Các tuyển thủ tại VCS được tiết lộ đang nhận lương quá cao so với thu nhập của một đội tuyển esports và cả chủ đầu tư.
VCS – giải đấu LMHT lớn nhất Việt Nam đang phát triển trở lại sau thời gian đại dịch khó khăn. Thật tuyệt khi SGB vẫn thể hiện được sức mạnh của đội tuyển nằm trong khu vực có 2 slot tham dự CKTG khi lọt vào top 6 kỳ MSI vừa rồi. Ngay ở mùa giải Mùa Hè hiện tại, chúng ta được cảm nhận một mùa giải VCS hấp dẫn nhất trong lịch sử LMHT chuyên nghiệp với sự cạnh tranh khốc liệt của các đội tuyển cả về mặt thi đấu lẫn “content”. Thực sự khu vực của chúng ta vẫn đang có những bước tiến rõ rệt về trình độ tuyển thủ, đội tuyển so với mặt bằng chung giải đấu và cả quốc tế.
Sự hấp dẫn được thể hiện của VCS Mùa Hè 2022 được thể hiện thông qua việc lực lượng các đội tuyển tương đối đồng đều. Mỗi đội đều có những ngôi sao và có thể tỏa sáng chứ không còn là GAM hay các đội tuyển dẫn đầu có thể hủy diệt tất cả. Tuy nhiên, một thực tế phũ phàng mà chúng ta có thể nhận thấy chính là việc các tuyển thủ có trình độ đang bị xoay tua liên tục trong nhiều màu áo như Glory hay Slayder… mà gần như không có những tuyển thủ trẻ được đào tạo lên thay. Cùng với đó những đội như CES bắt đầu tìm kiếm tài năng “già” từ nước ngoài khiến giải đấu có phần hỗn loạn.
Có rất nhiều điều cần nói liên quan đến việc xoay tua tuyển thủ tại nhiều đội tuyển khác nhau nhưng điều này lại phát sinh thêm một vấn đề cực kỳ nhạy cảm đó chính là trả lương tuyển thủ. CEO của Cerberus Esports – Nguyễn Thu Ngọc cũng đã tiết lộ về vấn đề này trong talkshow với BLV Hoàng Luân về vấn đề của EGO và kinh tế của một tổ chức Esports.
Cụ thể khi chia sẻ về lương tuyển thủ, CEO của CES chia sẻ rằng mức lương của các tuyển thủ đánh chính tại VCS đang thực sự quá cao so với nguồn thu của một đội tuyển và khó có thể đáp ứng được. Mức lương được người hâm mộ đồn đoán là 15 triệu nhưng CEO Ngọc tiết lộ con số thậm chí còn gấp 2, gấp 3 và có cả tuyển thủ nhận lương tới 100 triệu/tháng.
“Mà nguồn thu của các đội tuyển tại VCS đến từ đâu? Là từ nhà đầu tư, từ quảng cáo, từ các nhà tài trợ, nhưng bao nhiêu đội tuyển có thể duy trì được nhà tài trợ. GAM sau bao nhiều thành tích còn mất đi nhà tài trợ LG mà. Tuy nhiên, số tiền được tài trợ chưa chắc đã trả được lương cho một tuyển thủ trong một tháng chứ đừng nói là cả đội hình hay vận hành.“ – CEO Nguyễn Thu Ngọc chia sẻ về nguồn thu hạn chế của một đội tuyển esports.
Vậy số tiền còn lại từ đâu? CEO Ngọc khẳng định gần như chi phí để xây dựng một đội hình tại VCS sẽ đến từ các nhà đầu tư – những người có niềm đam mê với thể thao điện tử. Họ sẵn sàng đầu tư gần như toàn bộ chi phí để xây dựng đội hình bằng nguồn tiền tự có hoặc từ hoạt động kinh doanh khác. Trong 4 năm gần nhất tại VCS, chỉ có hai đội tuyển không đổi chủ đầu tư là CES và SGB còn các đội tuyển khác đều phải đổi chủ đầu tư sau 1-2 năm vì không thể nuôi nổi một team để tiếp tục thi đấu mà không đem lại nhiều hiệu quả.
Về vấn đề lương tuyển thủ, ngài Ren – HLV của SGB cũng thẳng thắn chia sẻ rằng điều đó là đúng, có tuyển thủ lương 100 triệu nhưng nó có nguyên nhân cả, không phải ngẫu nhiên con số lại cao như vậy. Vấn đề này bắt nguồn từ cuối năm 2019 khi PVB dành 2 slot đi CKTG cho khu vực VCS. Sau đó, rất nhiều tổ chức nước ngoài nhận thấy tiềm năng của khu vực chúng ta và bắt đầu đổ tiền để xây dựng đội hình và đầu tư. Lúc này, họ sử dụng rất nhiều tiền để thu hút những tuyển thủ xuất sắc, build đội hình mạnh mẽ và cạnh tranh slot CKTG vì vậy, mức lương của tuyển thủ được nâng cao và một số tuyển thủ cũng bắt đầu ảo tưởng về giá trị của mình. Trong khi đó, game thủ chuyên nghiệp cũng chưa thể coi là một nghề tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Giống như bong bóng dot com, mọi chuyện dần sụp đổ khi các nhà đầu tư nước ngoài không thể chi trả lương cho tuyển thủ, chi phí vận hành và dần rút đầu tư tại VCS. Tuy nhiên, nhiều tuyển thủ khi đã từng nhận được mức lương cao chót vót vẫn deal với các đội tuyển sau đó của mình mức lương như vậy mà giá trị họ đem lại không hề xứng đáng hoặc ít nhất là không xứng đáng với nguồn thu của đội tuyển.
Ngài Ren chỉ ra điều này còn dẫn đến một hệ lụy xấu hơn cho các đội tuyển tại VCS khi một là họ phải thi đấu với đội hình yếu kém hoặc hai là phải chấp nhận mua tuyển thủ đó và all in vào một mùa. Được đi CKTG, vô địch thì đầu tư tiếp, còn không thì đành phải giải thể. Có rất nhiều tấm gương tại VCS thời gian gần đây và điều này không hề tốt cho khu vực của chúng ta một chút nào.
Có thể bạn muốn xem thêm: Danh sách đội tuyển tham dự CKTG 2022, 19 cái tên đã lộ diện
Một vấn đề thực sự nhạy cảm đã được những người trong ngành chia sẻ cực kỳ cụ thể tại giải đấu VCS mà chúng ta khó có thể được nghe từ ai. Đây là một vấn đề thực sự khó để giải quyết trong một sớm một chiều và ảnh hưởng rất nhiều đến các vấn đề liên quan.