Khởi nguồn một truyền thuyết
Nguồn gốc chính xác của ninja còn nhiều tranh cãi, nhưng ở Nhật Bản, người ta thường chấp nhận họ phát xuất nơi vùng nông thôn hẻo lánh, từ cuộc xung đột giành quyền lực tối thượng giữa hai gia tộc láng giềng, Koga và Iga kể từ thế kỷ thứ mười một.
Cuộc xung đột dai dẳng của họ khác thường ở phương pháp chiến đấu, chỉ tập trung vào mưu kế, đánh lừa, phục kích và lén lút xâm nhập, hơn là đánh nhau bằng binh lực. Và ninja ra đời để thực hiện các nhiệm vụ này.
Bốn thế kỷ sau đó, Nhật Bản rơi vào bế tắc do hậu quả của “thời chiến quốc” (Sengoku). Đất nước trải qua tình trạng bất ổn triền miên. Các thế lực quân phiệt và “daimyo” (lãnh chúa phong kiến) đã sử dụng đội ngũ samurai để duy trì quyền lực và tấn công kẻ thù. Nhưng trong những trường hợp hiếm hoi cần tiến hành công việc bí mật, họ sẽ thuê ninja.
Đó là lý do khiến nhà sử học người Anh, Stephen Turnbull, một chuyên gia về lịch sử quân sự Nhật Bản và thời kỳ samurai, suy luận rằng ninja xuất thân từ tầng lớp thấp của Nhật Bản. Do nghèo khó nên họ sẵn sàng nhận làm những công việc bất lương, mờ ám, không giống như những samurai đẳng cấp cao, vốn có tinh thần “võ sĩ đạo” (bushido).
Khi nghĩ về ninja, người ta thường hình dung đó là một người đàn ông mặc bộ đồ đen từ đầu đến chân, đeo một chiếc mặt nạ vải chỉ chừa hai mắt. Với trang phục như vậy, họ dễ dàng hoạt động trong bóng đêm.
Ninja cổ điển có khăn che đầu và trang phục được thiết kế rộng rãi để dễ dàng di chuyển. Tuy nhiên, trên thực tế, trang phục của họ phụ thuộc vào nhiệm vụ được giao. Nếu đang làm công việc do thám, họ có thể ăn mặc như một nông dân hoặc thương gia.
Ngay cả từ ninja cũng không được người Nhật sử dụng theo truyền thống. Các tài liệu Sengoku có đề cập đến một nhân vật được gọi là shin-no-mono (viết tắt là shinobi, tức ninja), có nghĩa là người “rời đi bí mật”, hoặc ẩn nấp.
Những cái tên khác cũng được dùng như shinobi là monomi – “người nhìn thấy”, Iga mono – “người đến từ Iga”, nokizaru – “khỉ trên mái nhà”, và rappa – “lưu manh”.
Xuất quỷ nhập thần
Ninja với huyền thoại “xuất quỷ nhập thần”.
Thường nổi tiếng với những khả năng phi thường như đi trên mặt nước và thăng thiên, độn thủy nhưng trên thực tế, ninja không phải là siêu nhân, mà họ được đào tạo theo bài bản. Kỹ năng của họ vẫn phải theo quy luật vật lý và lực hấp dẫn.
Ninja được huấn luyện các chiến lược chiến tranh du kích, được gọi là ninpō, hoặc phổ biến hơn là ninjutsu, liên quan đến các chiến thuật độc đáo như giải mã, gián điệp, trinh sát và ngụy trang. Họ sẽ không cho phép mình kẹt trong trận đánh thông thường, thay vào đó họ thích tấn công và biến đi nhanh chóng, không để lại dấu vết.
Đôi khi còn đảm nhận vai trò sát thủ bí mật nên những chiến binh này bắt buộc phải nhanh nhẹn và thể lực tốt để đối mặt với mọi tình huống gặp phải. Giống như samurai, kỹ năng của họ là do cha truyền con nối, hoặc từ thầy sang trò.
Trong huấn luyện, họ bắt buộc phải co cơ thể vào bất kỳ tư thế nào, từ nhảy qua khoảng trống đến leo lên độ cao, do đó, việc thành thạo các động tác nhào lộn là rất quan trọng. Ngoài ra, họ còn phải đủ khả năng tiếp thu các bài học về kỹ năng sinh tồn, đọc địa hình và thời tiết, chiến đấu có và không có vũ khí, điều trị y tế và nghệ thuật ngụy trang.
Có một nhận thức sai lầm rằng ninjutsu là một môn võ thuật. Điều này có thể là do nó gần âm với môn võ Jujitsu của Brazil, hoặc do Nhật Bản là quê hương của nhiều loại võ thuật.
Tuy nhiên, Bảo tàng Ninja của Igaryu lưu ý rằng, “Người sử dụng ninjutsu là một ninja. Ninjutsu không phải là một môn võ thuật, mà là một nghệ thuật chiến tranh độc lập, phát triển chủ yếu ở các vùng Inga thuộc tỉnh Mie, và Koka ở tỉnh Shiga, Nhật Bản”.
Phai mờ trong lịch sử
Ba trận chiến lớn có thể được dùng để minh họa những gì đã mang lại sự kết thúc kỷ nguyên ninja. Đầu tiên là trận chiến Okehazama. Vào năm 1560, tướng quân Tokugama đã thuê 8 ninja Koga lén lút xâm nhập lâu đài của gia tộc Imagawa, đối thủ của ông để thực hiện âm mưu hủy diệt. Những sát thủ đánh thuê không bị phát hiện đã thiêu rụi toàn bộ lâu đài, giết chết hai trăm binh sĩ.
Sau những sự kiện như trận chiến Okehazama kể trên, vai trò của ninja nổi bật lên khiến một số thế lực quân phiệt lo ngại. Shogun Oda Nobunaga, một tướng quân khát khao quyền lực, đã quyết định phải loại bỏ một trong những mối đe dọa đến vị thế của ông ta, đó là ninja. Để thực hiện điều này, năm 1581, ông ta đã chỉ huy một lực lượng 40.000 người tiến vào tỉnh Iga.
Cùng với các chiến binh Iga khác, 4.000 ninja đã ra sức bảo vệ pháo đài. Tuy nhiên với sức mạnh vượt trội, Nobunaga đã giết tất cả những người chống lại. Ông ta không để cho một ninja nào sống sót vì sợ bị trả thù sau này. Trận chiến đánh dấu sự kết thúc của gia tộc Iga và cùng với họ, truyền thống ninja nơi này cũng bị diệt vong.
Sau nhiều năm nội chiến, Nhật Bản cuối cùng đã đi gần đến thống nhất vào những năm 1630. Tướng quân lúc bấy giờ, Tokugawa Iemitsu, đã cam kết tạo dựng một đất nước Nhật Bản hòa bình, thống nhất. Do đó, vào năm 1637, khi cuộc nổi dậy Shimbara đe dọa mục tiêu của ông, Tokugawa Iemitsu đã hành động không do dự.
Lực lượng nổi dậy gồm những người chống lại các sắc lệnh bài Thiên chúa giáo của Tokugawa Iemitsu. Để chiếm lấy thành trì Hara của phe này, Tokugawa đã sử dụng những ninja cuối cùng của Koga. Không có gì ngạc nhiên khi các chiến binh ninja lành nghề đã chiến thắng một toán quân ô hợp gồm hầu hết là nông dân.
Chiến thắng này là cuộc xung đột quan trọng cuối cùng, phá bỏ những trở ngại để đi đến một Nhật Bản thống nhất. Vì không còn nội chiến giữa các gia tộc nên vai trò ninja không còn hợp thời và mờ dần trong lịch sử.
Theo Historicmysteries