Giai đoạn chuyển nhượng của hai khu vực LCK và LPL bùng nổ, liệu giá và lương của tuyển thủ LMHT trong mùa giải 2023 có đang “lạm phát”?
Giai đoạn chuyển nhượng của LMHT cho mùa giải 2023 đã chính thức khởi tranh khi các đội tuyển lần lượt thông báo chia tay các HLV, các tuyển thủ chủ chốt của mình trong mùa giải vừa rồi. Và hôm nay cũng là ngày thứ hai khu vực LPL chính thức mở cửa thị trường chuyển nhượng khi hợp đồng của các tuyển thủ đồng loạt hết hạn.
Tuy nhiên có một thực trạng đang xảy ra và ảnh hưởng rất lớn tới việc thi đấu và chuyển nhượng tuyển thủ của các đội tuyển, đặc biệt là các đội tuyển đến từ các khu vực lớn như LPL và LCK, đó chính là “lạm phát” lương và giá chuyển nhượng của các tuyển thủ LMHT. Liệu vấn đề này có thực sự tồn tại, nghiêm trọng hay không và ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động hay sự công bằng trong thi đấu?
Về cụm từ “lạm phát”, trong kinh tế học, chúng ta có thể hiểu đơn giản là “lạm dụng phát hành” tức là nhà nước chủ động in quá nhiều tiền để cung cấp cho nền kinh tế vì nhiều mục đích khác nhau, từ đó khiến đồng tiền mất giá. Còn đối với esports, giá chuyển nhượng và lương một tuyển thủ được đánh giá là “lạm phát” khi mức giá cho chữ ký của tuyển thủ đó vượt quá khả năng chi trả của đội tuyển dù hiệu quả thi đấu của họ không cao hoặc ít nhất là không tương xứng với giá trị họ đem lại.
Về khoảng thời gian LoL Esports mới phát triển, khi LMHT mới bắt đầu phổ biến trên thế giới, các ông lớn như T1, SamSung,CJ Entus, Afreeca… hay nhiều đội tuyển tại LPL như RNG, EDG… đã nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực này và bắt đầu đổ tiền để xây dựng đội tuyển và thi đấu chuyên nghiệp.
Ở thời điểm đang phát triển mạnh mẽ đó, khu vực Hàn Quốc luôn là nơi sản sinh ra những tuyển thủ LMHT có tư duy, được đào tạo bài bản và gần như dominate hoàn toàn các tuyển thủ tại những khu vực khác. Thời điểm năm 2014 sau khi SamSung White lên ngôi vô địch tại CKTG 2014, làn sóng mua người, tuyển ngoại binh Hàn từ các đội tuyển Trung Quốc bắt đầu phổ biến. SSW thời điểm đó nhanh chóng bị xé lẻ đội hình dù vừa vô địch thi đầu tiên, Imp, PawN DanDy, Mata… tất cả đã ra đi.
Đó cũng là bước khởi đầu cho những cái tên như Deft, Scout, Rookie, Doinb, Insec, Marin, TheShy… đến thi đấu tại khu vực LPL sau đó. Dù không thể biết được chính xác con số chuyển nhượng của những tuyển thủ xuất sắc kể trên là bao nhiêu nhưng chúng ta có thể chắc chắn một điều rằng con số đó không hề nhỏ. Ít nhất nó sẽ lớn hơn những lời đề nghị đến từ các đội tuyển tại giải đấu LCK.
Mọi chuyện vẫn tiếp diễn cho tới thời điểm khi các đội tuyển đến từ khu vực LPL trỗi dậy mạnh mẽ kể từ CKTG 2018. IG với những ngoại binh Hàn là Rookie và TheShy đã có đủ thời gian thích nghi và giao tiếp với các tuyển thủ khác trong đội đã hủy diệt hoàn toàn các đối thủ tại kỳ CKTG năm đó. Tiếp đó là thành công của Doinb và đồng đội tại CKTG 2019 và Scout cùng Viper tại CKTG 2021. Tất cả đều là những thành công của các đội tuyển LPL nhưng những người Hàn luôn nắm giữ một vai trò quan trọng trong những chiến thắng đó.
Khu vực LCK không phải là đã cạn nhân tài nhưng họ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi làn sóng dùng tiền mua người quá dữ dội đến từ các đội tuyển từ LPL hay thậm chí là cả LCS và LEC kể từ thời điểm đó. Năm ngoái, đã có những đội tuyển đến từ LCS đề nghị 20 triệu USD để Faker có thể đến LCS thi đấu là các bạn có thể biết được họ chịu chi như thế nào để có thể có được một bản hợp đồng chất lượng.
Cũng chính tại mùa giải vừa rồi, nhiều trang tin uy tín đã cung cấp thông tin rằng lương của Chovy và một số tuyển thủ xuất sắc tại LPL có thể “nuôi” được cả một đội tuyển nhóm dưới tại LPL và LCK. Con số chắc chắn phải lên tới cả triệu USD hoặc thậm chí là hơn cho 1 năm thi đấu chuyên nghiệp. Rồi theo chia sẻ của một số ông chủ, nhiều đội tuyển đưa mức lương hàng chục tỷ VNĐ cho một tuyển thủ không quá xuất sắc họ còn chẳng thèm thương thảo.
Mùa giải sắp tới cũng không phải ngoại lệ khi cơn sốt giá của các tuyển thủ đang tăng cao. Các thông tin từ InvenGlobal đánh giá rằng các đội tuyển LCK đang chịu chi hơn bao giờ hết với quỹ lương khổng lồ. T1 dẫn đầu với ít nhất 10 tỷ Won (khoảng hơn 170 tỷ VNĐ), tiếp theo là Gen.G, DK, DRX, HLE và KT với con số trên dưới 6 tỷ Won (hơn 100 tỷ VNĐ). Đó mới chỉ là quỹ lương mà thôi, chưa kể đến các chi phí vận hành khác. Thực sự là một con số khủng khiếp so với nguồn thu của các đội tuyển chuyên nghiệp.
Theo thông tin từ một cựu giám sát viên của JAG tiết lộ, trong mùa chuyển nhượng hiện tại, đã có đội tuyển trả đến 5 tỷ Won ( khoảng 90 tỷ VNĐ) để có chữ ký của Viper và Beryl cho mùa giải 2023. Phần lớn người hâm mộ đều cho rằng đó là DK khi họ không thể thương thảo được với Ruler đã cập bến LPL nhưng điều này khó có thể xảy ra khi Canyon và ShowMaker cũng là hai siêu sao có mức giá chuyển nhượng cực kỳ cao. Và đúng như dự đoán, đó không phải DK mà là HLE khi đội tuyển này đang bung tiền để lấy Beryl và cả Scout để hoàn thành cánh dưới hủy diệt.
Trong khi đó, đội tuyển vô địch giải đấu danh giá nhất LMHT là CKTG 2022 – DRX vừa rồi chỉ nhận được đâu đó khoảng 500.000 USD tiền thưởng, tương đương với 12 tỷ đồng. Con số này chưa bằng 1 phần 10 quỹ lương các đội bỏ ra để xây dựng đội hình được đánh giá có thể cạnh tranh chức vô địch giải đấu quốc nội chứ chưa nói đến CKTG.
Xem thêm: Lên trừng phạt như thế nào cho hiệu quả tại Tiền mùa giải 2023? Nhận ngay lời khuyên từ Levi
Thực sự mức lương và giá chuyển nhượng của các tuyển thủ chuyên nghiệp có thể xem là “lạm phát” trong những năm gần đây. Không thể chắc chắn điều này là tốt hay xấu nhưng điều này sẽ khiến các đội tuyển có quỹ lương lớn và được đầu từ sẽ dễ dàng thống trị giải đấu quốc nội và phần nào đó mất đi tính cạnh tranh vốn có.