Một số video “chiến tranh Nga – Ukraina” nổi tiếng nhất trên mạng mà bạn được xem trong vài ngày qua thật ra là hàng giả, được cắt từ một trò chơi bắn súng!
Một số video quay lại gameplay của Arma 3, một tựa game bắn súng mô phỏng quân sự rất hấp dẫn nhưng cũng cực khó chơi đã được lan truyền trên internet với lời giới thiệu là video quay lại chiến sự Nga – Ukraina. Điều này nghe cứ tưởng như đùa, nhưng sự chân thực của hình ảnh trong game cộng với chất lượng video yếu kém của các nền tảng được sử dụng (Facebook Gaming, Twitter) đã khiến nó đánh lừa được hàng trăm ngàn người.
Cụ thể, một số video Arma 3 được upload lên Facebook Gaming với tiêu đề “chiến tranh Nga – Ukraina” chẳng hạn như video ngay bên trên đã thu về hơn 110,000 lượt xem, 25,000 lượt chia sẻ trước khi bị phát hiện và gỡ bỏ. Bên phía Twitter, một mẩu tweet chia sẻ video tương tự cũng có 11,000 lượt thích và 2,000 lượt đăng lại rồi mới bị đội ngũ quản trị Twitter xóa sổ.
Không rõ đây chỉ là hành vi của những con troll hay có chủ đích. Tuy nhiên việc các video quay lại hình ảnh trong một trò chơi đánh lừa được ít nhất là hàng chục ngàn người đã cho thấy tựa game Arma 3 trông chân thực đến thế nào, đặc biệt là khi công chúng đang “khát” thông tin về cuộc chiến ở Đông Âu. Điều này cũng đã khiến Facebook phải tổ chức một “Trung tâm Hành động Đặc biệt” để phản ứng với những nội dung xoay quanh cuộc chiến tranh này.
Nếu bạn chưa biết về Arma 3, đây là một tựa game FPS được ra mắt trên PC từ tận 8 năm trước và nổi tiếng nhờ độ khó cũng như tính chân thực trong gameplay. Nó từng đánh lừa không ít tổ chức, đơn vị truyền thông trên thế giới, chẳng hạn hồi năm 2021 một kênh tin tức Ấn Độ cũng dùng clip Arma 3 để tuyên bố rằng Pakistan vừa “nắn gân” Afghanistan.