo các tiểu thuyết võ hiệp thì Cái Bang là một bang phái của ăn mày, có phạm vi trải rộng khắp Trung Nguyên, nổi tiếng hào hiệp trượng nghĩa, và được tôn danh hiệu là “Thiên hạ đệ nhất bang”.
Trong tiểu thuyết của Kim Dung, Cái Bang là bang đứng đầu (đệ nhất bang), xưng hùng cùng với Thiếu Lâm (đệ nhất phái) và Minh Giáo (đệ nhất giáo – chỉ xuất hiện trong Ỷ Thiên Đồ Long ký). Nhiều nhân vật anh hùng trong truyện Kim Dung từng ở trong bang này như Hồng Thất Công, Tiêu Phong, Hoàng Dung (vị bang chủ nữ đầu tiên, về sau có Sử Hồng Thạch)…
Tạo hình Hồng Thất Công trong trong phim Tân Anh hùng xạ điêu.
Theo lời kể của Hồng Thất Công trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, thì Cái Bang có lịch sử cũng khá lâu đời. Khoảng vào thời Đường vị Tổ Sư mở bang phái và sáng lập ra 18 chiêu Hàng Long chưởng. Còn Đả Cẩu Bổng pháp thì chưa được hoàn thiện, truyền qua tới đời thứ 3, thì vị Bang chủ này thêm vào thành 36 chiêu Đả Cẩu Bổng hoàn chỉnh.
Truyền qua nhiều đời, thời cực thịnh của Cái Bang có thể là từ lúc Tiêu Phong tiếp nhiệm Cái Bang. Ông là vị Bang chủ được đánh giá là tài ba nhất của Cái Bang với bao nhiêu công trạng to lớn lập được cho võ lâm Trung Nguyên và triều đình Đại Tống.
Lực lượng Cái Bang lúc đó khoảng hơn 60 vạn người, tiếc thay anh hùng thường bị trời ghen ghét. Nên Tiêu Phong đoản mạng, lập tức Cái Bang như rắn mất đầu chẳng còn oai phong như khi xưa.
Mãi tới khi Hồng Thất Công nắm quyền mới có thể khôi phục dần dần uy danh lừng lẫy của Bang phái năm xưa. Sau Hồng Thất Công là Hoàng Dung, vị Bang chủ nữ đầu tiên của Cái Bang từ khi mở bang (người thứ hai là Sử Hồng Thạch), cũng đã lập nhiều đại công tạo dựng lại thanh thế cho Cái Bang trên giang hồ. Rồi Lỗ Hữu Cước, Gia Luật Tề thay nhau tiếp nhiệm. Qua nhiều năm từ khi thành Tương Dương thất thủ, Cái Bang càng lúc càng suy vi, cho đến thời của Sử Hoả Long thì Hàng Long Thập Bát Chưởng thất truyền còn Cái Bang chỉ là một bang hội hạng 2 trên giang hồ.
Cái Bang tập hợp đông đảo nhưng không rời rạc
Tiêu Phong là vị Bang chủ tài ba nhất của Cái Bang.
Trong bốn bể Đông Tây Nam Bắc, nơi nào có ăn xin, nơi đó có Cái Bang. Những đệ tử trong bang thương yêu giúp đỡ nhau, chia sẻ mọi thứ, tạo nên một khối thống nhất luôn theo phò chính nghĩa.
Tuy là là bang hội tập trung rất đông hội viên, thường khoảng trên dưới vài chục vạn người thanh thế cực kì to lớn, nhưng không hề lộn xộn. Các đệ tử Cái Bang thường được chia theo đẳng cấp, mới gia nhập là cấp 1, đệ tử 1 túi rồi từ từ theo công lao và thời gian mà thăng cấp từ từ lên 2, 3, 4… Cao nhất là các trưởng lão 8, 9 túi rồi trên nữa là Phó Bang chủ và Bang chủ.
Cấp cao nhất, thống lĩnh bang phái: Bang chủ. Bang chủ Cái Bang rất được quần hào trọng vọng vì là người nắm trong tay sinh mệnh của hàng vạn đệ tử. Người có thể chi phối hầu hết các lực lượng võ lâm chính phái cùng với phái Thiếu Lâm là lãnh tụ võ lâm Trung Nguyên. Một bên được ví với Thái Sơn, còn một bên là Bắc Đẩu của võ lâm.
Bang chủ lấy bốn biển làm nhà, ngao du đây đó, không cố định một nơi. Nguyên nhân một phần là do bang phái trải rộng khắp thiên hạ, nên bang chủ không thể ngồi một nơi mà quản lý bang hội, nên phải nay nơi này, mai nơi khác giám sát bang chúng. Tuy nhiên, vào mỗi đầu tháng phải đến Hồ Động Đình để họp cùng gặp các trưởng lão trong bang, xử lý những công việc quan trọng. Bang chủ Cái Bang võ công xuất chúng, lại nay đây mai đó, nên hành hiệp trượng nghĩa khắp nơi. Rất nhiều người trong chốn giang hồ mang ơn bang chủ Cái Bang, vì thế rất được đồng đạo chốn giang hồ kính trọng.
Suốt các đời Bang chủ luôn phải lãnh đạo Bang chúng hành hiệp trượng nghĩa, cứu khổ phò nguy đối phó ngoại xâm nội phản chống lại các thế lực ác độc của võ lâm. Vì vậy Cái Bang luôn có thanh thế rất lớn trên giang hồ và luôn nhận được sự kính trọng mến phục của đồng đạo võ lâm.
Châu Tinh Trì vào vai Tô Khất Nhi – Bang chủ đời 45.
Bang chủ Cái Bang qua các thời kỳ:
Hồng Tứ Hải: Bang chủ đầu tiên
Quách Nham: Bang chủ thứ 2
Kim Lão Đại: Bang chủ thứ 3
Hàn Khổi: Bang chủ thứ 4
Từ Hoa Tử: Bang chủ đời thứ 6
Uông Kiếm Thông: Bang chủ thứ 7
Tiêu Phong: Bang chủ thứ 8, người giỏi nhất Cái Bang trong lịch sử
Du Thản Chi: Bang chủ thứ 9, cũng là bang chủ nhậm chức ngắn nhất
Long Tại Thiên: Bang chủ thứ 10
Hồng Kỳ (Tiễn Hạc Tinh): Bang chủ thứ 17
Hồng Thất Công: Bang chủ thứ 18
Hoàng Dung: Bang chủ thứ 19
Lỗ Hữu Cước: Bang chủ thứ 20
Gia Luật Tề: Bang chủ thứ 21
Ngư Độc Xướng: Bang chủ thứ 22
Long Phi Vũ: Bang chủ thứ 23
Sử Hỏa Long: Bang chủ thứ 25
Sử Hồng Thạch: Bang chủ thứ 26
Giải Phong: Bang chủ thứ 30
Trác Bất Phàm: Bang chủ thứ 32
Hà Nhân Ngã: Bang chủ thứ 36
Dịch Trọng Mậu: Bang chủ thứ 37
Kim Thế Di: Bang chủ đời thứ 38
Quách Chanh: Bang chủ đời thứ 39
Hồ San San: Bang chủ thứ 40
Phạm Hưng Hán: Bang chủ thứ 42
Liễu Bắc Quy: Bang chủ thứ 44
Tô Khất Nhi: Bang chủ đời 45
Video: Bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công đấu Âu Dương Phong.
Bang chủ Cái Bang Hồng Thất Công đấu Âu Dương Phong