Có một thời cứ 3 game thủ thì có 2 người chơi Võ Lâm tại Việt Nam

Vừa qua, tờ báo CNBeta của Trung Quốc đã có một bài viết nhận định tựa game huyền thoại Võ Lâm Truyền Kỳ từng là một tựa game ăn khách hàng đầu trong 17 năm qua. Cái thời mà internet mới xuất hiện tại Việt Nam, và tổng số game thủ online chưa tới 10.000 người.

Bài báo viết, tại thời điểm đó trong bất kỳ quán Internet nào, 80% người chơi chơi game Võ Lâm. Ngay cả sau khi áp dụng hình thức thanh toán theo thời gian (chơi theo giờ), số lượng người chơi đã tăng 20%, đây gần như là “một kỳ tích ở Việt Nam”, theo nhận định của bài báo.

Khi vừa ra mắt Võ Lâm Truyền Kỳ, không có quá nhiều kinh phí quảng cáo trong tay, đội ngũ của VinaGame thời bấy giờ cùng nhau bàn bạc để tìm ra cách quảng bá game sao cho hiệu quả mà vẫn tiết kiệm chi phí. Cuối cùng, họ đưa ra quyết định sẽ in khoảng 10.000 chiếc poster quảng cáo, sau đó phân phát một nhóm khoảng 20 người đi dán hết chỗ poster đó tại tất cả các quán net trên cả nước với thời gian gấp rút trong vòng 15 ngày. Đây được xem là hình thức quảng cáo rất mới ở thời điểm đó.

Chiến lược này của Lê Hồng Minh và đội ngũ VinaGame bất ngờ thành công rực rỡ khi chỉ trong một thời gian ngắn người chơi game trên khắp cả nước đã biết đến cái tên Võ Lâm Truyền Kỳ. Thậm chí website đăng ký của game có những thời điểm còn bị “sập” khi mở cửa vì quá tải.

Trong tháng đầu tiên ra mắt sản phẩm, VinaGame đã kiếm được 500.000 USD. Chỉ mất một năm để thu hồi các chi phí sản xuất. Ngoài thành công về mặt thương mại, Võ Lâm Truyền Kỳ còn mang lại danh tiếng cho VinaGame.

Từ thành công của tựa game Võ Lâm Truyền Kỳ, công ty của ông Minh tiếp tục tìm kiếm mua bản quyền và phát hành nhiều tựa game khác tại thị trường Việt Nam. Đến năm 2006, doanh thu của VinaGame theo báo cáo đã đạt 17 triệu USD, gấp 6 lần so với năm 2005.

Bên cạnh phát hành game, công ty này dần mở rộng sang các mảng công nghệ khác và cũng đạt được nhiều thành công nhất định như ra mắt trang thương mại điện tử 123mua.vn (sau này bán lại cho công ty FPT), ra mắt mạng xã hội Zing Me, nền tảng nhạc số Zing MP3, ứng dụng nhắn tin gọi điện Zalo, ví điện tử ZaloPay…

Trong bài báo này còn nói về tiểu sử, tích cách và con người ông Lê Hồng Minh như: “Lê Hồng Minh vốn là một sinh viên xuất sắc chuyên ngành tài chính. Năm 2001, sau khi hoàn thành chương trình học và trở về từ Trung Quốc, anh gia nhập một ngân hàng đầu tư. Nhưng Lê đã rất thích game từ khi còn là một đứa trẻ và anh ấy không muốn từ bỏ công việc kinh doanh game… Lê Hồng Minh làm việc trong ngân hàng quản lý đầu tư vào buổi sáng và phát triển VinaGame của riêng mình sau khi tan sở vào buổi tối”.

Ngay từ đầu, tham vọng của CEO VinaGame, ông Lê Hồng Minh, không chỉ giới hạn trong các trò chơi. Ông đưa ra chiến lược “1441”, tức là đến năm 2014 sản phẩm Internet sẽ tiếp cận và phục vụ 41 triệu người dùng Việt Nam. Công ty cũng chính thức đổi tên VNG.

Bài báo còn hé lộ VNG hiện sắp niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tại Hoa Kỳ với mức định giá 3 tỷ USD, nếu niêm yết thành công sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ.

Có thể nói, từ sự hợp tác ban đầu giữa ông Lê Hồng Minh và Kingsoft (khi đó người làm việc trực tiếp là ông Lôi Quân, CEO Xiaomi bây giờ) như một cơ duyên. Thông qua sản phẩm Võ Lâm Truyền Kỳ (hay Kiếm Hiệp Tình Duyên) VinaGame đã thay đổi thành VNG ngày nay với tầm vóc và vị thế hoàn toàn khác. Suy cho cùng, việc phát triển mạnh mẽ của VNG hiện nay không phải chỉ từ Võ Lâm Truyền Kỳ mà là sự nỗ lực vươn lên của cả một tập thể mà người đứng đầu dẫn dắt là CEO họ Lê.

Cho đến nay, series game Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam vẫn được công chúng yêu thích với lượng fan đông đảo. Sản phẩm mới nhất là bản chuyển thể Võ Lâm 1 đã ra mắt và có được thành công vang dội. Không chỉ có tựa game này, VNG vẫn được biết đến là “đại gia” về dòng kiếm hiệp với hàng loạt game hot như Kiếm Thế, Thiên Long Bát Bộ, Kiếm Ca, Kiếm Khách, Cửu Âm VNG, Nhất Mộng Giang Hồ… Chúng ta hãy cùng chờ đón nhiều siêu phẩm khác nữa sẽ được VNG phát hành trong tương lai.

Chúc các bạn chơi game vui vẻ!