Tiểu thuyết ‘Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông’ chuyển thể thành phim vào năm 2017.
Sức hấp dẫn từ vụ án có thật
‘Nữ hoàng trinh thám’ Agatha Christie.
Agatha Christie, hay còn được biết đến với tên gọi “Nữ hoàng trinh thám” là tiểu thuyết gia người Anh có nhiều tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Trong các cuốn sách của mình, Agatha đã sáng tạo hai nhân vật thám tử nổi tiếng được độc giả mến mộ là Hercule Poirot và Miss Marple.
Cuốn tiểu thuyết “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông”, ra mắt lần đầu vào năm 1934, là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nữ tác giả người Anh. Từ khi được xuất bản, cuốn sách đã trở thành hiện tượng toàn cầu và được tái bản nhiều lần, chuyển thành phim vào năm 1974 và 2017.
“Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” kể về hành trình truy tìm thủ phạm trong một vụ giết người đẫm máu trên chuyến tàu phương Đông khởi hành từ Istanbul đi London.
Nạn nhân Samuel Edward Ratchett, là một tay buôn đồ cổ, được phát hiện đã bị sát hại với 12 nhát dao liên tiếp. Với 12 hành khách đáng nghi trên chuyến tàu, thám tử Poirot đã lần lượt giải mã các bí mật và đưa kẻ thủ ác ra ngoài ánh sáng.
Cuốn sách gợi nhắc người đọc đến vụ bắt cóc nổi tiếng toàn nước Mỹ xảy ra vào những năm 1930 của thế kỷ 20. Trong cuốn sách “Agatha Christie’s True Crime Inspirations: Stranger Than Fiction” (Tạm dịch: Những vụ giết người có thật truyền cảm hứng cho Agatha Christine: Lạ hơn tiểu thuyết), cuốn sách viết về quá trình sáng tác của nữ tác giả đã xác nhận điều này.
Khoảng 19 giờ 30 phút tối 1/3/1932, bảo mẫu Betty Cow đặt bé Charles Jr, 20 tháng tuổi, con trai của phi công Charles Lindbergh và bà Anne Morrow Lindbergh, vào cũi ở phòng bé trên tầng 2.
Khoảng 2 tiếng sau, Lindberg, 30 tuổi, nghe thấy tiếng động lớn giống như kệ bếp bị vỡ khi đang đọc sách trong thư viện ngay bên dưới phòng của con. Đến khoảng 22 giờ, Betty Cow phát hiện em bé mất tích và báo lại với Lindbergh.
Ngay lập tức, Lindbergh vào phòng con và tìm thấy bức thư đòi tiền 50 nghìn USD tiền chuộc nằm trên bậu cửa sổ. Những kẻ bắt cóc gia hạn 2 – 4 ngày để gia đình Lindbergh chuẩn bị tiền chuộc rồi sẽ thông báo địa điểm chuyển tiền. Một chiếc thang gỗ nằm ngay dưới bậu cửa sổ cùng với chiếc chăn của em bé.
Sau chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên vào năm 1927, Charles Lindbergh trở thành biểu tượng hàng không của Mỹ ở tuổi 25. Anh bay thẳng từ New York đến Paris, vượt hành trình 5.800 km trong 33,5 giờ với chiếc máy bay một động cơ Spirit of St. Louis.
Người Mỹ gọi anh bằng những cái tên ấn tượng như “anh hùng”, “siêu nhân đời thực”… Do đó, vụ bắt cóc con trai Lindbergh trở thành tâm điểm chú ý và được coi là “tội ác thế kỷ”.
Sáng hôm sau vụ bắt cóc, tin tức đã lan đến Nhà Trắng, ngay cả Tổng thống Mỹ Herbert Hoover cũng quan tâm đến vụ án này. Vào thời điểm đó, bắt cóc được xếp vào tội phạm cấp bang thay vì liên bang. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp William D. Mitchell tuyên bố toàn bộ Bộ Tư pháp sẽ hợp tác với chính quyền New Jersey để tìm ra hung thủ.
Phi công anh hùng Charles Lindbergh
Tội ác thế kỷ
Theo Cơ quan điều tra bang New Jersey, hiện trường vụ bắt cóc có nhiều vết bùn, dấu chân nhưng khó có thể tìm ra số giày của hung thủ do chồng chéo lẫn nhau.
Chiếc thang mà hung thủ dùng để trèo lên từ cửa sổ tầng hai bị gãy có thể do quá trình hung thủ trèo lên hoặc xuống. Không có vết máu trong hoặc xung quanh phòng ngủ của em bé, cũng không có bất kỳ dấu vân tay nào. Người giúp việc, quản gia của gia đình bị thẩm vấn và điều tra.
Trong số những người bị điều tra, cảnh sát nghi ngờ một người giúp việc tại nhà Lindbergh, Violet Sharpe. Tối hôm xảy ra sự việc, Violet khai rằng đi chơi với một người đàn ông nhưng không nhớ tên người này cũng không nhớ tên rạp chiếu phim, bộ phim họ xem. Sau đó, người này khai rằng một cặp đôi khác đi cùng làm chứng cho họ nhưng cũng không nhớ tên hai người này.
Những người khác trong gia đình Lindbergh tỏ ra hợp tác với cảnh sát chỉ riêng Violet thì không. Điều này khiến cảnh sát nghi ngờ Violet đã cấu kết hoặc tiết lộ thông tin cho kẻ bắt cóc nên họ đặt cô vào vòng nghi vấn.
Lá thư đầu tiên đòi 50 nghìn USD tiền chuộc.
Đến ngày 6/3, Đại tá Lindbergh tiếp tục nhận được một bức thư đòi tiền chuộc có dấu bưu điện từ quận Brooklyn, thành phố New York ngày 4/3. Số tiền chuộc tăng lên 70 nghìn USD. 2 ngày sau, lá thư đòi tiền chuộc thứ ba tiếp tục được gửi từ Brooklyn, nói rằng John Condon sẽ là trung gian liên lạc giữa Lindbergh và kẻ bắt cóc.
Ông John Condon là một hiệu trưởng đã về hưu, sống tại Bronx, New York và quan tâm đến vụ bắt cóc. Ông đã viết thư cho một tờ báo địa phương, treo thưởng 1.000 USD nếu kẻ bắt cóc trả lại em bé. Cùng ngày, ông Condon nhận được một bức thư từ kẻ bắt cóc, yêu cầu làm người trung gian cho hai bên và được Lindbergh chấp thuận.
Khoảng 20 giờ 30 phút ngày 12/3, sau khi nhận được cuộc gọi nặc danh, ông Condon nhận được giấy đòi tiền chuộc thứ 5, do một người không rõ danh tính gửi cho tài xế Joseph Perrone. Theo chỉ dẫn của tờ giấy này, Condon đến gặp kẻ bắt cóc tự xưng tên là John trong đêm tối tại Nghĩa trang Woodlawn, Bronx.
Condon nói không nhìn được mặt John nhưng giọng nói cho thấy đây là người nước ngoài. John tự nhận mình thuộc một băng đảng Scandinavia và em bé đang bị giữ trên một chiếc thuyền ngoài khơi. Khi Condon bày tỏ nghi ngờ, John hứa sẽ trả lại đồ ngủ của em bé.
4 ngày sau, giữ đúng lời hứa, John gửi cho Condon bộ quần áo mà Lindbergh xác nhận là đồ của em bé. Ngày 2/4, Condon gặp John lần thứ hai cùng với khoản tiền chuộc trị giá 50 nghìn USD. John nhận tiền chuộc, nói rằng em bé đang được hai người phụ nữ chăm sóc nhưng không cung cấp thêm thông tin nào. Gia đình Lindbergh kiên nhẫn chờ đợi nhưng không nhận được con.
Số tiền chuộc được trao bao gồm một số chứng chỉ vàng (giấy chứng nhận quyền sở hữu vàng được Mỹ sử dụng làm tiền tệ năm 1863 – 1933). Các tờ tiền không được đánh dấu nhưng số seri được ghi lại nhằm giúp giới chức theo dõi nếu chúng được lưu thông.
Luật Lindbergh
Bé Charles, 20 tháng tuổi, trước khi bị bắt cóc
Ngày 12/5, một tài xế xe tải phát hiện thi thể bé Charles trong lùm cây cách nhà Lindbergh khoảng 4,5 km. Hộp sọ Charles bị tổn thương nghiêm trọng và thi thể bị phân hủy, cho thấy em bé bị giết bằng một cú đánh vào đầu không lâu sau vụ bắt cóc.
Sau đó, người giúp việc Violet được gọi đến thẩm vấn. Qua điều tra, cảnh sát phát hiện Violet có 5 người tình. Mối quan hệ đáng ngờ của cô khiến cảnh sát đặc biệt lưu tâm dù Violet không kể hết được tên của những người bạn trai. Violet được cho ra về nhưng cô đã tự tử ngày tối hôm đó.
Sau đó, cảnh sát tiếp tục lần theo seri từ những tờ tiền trao cho kẻ bắt cóc. Tháng 9/1934, họ xác định được nghi phạm là người Đức nhập cư Richard Hauptmann, 35 tuổi. Người này từng có tiền án về tội cướp tài sản và từng ngồi tù.
Đầu tháng 7/1923, Hauptmann lên tàu SSHanover từ Bremen, Đức, đến Cảng thành phố New York vào ngày 13/7. Anh ta bị bắt và bị trục xuất ngay lập tức vì tội cố ý nhập cảnh trái phép. Phải đến lần thứ 3 vào tháng 11/1923, Hauptmann mới nhập cảnh thành công vào Mỹ. Hai năm sau, Hauptmann kết hôn với Anna Schoeffler và sinh sống tại New York. Trước vụ bắt cóc, hắn ta làm nghề thợ mộc.
Kẻ bắt cóc người Đức, Richard Hauptmann.
Khi Hauptmann bị bắt tại New York, một chứng chỉ vàng 20 USD và hơn 14.000 USD tiền chuộc được tìm thấy trong nhà để xe của ông ta. Hauptmann bác bỏ cáo buộc đứng sau vụ bắt cóc, khai rằng số tiền do người bạn Isidor Fisch, qua đời vào tháng 3/1934, để lại.
Tuy nhiên khi khám xét nhà của Hauptmann, cảnh sát phát hiện loại gỗ tương tự với thang gỗ tìm thấy tại hiện trường, số điện thoại và địa chỉ của John Condon. Không có chứng cứ chứng minh bản thân vô tội dù liên tục kêu oan, Hauptmann bị kết án tử hình và thi hành án vào tháng 4/1936.
Vụ bắt cóc bé Charles đã trở thành một trong những vụ án khiến công chúng Mỹ bàn tán nhiều nhất. Vụ án thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Bắt cóc Liên bang, thường được gọi là “Luật Lindbergh”. Theo quy định, việc đưa nạn nhân bắt cóc qua các bang là tội ác liên bang.
Đầu năm 1934, khi “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” ra mắt, độc giả không khỏi liên tưởng đến vụ bắt cóc trên. Theo cuốn sách, tại hiện trường nạn nhân Ratchett bị sát hại, thám tử Poirot tìm thấy một mẩu giấy bị đốt có dòng chữ “tưởng nhớ Daisy Amstrong bé nhỏ”.
Thám tử Poirot tin rằng, nạn nhân Ratchett từng bắt cóc một cô bé 3 tuổi tên là Daisy Amstrong, người thừa kế của gia đình nổi tiếng Armstrong. Ratchett đã trốn thoát thành công cùng khoản tiền chuộc trị giá 200 nghìn USD sau khi thủ tiêu nạn nhân.
Câu chuyện về vụ bắt cóc bé Charles, khoản tiền chuộc trị giá 50 nghìn USD cùng phi vụ giải cứu bất thành đã trở thành nguồn cảm hứng để Agatha Christine lồng vào mạch truyện một chi tiết đắt giá.
Khi điều tra 12 nghi phạm trên tàu tốc hành phương Đông, thám tử Poirot phát hiện dù 12 người này không quen biết nhau, họ đều có chung mối liên hệ với nhà Amstrong và có động cơ sát hại Ratchett để trả thù cho cô bé.
Từ đó, thám tử Poirot đưa ra hai giả thuyết. Thứ nhất, tên tội phạm đã sát hại Ratchett để trả thù cho Daisy và rời đi khi tuyết lở khiến tàu phải dừng lại giữa hành trình. Thứ hai, những người trên tàu đều có thể là hung thủ của vụ án.
Một chi tiết thú vị khác là nhà văn Agatha rất thích di chuyển bằng tàu tốc hành phương Đông, đồng thời con tàu là nguồn cảm hứng làm việc cho bà. Trong một chuyến đi năm 1931, tàu của bà bị trễ lịch vì bão tuyết trong khi chuyến đi khác vào năm 1929 bị mắc kẹt 5 ngày do một vụ tai nạn.
Điều này đã được Agatha đưa vào “Án mạng trên chuyến tàu tốc hành phương Đông” qua chi tiết tàu dừng đột ngột vì thời tiết xấu.
Trong hồi ký, Agatha Christie cũng từng chia sẻ rằng, bản thân bà vốn có trí tưởng tượng phong phú và cũng không ngại khi được truyền cảm hứng từ những câu chuyện trong cuộc sống thường nhật.