Nhắc đến thư viện, hầu hết chúng ta đều hình dung ra khung cảnh một căn phòng rộng lớn với hàng loạt các tủ sách xếp dày đặc đa dạng những cuốn sách theo từng danh mục cùng sự tĩnh lặng tuyệt đối. Tuy nhiên, tại Đan Mạch lại xuất hiện một thư viện đặc biệt, nơi không có bất kỳ quyển sách nào, cũng chẳng hề tĩnh lặng mà lại tràn ngập tiếng trò chuyện của mọi người.
Khung cảnh thư viện đặc biệt tại Đan Mạch
Được lên ý tưởng được vào những năm 2000 và xuất hiện lần đầu tại Lễ hội âm nhạc Roskilde tại Đan Mạch với cái tên “Human Library” (Tạm dịch: Thư viện con người), thư viện này đã đón nhận rất nhiều sự quan tâm và từ đó trở thành một tổ chức lớn mạnh.
Theo đó, những “độc giả” đến với thư viện thay vì mượn sách để đọc thì họ lại có thể “mượn người” để trò chuyện, để kể hoặc lắng nghe những câu chuyện từ những người hoàn toàn xa lạ.
Đại diện chương trình này chia sẻ rằng, lý do họ chọn thuật ngữ “thư viện” vì đây là một nơi đóng vai trò trung lập trong xã hội: “Dù bạn già hay trẻ, giàu hay nghèo, bất kể bạn là ai, chúng ta đều có thể gặp nhau ở đó và học hỏi.”– anh nói.
Thư viện được xây dựng vì mục đích giúp mọi người xoá bỏ định kiến về người khác trong xã hội
Trong thư viện này, mỗi người được chọn sẽ đại diện cho các nhóm thường bị hiểu lầm hoặc chịu nhiều thành kiến trong xã hội. Tại đây, họ sẽ đóng vai một “quyển sách” có tiêu đề nêu lên đặc trưng của họ như “OCD – người ám ảnh cưỡng chế”, “người có IQ cao”, “người lưỡng tính”, “người cô đơn” hay “người nghỉ hưu sớm”,…Qua đó, thư viện hy vọng các độc giả sẽ mở lòng để hiểu rõ hơn về những người đó hơn là chỉ nhìn bề ngoài và các định kiến.
“Tôi không thể khẳng định rằng cuộc trò chuyện chỉ diễn ra trong 30 phút sẽ thay đổi được bất kỳ ai. Điều mà tôi tự tin chính là nếu cố gắng, sự bất đồng, thành kiến về những người này sẽ dần dần được thay đổi”– đại diện thư viện cho biết.
Bảng ghi những “tựa sách” có mặt trong thư viện
Để trở thành một phần của “Thư viện con người”, những tình nguyện viên được yêu cầu là người có sự kiên nhẫn, đồng cảm cũng như sự thoải mái khi chia sẻ với người khác về những vấn đề của mình.
Ở phần ngược lại, các “độc giả” đến với thư viện sẽ lựa chọn một người có đặc điểm mà họ hứng thú và đến khu vực trò chuyện. Tại đây, hai hoặc nhiều người sẽ trao đổi, chia sẻ câu chuyện của mình với đối phương trong vòng 30 phút.
Nơi đây cũng khuyến khích các “độc giả” đặt các câu hỏi khó mà họ luôn thắc mắc về những người đặc biệt này. Vì mỗi “cuốn sách” có thể là bất cứ ai từ các nhà tổ chức tang lễ, những cựu chiến binh cho đến những đứa trẻ,…họ đều có góc nhìn và trải nghiệm riêng nên sẽ cho “độc giả” trải nghiệm vô cùng đa dạng.
Nhiều người tìm đến nơi này để nghe và được lắng nghe
“Chúng tôi tìm kiếm những người vô gia cư, thất nghiệp, trầm cảm, có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bị khuyết tật, chúng tôi có thể học hỏi rất nhiều từ họ”- người sáng lập và giám đốc điều hành tổ chức phi lợi nhuận Ronni Abergel giải thích.
Thời điểm hiện tại, hàng nghìn tình nguyện viên đã cùng tổ chức này tham dự vô số các sự kiện tại các trường học, doanh nghiệp và các địa điểm trên khắp thế giới. Thậm chí, mô hình thư viện độc đáo này đã tồn tại ở hơn 80 quốc gia và nhiều khả năng sẽ phát triển thành ứng dụng điện thoại để nhiều người trên thế giới có thể tiếp cận được nó dễ dàng hơn.