Chẳng biết từ bao giờ mà giới trẻ sử dụng từ “vãi” để biểu thị cảm xúc của mình. Cứ không tìm được từ để diễn tả là lại thốt lên “vãi” thế này, “vãi” thế kia. Từ “vãi” với giọng điệu, thái độ khác nhau sẽ tạo nên ý nghĩa khác nhau. “Vãi” để thể hiện sự ngạc nhiên, tán thưởng; “vãi” cũng thể hiện sự buồn bực, không thể tin được,…
Đài Phát thanh VOV2 từng mời PGS TS Hoàng Anh Thi – Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Văn hoá Việt Nam giải thích cho quý phụ huynh, những người lớn tuổi hiểu từ “vãi” của giới trẻ có nghĩa là gì. Thậm chí, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng “ưu ái” đưa cụm từ “vãi cả linh hồn” vào tác phẩm Con Chó Nhỏ Mang Giỏ Hoa Hồng. Vậy từ “vãi” có gì hay mà trở nên phổ biến và thay thế được cho nhiều cụm từ khác như vậy?
Từ “vãi” được giới trẻ sử dụng phổ biến ngày nay (Ảnh minh hoạ)
Về nguồn gốc và ngữ nghĩa, “vãi” không có nghĩa xấu xa, đen tối. Trong cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của giảng, “vãi”: Đàn bà ở chùa, tu đạo Phật thì gọi là “sư vãi”, “bà vãi”.
Trong Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức bổ sung thêm 2 nghĩa nữa, bao gồm:
1.Rơi toé ra. Ví dụ: Ăn cơm đánh vãi ra bàn.
2.Ném vung ra. Ví dụ: Vãi hạt giống, vãi hạt ngô.
Như vậy, “vãi” cũng là một từ lành mạnh như bao từ khác. Nhưng vì sao “vãi” lại được giới trẻ sử dụng phổ biến như vậy? Trước vấn đề này, PGS TS Hoàng Anh Thi cho rằng, đây là một từ được hiểu theo nghĩa mới do giới trẻ sáng tạo ra để chỉ cảm xúc quá mức. Chẳng hạn như: Nóng vãi (nóng quá), xinh vãi (rất xinh),…
Thực tế, giới trẻ đâu đủ sức để sáng tạo từ “vãi” có nghĩa khác biệt hoàn toàn so với nghĩa gốc. Từ này xuất hiện từ những năm 2010 – 2015. Thời điểm ấy, giới trẻ rất ưa chuộng cách nói: Vãi + x (x là một danh từ tạo nên lối nói hết sức thô tục).
Dần dần, cách nói này được lan truyền rộng hơn. Để giảm bớt sự tục tĩu, nhạy cảm của nó, người ta cắt bỏ thành phần x phía sau, để lại từ “vãi” khá tối nghĩa. Như vậy, “vãi” ở đây là cách nói lấp liếm, có nguồn gốc không trong sáng. Nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu không biết nên vô tư thảo luận và đưa từ này vào tác phẩm để hoà nhập cùng lớp trẻ. Còn ai biết thì khi nghe người khác thốt lên sẽ nhớ đến cấu trúc: Vãi + x theo phản xạ.
Ngày nay, giới trẻ coi việc thốt ra một câu “vãi”, hai câu “vãi” là điều bình thường. Ai không hiểu chuyện sẽ khục khặc cười, còn ai hiểu chuyện sẽ “mặt đỏ tía tai” ngượng ngùng. Đáng buồn thay, cách nói thiếu văn hoá và kém chuẩn mực này đang trở nên phổ biến. Thói quen lạm dụng từ “vãi” khiến vốn từ của giới trẻ ngày càng “nghèo” đi. Khi không biết dùng từ gì thì họ lại đưa “vãi” vào mà không chịu động não suy nghĩ.
Nhìn lại, chúng ta thấy vào các thập niên trước, đặc biệt là trước khi cấu trúc: Vãi + x ra đời, cách dùng từ linh hoạt và phong phú hơn rất nhiều. Khi nói về mức độ xấu, người ta có thể liệt kê ra hàng loạt cụm từ: Xấu quá, xấu thậm tệ, xấu đau xấu đớn, xấu ma chê quỷ hờn,… Hay khi nói đến đẹp sẽ xuất hiện một số cụm từ diễn tả: Đẹp quá, đẹp mỹ miều, đẹp tuyệt trần, đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đẹp chim sa cá lặn,…
Còn ngày nay, giới trẻ chỉ biết mỗi “xấu vãi” và “đẹp vãi”. Ở đây, chúng ta không nói rằng giới trẻ không biết đến những cụm từ kia, nhưng theo phản xạ thì cứ lấy từ “vãi” ra dùng.
Tóm lại, do sự lém lỉnh, tinh nghịch và sáng tạo, giới trẻ đã biến từ “vãi” – vốn vô hại thành một lối nói kém văn minh. Do chưa hiểu được hết ý nghĩa của nó nên nhiều người đồng tình rồi lan truyền phổ biến. Đây là việc làm hết sức nguy hại, cần loại bỏ để tránh làm nghèo nàn hệ thống Tiếng Việt cũng như ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục Việt Nam.