Trong Tam Quốc, vì sao Thục Hán là nước đầu tiên bị diệt vong? Nguyên nhân không ngờ

Cục diện Tam Quốc có nhiều thay đổi bắt đầu từ cái chết đột ngột của Quan Vũ. Sự ra đi của danh tướng này là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến giữa Thục Hán và Đông Ngô. Trận chiến này do đích thân Lưu Bị thống lĩnh đại quân tiến đánh Đông Ngô. Tuy nhiên, cuối cùng Lưu Bị và đại quân Thục Hán lại đại bại ở trận Di Lăng.

Lưu Bị chịu thất bại nặng nề, sau đó sinh bệnh nặng và cuối cùng qua đời ở thành Bạch Đế vào năm 223, khi sự nghiệp phục hưng Hán thất vẫn còn dang dở.

Ngôi vị hoàng đế của Thục Hán được Lưu Thiện kế vị. Trong hơn 10 năm đầu, Lưu Thiện và Thục Hán nhận được sự phò tá đắc lực của Gia Cát Lượng. Thục Hán trong thời kỳ này không những phát triển cả về kinh tế – xã hội, mà còn có đủ tiềm lực để thực hiện chiến dịch Bắc phạt.

Trong Tam Quốc, vì sao Thục Hán là nước đầu tiên bị diệt vong? Nguyên nhân không ngờ - Ảnh 1.

Lưu Bị cả đời gây dựng cơ nghiệp nhà Thục Hán, nhưng sau đó Thục Hán lại diệt vong trong tay Hậu chủ Lưu Thiện.

Sau khi Gia Cát Lượng qua đời vào năm 234, Lưu Thiện vẫn có thể làm hoàng đế đến gần 30 năm. Tuy nhiên, đến năm 263, Thục Hán trở thành nước đầu tiên bị diệt vong trong Tam Quốc. Trên thực tế, đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Thục Hán, chẳng hạn như Lưu Thiện vô năng, tin tưởng mù quáng vào thái giám Hoàng Hạo dẫn tới hỗn loạn trong triều đình, hay sự thiết hụt nhân tài trong nội bộ Thục Hán.

Ngoài ra, cũng có nhận định cho rằng, do Gia Cát Lượng và Khương Duy hao tâm tổn sức quá nhiều trong chiến dịch Bắc phạt kéo dài nhiều năm. Điều này khiến cho quân Thục kiệt quệ, đời sống người dân gặp khó khăn, hao tổn cả về nhân lực, vật lực và tài lực cho cuộc chiến dài hơi này.

Mặc dù có nhiều suy đoán về nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của Thục Hán, tuy nhiên khó có thể giải thích được gốc rễ của vấn đề. Chẳng hạn, sự chuyên quyền, lộng hành của hoạn quan Hoàng Hạo mặc dù là một trong những nguyên nhân khiến Thục Hán suy yếu, nhưng khó có thể quy kết sự sụp đổ của Thục Hán cho người này. Bởi lẽ thực tế Hoàng Hạo chỉ nắm quyền, thao túng trong triều được vài năm.

Ngày càng có nhiều học giả bắt đầu tìm kiếm những nguyên nhân có thể dẫn đến sự sụp đổ của Thục Hán từ một góc nhìn mới. Đó là những mâu thuẫn nội bộ mà Thục Hán phải đối mặt.

Vì sao Thục Hán là nước đầu tiên bị diệt vong?

Thứ nhất, Thục Hán được Lưu Bị thành lập, nhưng Lưu Bị lại không phải là người gốc ở Ích Châu. Ông sinh ra ở Hà Bắc và không sống ở Ích Châu lâu dài. Về phần các tướng lĩnh và mưu sĩ đi theo Lưu Bị khởi nghiệp, cũng có rất ít người có xuất thân ở Ích Châu.

Tựu trung lại, đối với Ích Châu, tập đoàn của Lưu Bị hoàn toàn là một thế lực ngoại bang. Điểm này có thể nhận thấy ngay từ khi Lưu Bị mới vào Ích Châu, đã xuất hiện mâu thuẫn giữa Lưu Bị và người dân địa phương.

Thứ hai, trước khi Lưu Bị tiến vào Ích Châu, Lưu Chương đã chiếm giữ vùng đất này trong nhiều năm. Do đó, sau khi Lưu Bị nổi dậy chiếm được Ích Châu, những thuộc hạ cũ, cùng cường hào địa chủ vẫn còn tồn tại.

Tuy bề ngoài những người này đầu hàng trước lực lượng của Lưu Bị, nhưng đằng sau họ vẫn duy trì sự độc lập, chống đối hết mức có thể. Đây là khó khăn mà tập đoàn của Lưu Bị phải đối mặt. Với việc dùng lễ để đối đãi hiền tài của Lưu Bị xem ra khó có thể áp dụng ở Ích Châu trong bối cảnh lúc đó.

Năm 221, Lưu Bị lên ngôi hoàng đế của Thục Hán. Đến năm 263, Thục Hán sụp đổ. Như vậy, Thục Hán chỉ tồn tại 42 năm. Trong thời gian này, thế lực của Lưu Bị và các lực lượng địa phương ở Ích Châu vừa có sự hợp tác vừa cạnh tranh. Hai bên tuy duy trì sự hợp tác nhưng vẫn có không ít mâu thuẫn.

Trên thực tế, không phải Lưu Bị không nhận ra tầm quan trọng của quyền lực địa phương ở Ích Châu sau khi vào Tây Xuyên. Vị quân chủ này đã đưa một số người ở Ích Châu làm quan nhằm tạo ra một môi trường tương đối ổn định cho việc thành lập Thục Hán.

Trong Tam Quốc, vì sao Thục Hán là nước đầu tiên bị diệt vong? Nguyên nhân không ngờ - Ảnh 2.

Nhờ có Gia Cát Lượng phò tá, tình hình của Thục Hán trong hơn 10 năm phát triển ổn định.

Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng tiếp tục kế thừa chính sách tuyển dụng của Lưu Bị, khi sử dụng các nhân sĩ ở Ích Châu làm quan, cho tham gia cuộc viễn chinh ở phía Nam và chiến dịch Bắc phạt.

Tuy nhiên, bổ nhiệm là một chuyện, nhưng liệu điều này có thực sự giải quyết được cấu trúc quyền lực vốn có ở Ích Châu hay không lại là một vấn đề khác.

Mặt khác, nhưng nhân vật cốt cán trong tập đoàn Lưu Bị lại không phải là nhân sĩ, chẳng hạn như Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… đều xuất nhân từ các tướng quân. Chỉ có Gia Cát Lượng và một số người khác có thể được coi là nhân sĩ.

Chính điều này tạo nên sự khác biệt và nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhân sĩ địa phương ở Ích Châu với tập đoàn Lưu Bị.

Trong Tam Quốc, vì sao Thục Hán là nước đầu tiên bị diệt vong? Nguyên nhân không ngờ - Ảnh 3.

Gia Cát Lượng ra lệnh chỉ được bắt sống Mạnh Hoạch.

Thứ ba, nội bộ Thục Hán bất ổn, các phe cánh tranh đua nhau và bất hợp tác. Văn nhân, sĩ phu, cường hào địa chủ ở Ích Châu đương nhiên không dễ dàng để cho Thục Hán thao túng, nhất là đối với một số người nắm quyền lực quân sự và một số thuộc vùng dân tộc thiểu số ở Nam Trung.

Sau thất bại của Lưu Bị trong trận chiến với Đông Ngô đã làm suy yếu đáng kể thực lực của Thục Hán. Lợi dụng tình hình bất ổn của Thục Hán lúc bấy giờ, ở Nam Trung (thuộc Ích Châu) đã xảy ra những cuộc nổi loạn vũ trang. Trong đó, vì người dân ở Nam Trung nghe theo lời của Mạnh Hoạch, một trong những thủ lĩnh của cuộc nổi dậy, nên đã bày tỏ thái độ căm ghét và chống đối với Thục Hán.

Vào năm 225, thừa tướng Gia Cát Lượng đã đích thân thống lĩnh đại quân đi dẹp loạn ở Nam Trung. Lúc bấy giờ, Gia Cát Lượng ra lệnh cho quân Thục Hán chỉ được bắt sống chủ tướng Mạnh Hoạch và không được giết. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là vị quân sư tài trí này lại dùng mưu kế 7 lần bắt sống rồi lại thả, khiến cho Mạnh Hoạch chấp nhận thua một cách tâm phục, khẩu phục. Nhưng đó là nhờ có Gia Cát Lượng nên mới trấn giữ được.

Tuy nhiên, sau khi Gia Cát Lượng qua đời, nội bộ của Thục Hán lại tiếp tục nảy sinh bất ổn khi các phe cánh vẫn mâu thuẫn, nhất là giữa những người từng đi theo Lưu Bị lập nghiệp, thế lực ở Kinh Châu và cả lực lượng địa phương ở Ích Châu.

Năm 263, Tào Nguỵ tấn công Thục Hán. Lúc này, Đông Ngô ở bên ngoài nhưng cũng không có sự trợ giúp, thế lực ở Ích Châu cũng không có sự ủng hộ hay giúp đỡ triều đình Thục Hán.

Từ những nguyên nhân trên có thể thấy rằng sự sụp đổ của Thục Hán không đơn giản như nhiều người nghĩ trước đây. Bởi sự phản đối và bất hợp tác của các thế lực ở Ích Châu được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của Thục Hán trong Tam Quốc. Đây quả thực là điều đáng tiếc.

Bài viết tham khảo nguồn: QQ, Baidu, Sogou

https://soha.vn/trong-tam-quoc-vi-sao-thuc-han-la-nuoc-dau-tien-bi-diet-vong-nguyen-nhan-khong-ngo-20220505123903333.htm